Dạy trẻ tránh xa video clip độc hại trên mạng xã hội
Hiện nay trẻ nhỏ có xu hướng sử dụng các sản phẩm công nghệ sớm, trong đó YouTube là một trong những ứng dụng quen thuộc. Tại chương trình Talkshow “YouTube an toàn cho trẻ em,” các chuyên gia đã cảnh báo về những rủi ro khi sử dụng ứng dụng này trong bối cảnh mà “nhiều khi trẻ em còn giỏi công nghệ hơn cả ba mẹ của chúng.”
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: amazeemetrics.com).
Phổ biến chưa chắc đã an toàn
Bên cạnh những nội dung giải trí, giáo dục,… YouTube cũng đem lại không ít hệ lụy với những nội dung nhảm, độc hại.
Theo tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam, có quá nhiều video và sản phẩm không lành mạnh đang lan tràn trên YouTube. Điều đặc biệt là có tình trạng một số phụ huynh không cảnh giác bởi cho rằng “những thứ phổ biến thì an toàn.”
Ông Nam dẫn chứng hàng loạt các phong trào nổi tiếng trên YouTube như: thử thách bột quế (cinnamon challenge) - để vượt qua thử thách, người tham gia phải hít hết một muỗng đầy bột quế; thử thách nghẹt thở (choking game) – bằng cách tự nín thở hoặc nhờ người khác kẹp cổ, người tham gia sẽ ngừng thở trong một khoảng thời gian; thử thách lửa (fire challenge) – tự đốt bản thân và dập lửa ngay sau đó…
Ngoài ra, còn hàng loạt các phong trào khác không thể kể hết. Nhiều bài báo từng cảnh báo về các nguy cơ tiềm tàng, cũng như các trường hợp gặp nguy hiểm đến tính mạng do tham gia vào những phong trào này.
Giải thích cho việc tại sao trẻ em lại bị ảnh hưởng bởi những sản phẩm video này, ông Nam nhận định: Ở vào độ tuổi của mình, những đứa trẻ thường không ý thức được năng lực hay hành vi của bản thân, các em thường cho rằng bản thân mình có thể thực hiện mọi thứ. Chính tâm lý này thu hút các em vào các trò chơi mang tính thử thách, nó giúp các em thỏa mãn được cái tôi của mình, bất chấp những nguy hiểm mà hành động của các em có thể mang lại.
Các hoạt động chơi dại mang tính phong trào trên chỉ là một ví dụ trong số rất nhiều những ảnh hướng xấu đang diễn ra công khai hàng ngày trên YouTube. Theo ông Nam, một đoạn video “độc hại” một khi trở nên phổ biến sẽ “bình thường hóa các hành động sai trái” làm cho tất cả chúng ta hiểu sai về bản chất của sự việc, những đứa trẻ bị ảnh hưởng sẽ thực hiện những hoạt động bắt chước theo đoạn video ấy một cách tự nhiên mà không ý thức được hành vi của mình.
Cha mẹ cần song hành với trẻ
Bên cạnh đó, trên YouTube còn xuất hiện nhiều nội dung dành cho trẻ em nhưng hoàn toàn không lành mạnh. Đầu năm 2017, nhà chức trách đã xử phạt chủ sở hữu kênh “Spiderman Frozen Marvel Superhero Real Life” khi này chủ động cung cấp thông tin miêu tả hành động không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam trong các nội dung được phát trên kênh này.
Ngoài ra, trên YouTube còn xuất hiện nội dung sai trái, không thích hợp với trẻ nhỏ mà nếu không quản lý tốt, sẽ gây ảnh hưởng tâm lý cho trẻ khi xem.
Tính tới cuối năm 2017, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ được khoảng gần 6.500 clip xấu độc trên trang YouTube trong tổng số khoảng 7.500 clip vi phạm pháp luật Việt Nam.
Rõ ràng, những mối nguy hại luôn rình rập và tồn tại dưới nhiều dạng thức khác nhau, các chuyên gia tại buổi tọa đàm đều cho rằng, cha mẹ nên có sự kiểm soát đối với hoạt động sử dụng YouTube của trẻ em trong khi chờ đợi sự cứng rắn từ cơ quan quản lý nhằm làm trong sạch môi trường Internet.
Theo tiến sĩ Trần Thành Nam, cha mẹ nên tập trung vào việc xây dựng thế giới quan cho trẻ, giáo dục và định hướng cho con mình có một cái nhìn đúng đắn với sự vật, sự việc.
Đồng tình với ý kiến này, nhà báo Hoàng Thu Hường cho rằng, việc trẻ tiếp xúc với các thông tin độc hại trên YouTube là khó tránh, do đó cha mẹ cần định hướng, làm thế nào để con trẻ hiểu được hoạt động ấy là sai trái.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, những đứa trẻ được cha mẹ quá bao bọc thì cực kì dễ bị tổn thương. Do đó nên để các em dần biết được mặt trái của xã hội giúp trẻ em trưởng thành hơn và không bị bỡ ngỡ khi tiếp xúc ngoài xã hội.
Talkshow "YouTube safety for children" là một dự án được thực hiện nhằm truyền tải đến các vị phụ huynh những thông tin bổ ích về việc giúp con sử dụng YouTube đúng đắn. Buổi talkshow cuối tháng 3/2018 có sự góp mặt của nhiều nhà báo và chuyên gia hoạt động trong các lĩnh vực xã hội: Chị Đỗ Vân Nguyệt (Tổ chức Live&Learn); Nhà báo Hoàng Thu Hường (Phó giám đốc tổ chức ISEE); Tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam (Đại học Quốc Gia Hà Nội); Điều phối viên: Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh (Giảng viên khoa Xã hội học thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền) Qua buổi talkshow, các bậc phụ huynh có một cái nhìn đa chiều hơn trong việc giáo dục trẻ sử dụng công nghệ thông tin, về các hình thức tồn tại của các thông tin gây hại đang tồn tại trên YouTube hiện nay… |