Họa sĩ Cao Tuấn: trước hết phải tử tế với mình
Tuổi Mậu Tuất 1958, đến năm Mậu Tuất 2018 này, họa sĩ Cao Tuấn vừa tròn một hoa giáp. Cũng là tròn 38 năm anh làm việc như một công chức mẫn cán, không dịch chuyển. Một khía cạnh rất khác trong con người họa sĩ vốn coi việc “ăn chơi” giống như một nghệ thuật và luôn biết cách để đạt tới tự do nhất trong sáng tác cũng như trong cuộc đời.
PV: Được biết anh đi làm năm 22 tuổi, tháng 10/1980. Đến tháng 6 này về hưu thì còn thiếu 3 tháng nữa tròn đúng 38 năm. 38 năm đi làm nhà nước không lên chức, cũng không thay đổi chỗ làm. Có lẽ đây là điều rất đáng ngạc nhiên đối với một họa sĩ?
Họa sĩ Cao Tuấn: Tính tôi về bản chất là không thích chuyển dịch, thay đổi. Hơn nữa đã xác định con đường mình đi từ đầu là hãy hoàn thành công việc của một công chức, không hơn không kém, không phấn đấu để làm lãnh đạo. Cho nên với người khác về hưu vẫn được nói đùa là “hạ cánh an toàn” thì với tôi, nghỉ hưu vào năm nay là việc tự nhiên của cuộc đời, tôi chưa “bay” bao giờ nên không phải “hạ cánh”.
- Nhưng trở thành một công chức thì có khác gì so ước mơ thời trẻ của anh không, ước mơ thời học phổ thông hoặc những năm là sinh viên trường mỹ thuật?
- Thật ra hồi ấy mọi người đều vậy thôi, học xong đại học thì đi làm nhà nước. Nữa là tôi lại làm đúng chuyên môn mình học, là làm việc ở cơ quan tổ chức triển lãm của Bộ Văn hóa. Nhưng đi làm nhà nước bây giờ khác ngày xưa lắm. Ngày xưa đi làm công chức thì rất nghiêm chỉnh, việc đầu tiên là giờ giấc, không cần phải có thẻ từ để quẹt ở cổng nhưng mặc định người ta nghĩ đã ăn lương nhà nước là phải có nề nếp như vậy, ít nhất là phải đến cơ quan đúng giờ. Thậm chí không có việc gì làm cũng phải đến, cũng như đang trong giờ làm thì không bỏ ra quán uống nước chè. Ngày xưa thời bao cấp mọi người đều sống như nhau cả thôi. Bây giờ cuộc sống có nhiều tiêu chí quá thành thử công chức cũng bị phân tâm nhiều thứ. Đồng thời vì để đạt được các tiêu chí của cuộc sống mà con người ngày nay cũng phải phấn đấu nhiều thứ quá.
- Việc anh đi làm công chức như vậy có khác với kỳ vọng lúc đó của bố anh – nhà nghiên cứu Văn Tâm - không?
- Đến bây giờ ngần này tuổi rồi tôi mới hiểu bố tôi muốn gì ở con cái chứ hồi trẻ thì tôi chưa hiểu lắm. Bố tôi 17 tuổi từ Thanh Hóa ra học Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhà quê chính gốc thế mà ông học được ở người Hà Nội từ cách đi đứng ứng xử như một người Hà Nội và ông đã dạy dỗ cho con cái chu đáo. Thậm chí bây giờ nhiều người rất ngạc nhiên là tại sao tôi rất kỹ tính ăn trông nồi ngồi trông hướng, xét nét từng tí một. Là bởi vì tôi đã được dạy từ bé như vậy. Lúc bé mình cũng thấy gò bó quá, bị bắt làm theo cứng nhắc. Rồi vì mình không hiểu nên cũng có phản kháng lại như bỏ học hoặc nói dối. Thế nhưng khi lớn lên, nhất là bây giờ có tuổi rồi mới hiểu thật ra bố tôi chỉ muốn mình làm người tử tế, làm gì cũng được, học không cần giỏi lắm, nhưng nhất định phải là người tử tế, được mọi người quý mến trân trọng.
- Đúng là nếu không nói ra, không ai nghĩ nhà giáo, nhà nghiên cứu Văn Tâm lại không phải sinh ra ở Hà Nội. Ông có tri thức và sự lịch lãm đáng nể của một người mà ai cũng đinh ninh là người Hà Nội.
- 17 tuổi học hết trường chuyên Lam Sơn, bố tôi ra học Đại học Tổng hợp Hà Nội. 22 tuổi tốt nghiệp, ông được giữ lại trường. Rồi do có chút liên quan đến Nhân văn Giai phẩm, ông bị điều về Sở Giáo dục Hà Nội, trở thành một thầy giáo dạy văn cấp 3. Cha tôi một đời phấn đấu cho sự tử tế. Ông coi trọng sự ngay thẳng, thật thà, chính trực và đặc biệt là ghét sự dối trá. Ông cho rằng mình phải tử tế với mình trước thì mới tử tế được với người khác. Bản thân không tử tế với mình thì khó tử tế với mọi người được.
- Thực ra anh có bị áp lực trong việc giữ hình ảnh của một gia đình trí thức vì ngoài người cha là nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học Văn Tâm, anh còn là cháu ngoại học giả Cao Xuân Huy?
- Chưa bao giờ tôi nghĩ mình là con ông nọ cháu ông kia để phải tỏ ra là người thế này thế kia. Chỉ là mình được sinh ra trong gia đình được dạy dỗ như thế thì mình sống theo đúng thế. Truyền thống gia đình tốt, cha ông mình sống tốt, được mọi người quý trọng thì mình cũng được hưởng lây sự quý trọng của mọi người. Và sự dạy dỗ chu đáo khiến mình tự thấy không được làm việc không hay chứ không phải chỉ vì mình nghĩ tới ông mình là ai, cha mình là ai mà cố làm việc không hay. Có một việc vui là khi cụ Cao Xuân Huy được đặt tên đường ở Hà Nội, cả gia đình tôi không biết tí gì. Một thời gian sau có người mách thì chúng tôi mới biết. Hỏi mẹ tôi là có biết việc ấy không, mẹ tôi cũng không biết. Đấy, kể ra để thấy gia đình đã không đem cái bóng cha ông ra mà dựa dẫm vào. Thậm chí chính quyền thành phố cũng không hỏi ý kiến lẫn thông báo cho con cháu khi đặt tên đường, mẹ tôi là con gái cũng chả biết gì cả.
- Trên trang cá nhân, anh có viết (tuy không nhiều) khá tinh tế về những đổi thay trong ứng xử của Hà Nội hôm nay. Sinh ra lớn lên ở phố Phan Bội Châu, thời bố anh còn sống, được biết nhà anh giống như một salon văn học nơi qua lại của nhiều trí thức Hà Nội. Cảm nhận về sự thay đổi của thành phố của anh chắc nhiều đau đớn và tiếc nuối hơn người khác?
- Hà Nội đang quá khác so với thời tuổi thơ của tôi rồi. Cái sự khác đi có thể mỗi ngày một tí. Một năm 365 ngày, mỗi ngày khác một tí người ta thấy quá quen nhưng thực ra rất khác. Ngay cả văn hóa xếp hàng của thời bao cấp giờ cũng ít người dùng đến. Xếp hàng để được phân phối gạo muối thực phẩm thời bao cấp thì là phương thức kinh tế chưa hợp lý mà chúng ta đã xóa bỏ. Nhưng văn hóa xếp hàng chờ đến lượt mình thì phải có chứ, bất kỳ là ở đâu. Ngày trước chiến tranh bom đạn còn xếp hàng tuần tự được, nghe tiếng kẻng rác leng keng thì mang rác ra đổ… rất tự nhiên. Văn hóa đi xuống cũng đừng đổ do đông người quá. Hà Nội bây giờ quá xô bồ, quá mệt mỏi. Cái này rất khó có thể thay đổi. Cá nhân mình thì quá bé nhỏ, chắc phải có sự thay đổi từ các cấp quản lý đô thị. Bắt đầu ngay từ bây giờ, còn cứ kệ thì không biết mai sau sẽ như nào.
- Vì sao với một xuất phát điểm thuận lợi, triển lãm cá nhân của anh lại chậm hơn so với những người khác?
- Có họa sĩ từ trẻ đến già làm rất nhiều triển lãm cá nhân, nhưng có người dù rất nổi tiếng đến già cũng chưa làm triển lãm cá nhân nào. Nên tôi nghĩ mọi việc là do số, do duyên hết cả. Có người thích làm triển lãm, có người không. Nhưng để làm được triển lãm thì phải có tranh, đó mới là câu chuyện. Bởi vì để vẽ được thì bắt buộc phải có cảm xúc. Đã là họa sĩ chuyên nghiệp, họa sĩ chỉ có ăn và vẽ thì người ta bắt buộc phải có cảm xúc, không thể không có. Tất nhiên, người chuyên nghiệp không chờ khi nào cảm xúc đến mà họ thành thói quen đến ngày đến giờ ngồi vào giá vẽ thì sẽ có cảm xúc.
- Nói cho cùng anh vẫn là người ham chơi, ở chỗ không đặt mình vào kỷ luật đến giờ ngồi vào giá vẽ?
- Chính xác là như thế. Tôi rất thích những lời họa sĩ Trịnh Tú viết về triển lãm cá nhân của tôi: “Anh vẽ chắc chắn là không phải để kiếm tiền, cũng không phải để tìm danh, bởi anh đã thành danh trong cuộc chơi mấy chục năm rồi. Hình như anh vẽ để trả ơn cuộc đời, vẽ để ru mình, để tìm thêm một ý nghĩa nữa. Hay nói rõ hơn, anh vẽ để nhấn mạnh thêm rằng: “Sống trong đời cần có một tấm lòng”. Tất cả rồi cũng phôi pha, cái đọng lại vẫn phải là cung cách ứng xử với cuộc đời của mỗi người…”
Vẽ với tôi suy cho cùng cũng như một cuộc chơi thôi.
- Sau ngần đấy năm“rong chơi”, nhìn lại anh thấy mình được nhất là cái gì?
- Có lẽ là được mọi người yêu quý.
- Anh thường vẽ vào khi nào?
- Khi nào cảm xúc dồn nén, bố cục đã ở trong đầu mình thì nhắm mắt lại cũng vẫn vẽ được. Nhưng tôi không có cái phẩm chất bắt buộc phải ngồi vào giá vẽ, bắt buộc ngày mai phải xong bức tranh vì có khách đang chờ. Trừ công việc cơ quan ra thì bản chất của tôi là thích tự do. Và việc vẽ cũng phải tự do, không gò ép.
- Quan niệm của anh về phụ nữ?
- Tôi nghĩ phụ nữ sinh ra là để được yêu, không phải để hiểu. Ngay cả đối với vợ, nếu 12 giờ đêm tôi mới trở về nhà thì không bao giờ hỏi tôi đi đâu, làm gì.
- Xin cảm ơn anh!