Băn khoăn tính minh bạch trong quản lý tiền công đức tại di tích

Minh Quân 05/04/2018 08:20

Cùng với công tác quản lý lễ hội nói chung, việc quản lý tiền công đức tại các di tích luôn là vấn đề “nóng” được dư luận xã hội quan tâm. Mới đây, tại chùa Tây Thiên (tỉnh Vĩnh Phúc) nhiều tỷ đồng tiền công đức đã “không cánh mà bay” đã gióng lên hồi chuông cảnh báo vấn đề thiếu công khai, minh bạch trong công tác quản lý.

Băn khoăn tính minh bạch trong quản lý tiền công đức tại di tích

Tiền công đức tại các di tích vẫn đang được quản lý khá lỏng lẻo.

Một mất, mười ngờ

Cụ thể, mới đây sư thầy Thích Đàm Phú, trụ trì chùa Tây Thiên (xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) đã có đơn đề nghị gửi hàng loạt cơ quan, đơn vị tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Tam Đảo về sự bất ổn diễn ra tại chùa Tây Thiên trong thời gian qua, đặc biệt là vấn đề “mập mờ” trong quản lý tiền công đức.

Theo đơn thư và chia sẻ của sư thầy thì tiền công đức hàng chục tỉ đồng ở chùa Tây Thiên đi đâu nhưng sư thầy trụ trì không hay biết.

Bên cạnh đó, sư thầy cũng cho biết các vị sư khác trong chùa đã tùy tiện, khuất tất trong việc quản lý, cố ý không báo cáo, không công khai, minh bạch nguồn tài chính.

Mặc dù, sư thầy Thích Đàm Phú đã nhiều lần ý kiến, yêu cầu được giải thích nhưng đến nay vẫn không nhận được trả lời.

Hiện tại, tình hình tại ngôi chùa ngày càng thêm phức tạp khi gần đây xuất hiện các vị sư lạ mặt tự do đi lại không xin phép, không báo cáo, tùy tiện ăn ở, tự do thu lễ, tự do kiểm đếm, thu nhặt tiền công đức...

Tuy nhiên, trường hợp tại chùa Tây Thiên chỉ là một trong số vô vàn trường hợp thiếu minh bạch, “một mất mười ngờ” trong việc quản lý tiền công đức tại các di tích.

Trước đó, trường hợp xảy ra tại Đền ông Hoàng Mười (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) là một ví dụ điển hình cho thiếu minh bạch trong việc quản lý tiền công đức.

Trong thời gian chục năm liền, số tiền công đức thu được nộp vào Kho bạc Nhà nước chỉ có vỏn vẹn khoảng 1,5 tỷ đồng.

Nhưng từ khi có ban quản lý mới vào năm 2014, bình quân mỗi năm số tiền đó là 11 tỷ đồng.

Rõ ràng, sự thay đổi ban quản lý đã mang lại một hiệu ứng tích cực, khi số tiền công đức đã thu và được công khai lớn gấp hàng trăm lần so với trước.

Có thể thấy, từ trước đến nay chưa có một thống kê nào được thực hiện và mỗi đền, chùa, di tích đều có cách quản lý tiền công đức riêng của mình.

Việc lật ngược hòm công đức để moi tiền không còn là hiện tượng lạ, đã từng xảy ra ở nhiều địa phương.

Trong báo cáo của Thanh tra Bộ VHTTDL mới đây từng nêu ví dụ về tình trạng nhận tiền công đức rồi khắc tên người góp tiền lên bia, điển hình là tại lăng Mẫu Liễu Hạnh (Nam Định), chùa Liên Phái (Hà Nội), đền Trình (chùa Hương)…

Riêng đền Trình có tới 12 bia công đức với giá 15 triệu đồng/bia, tại lăng Mẫu Liễu Hạnh còn xây mới nhiều gian nhà để có chỗ đặt bia. Nhiều chùa còn có hiện trạng dưới chân 1 tượng đặt 4 thùng công đức…

Phân cấp quản lý

Với một vài ví dụ trên câu chuyện phân cấp quản lý tiền công đức tại các điểm di tích vẫn chưa thực sự có một quy định cụ thể, đảm bảo tính minh bạch.

Mặc dù Thông tư liên tịch do Bộ VHTTDL và Bộ Nội vụ ban hành từ năm 2014 hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo, trong đó có nội dung quan trọng là hướng dẫn việc quản lý, thu chi tiền công đức.

Trong đó, tại Thông tư liên tịch nêu rõ tiền, tài sản được dâng cúng, công đức, tài trợ cho các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch.

Cùng với đó trong quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc quản lý, sử dụng nguồn công đức cũng nêu những điều khoản cụ thể “Người phụ trách (trụ trì), Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo (nếu có) phải có phương thức thu nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo thống nhất, đoàn kết giữa những người trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; Việc quản lý, sử dụng nguồn công đức phải công khai, có sổ sách rõ ràng, chi tiêu minh bạch; Việc quản lý, sử dụng nguồn công đức phải tuân thủ các quy định của Thông tư liên tịch này và các quy định pháp luật khác có liên quan”.

Mới đây, theo lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội khẳng định tháng 6 - 2018, liên ngành thành phố sẽ hoàn thành Dự thảo quy định sử dụng tiền công đức tại các lễ hội và các di tích, trình UBND thành phố Hà Nội ban hành, để nguồn tiền công đức được quản lý và sử dụng một cách tốt nhất.

Tuy nhiên, dường như những quy định vẫn đang vẫn chưa thực sự là liều thuốc “đề kháng” tốt nhất.

Phân tích về vấn đề này, theo TS Trần Hữu Sơn- phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam lại cho rằng, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng trên là do chúng ta thiếu một cơ chế quản lý thống nhất, khiến mỗi di tích làm một kiểu.

Cũng theo ông Sơn việc quản lý tiền công đức hiện giờ đang phụ thuộc vào các địa phương được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý.

Ban quản lý di tích, chính quyền xã báo cáo bao nhiêu huyện biết chừng ấy chứ chưa có cơ chế nào để yêu cầu báo cáo cụ thể việc thu, chi.

Việc sử dụng tiền công đức đúng mục đích hay không cũng chưa có cơ chế kiểm soát…

Tiền công đức là do các tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp nên cần được quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch và phải được sử dụng đúng mục đích, tâm nguyện của các nhà hảo tâm phát tâm công đức.

Vì vậy, việc xây dựng các quy định có liên quan nhằm đảm bảo thu, chi tiền công đức đúng mục đích. Đồng thời, định kỳ hàng quý, Ban quản lý di tích cần thực hiện niêm yết việc thu, chi công khai tại di tích để người dân cùng rõ.

Bên cạnh đó, những bức xúc của người dân trong việc thu phí tại di tích cũng đến từ quy định pháp luật còn thiếu rõ ràng.

Theo quy định, nếu danh thắng thì được thu phí để trùng tu và bảo tồn nhưng với hệ thống cơ sở tôn giáo thì không được phép. Thế nhưng, việc phân biệt cơ sở tôn giáo và danh thắng còn mập mờ.

“Hiện nay, mới chỉ có việc thu phí là được thanh tra, kiểm toán, còn công tác quản lý tiền công đức vẫn chưa được đụng chạm đến. Đây cần được coi là vấn đề gợi mở để các cơ quan trên xem xét và thực hiện, bởi dư luận xã hội mong chờ đã lâu và số tiền công đức nếu được tổng hợp thì không phải là nhỏ”- TS Trần Hữu Sơn nói.

Minh Quân