Trách nhiệm của hội đồng chức danh GS, PGS: Vẫn còn khoảng trống
Sau đợt rà soát hồ sơ của 94 GS, PGS vừa qua, chỉ có 53 người được công nhận, còn lại 41 người đã không đủ điều kiện. Danh sách của 53 tân GS, PGS cũng đã được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ông Nguyễn Huy Bằng- Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT, trưởng đoàn kiểm tra ứng viên GS, PGS 2017 cho hay, trong số 41 người không đủ điều kiện, có tới 20 người xin rút thì rõ ràng đã có nhiều người tự nhận thấy mình không đủ điều kiện.
Ảnh minh họa.
Câu chuyện đặt ra ở đây, nếu những người tự thấy mình không đủ điều kiện ngay từ đầu đã không làm hồ sơ. Cùng với đó, hội đồng chức danh giáo sư các cấp cũng làm việc có trách nhiệm hơn, hẳn đã tránh được những ồn ào mang tên “chuyến tàu vét”.
Cần bộ phận phản biện độc lập
Trước đó, ngay sau khi Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017, với số lượng người được công nhận tăng đột biến (1.226 ứng viên đạt chuẩn) đã có nhiều thông tin lo ngại về chất lượng GS, PGS trong “chuyến tàu vét” mang số hiệu 174.
Sau khi rà soát lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong buổi họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 1/3, đại diện Bộ GD& ĐT đã công bố con số 94 hồ sơ ứng viên nằm trong diện phản ánh chưa đủ tiêu chuẩn, dù trước đó đã được công nhận đạt chuẩn.
Thậm chí trước những băn khoăn thắc mắc từ dư luận, hầu hết các hội đồng chức danh GS,PGS đều khẳng định, họ không phát hiện được hồ sơ bất thường.
Vậy ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm về việc không thẩm định kỹ, chưa nghiêm túc trước đó?
Nhận định về kết quả của cuộc đại rà soát chức danh GS, PGS vừa qua, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp- Bộ GD&ĐT cho rằng đây là cách làm thận trọng, nghiêm túc của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, việc lấy lại được lòng tin của xã hội là rất quan trọng.
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, 94 hồ sơ ứng viên “có phản ánh” chưa đủ tiêu chuẩn cũng cho thấy, các Hội đồng chức danh GS, PGS cấp cơ sở, Hội đồng ngành và cả Hội đồng cấp Nhà nước làm việc chưa nghiêm túc, chưa xem xét thấu đáo hồ sơ của các ứng viên.
Vì sao tất cả hồ sơ của các ứng viên giáo sư và phó giáo sư đều qua 3 vòng xét duyệt, với nhiều lần bỏ phiếu mà khi rà soát lại vẫn phát hiện hồ sơ “có vấn đề”?
Nếu Thủ tướng Chính phủ không yêu cầu rà soát lại, có thể những ứng viên không đủ tiêu chuẩn này vẫn được thông qua, thì sẽ gây ảnh hưởng thế nào đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bàn về vấn đề trách nhiệm thuộc về ai, khi 41 hồ sơ sau rà soát được kết luận là chưa đạt chuẩn, trong đó chủ yếu ở khâu hợp đồng giảng dạy, giờ giảng, thanh lý hợp đồng…,
TS Lê Viết Khuyến - nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho rằng cần quay lại vấn đề quy trình xét duyệt.
Nếu quy trách nhiệm cho cấp này cấp khác thì cũng đều đúng cả, nhưng nguyên nhân gốc rễ là do quy trình không ổn. Chính vì quy trình không ổn nên dẫn tới những hậu quả như thế.
Cũng theo phân tích của TS Lê Viết Khuyến, vừa rồi là chỉ rà soát lại 94 hồ sơ có đơn tố cáo, hồ sơ không đảm bảo, còn nếu rà lại cả hơn 1.000 hồ sơ như cách đã làm thì con số hồ sơ không đạt có thể không chỉ dừng ở đó…
Sau khi kết quả rà soát được công bố, vẫn còn đó không ít ý kiến nghi ngờ tính khách quan, minh bạch kết quả rà soát của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước.
Bởi lẽ, chính Hội đồng này đã công nhận đủ điều kiện chức danh GS, PGS thì quá trình rà soát liệu họ có dám phủ nhận kết quả do chính mình đã tạo ra trước đó, nên có nguy cơ còn bỏ lọt ứng viên không đạt tiêu chuẩn hay không?
Do đó nhiều người đồng tình rằng, cần có một đội ngũ phản biện khác độc lập để rà soát lại hồ sơ của các ứng viên.
Tránh lặp lại
Trong năm 2017, Văn phòng Chính phủ đã đưa ra Dự thảo mới về quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn, bổ nhiệm, miễn nhiệm GS, PGS để lấy ý kiến.
Theo đó, có nhiều điểm mới so với dự thảo trước đây chẳng hạn hàng năm tại cơ sở giáo dục ĐH phải công khai hồ sơ ứng viên.
Cũng theo dự thảo, nhiệm vụ của các Hội đồng chức danh giáo sư được quy định cụ thể và rõ ràng hơn.
Dẫu thế, việc quy định trách nhiệm cụ thể của Hội đồng chức danh giáo sư các cấp cũng chưa được đề cập rõ nét.
Đóng góp ý kiến cho việc hoàn thiện dự thảo này, nhiều ý kiến đã cho rằng, để có một bộ tiêu chuẩn chất lượng tốt, các quy định phù hợp và sát với thực tiễn, không nên có những quy định theo kiểu từ trên trời rơi xuống mà chẳng dựa vào cơ sở thực tiễn nào.
Làm được như thế mới không công nhận nhầm những người còn kém cỏi, cũng không bỏ sót những người xứng đáng và hạn chế tiêu cực trong quá trình xét.
Như vậy, vẫn còn những khoảng trống nhất định trong việc quy trách nhiệm về việc công nhận chức danh GS, PGS.
Trước mắt, theo ông Nguyễn Huy Bằng, với những nỗ lực rà soát thời gian qua, đoàn thẩm tra cũng đã kịp thời có những kiến nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có hình thức chấn chỉnh các cơ sở giáo dục ĐH chưa thực hiện tốt quy định về thỉnh giảng; kiến nghị Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước có những giải pháp phù hợp rút kinh nghiệm với các hội đồng cơ sở, hội đồng ngành để việc xét công nhận chức danh GS, PGS được chính xác hơn.