Quảng Nam: Nỗi lo thất thoát tiền Nhà nước từ việc giao doanh nghiệp khai thác đất
Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Nam có chủ trương giao cho các doanh nghiệp (DN) thực hiện một số dự án “Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và khai thác đất”. Nhưng dư luận đặt ra câu hỏi, làm thế nào để tránh tình trạng thất thu ngân sách Nhà nước từ các dự án này?.
Bản đồ quy hoạch của một dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và khai thác đất.
Theo đó, tại các huyện, thành phố như Điện Bàn, Duy Xuyên, Núi Thành, Tam Kỳ… tỉnh Quảng Nam đã và đang có một số DN thực hiện các dự án nói trên. Điều đáng nói giá đất tại các đại phương này tăng đột biến theo từng ngày. Có những dự án chưa được thẩm định gía đã phân lô bán nền. Vậy làm thế nào để thẩm định giá đất sát với thực tế để tiền Nhà nước không thất thu.
Qua buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), khi phóng viên đặt câu hỏi nêu trên, ông Thọ khẳng định: “Dư luận phản ánh quyền của họ, còn dứt khoát không thể để thất thoát tiền Nhà nước từ các dự án nói trên, bởi quy trình làm rất chặt chẽ, từ việc thẩm định giá đất theo Thông tư 36 của Bộ TN&MT đến lập hồ sơ xây dựng giá đất theo Quyết định số 2352/QĐ-UBND của UBND tỉnh và cuối cùng là có Hội đồng thẩm định (HĐTĐ) xong mới trình UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt”.
Hơn nữa, theo ông Thọ, “việc thẩm định sát với thực tế gía cả thị trường tại thời điểm thẩm định. Còn việc xây dựng giá đất không phải để DN bán đất, mà xây dựng giá để xác định doanh thu, trừ chi phí để xác định ra tiền đất thu về cho Nhà nước”.
Một trong những dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và khai thác đất.
Thực tế thì không như ông Thọ nói, đã có những DN chưa được thẩm định đã bán sạch nền trên bản vẽ. Việc này dẫn đến tình trạng DN chiếm dụng vốn của người có nhu cầu mua đất và cả tiền phải đóng cho Nhà nước.
Tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX vừa qua, một số ý kiến đại biểu đã cho rằng, một số dự án việc thẩm định giá đất không gắn liền với thời điểm ban hành quyết định giao đất, một số chủ đầu tư không quan tâm đến tiến độ đầu tư hạ tầng, gây lãng phí đất đai, làm thất thu ngân sách nhà nước.
Khi làm việc với chúng tôi, ông Thân Đức Sửu, Phó Giám đốc Sở Tài chính thừa nhận, việc một số DN chưa được thẩm định giá đất đã phân lô bán nền là có, nhưng việc này nếu sai thì DN phải chịu trước pháp luật. Còn hội đồng thẩm định thì phải theo hồ sơ làm đúng quy trình mới thẩm định giá cả.
Theo ông Sửu quy trình đó là: “Khi UBND tỉnh có chủ trương thì DN phải lập dự án, xác định tổng chi phí cho hạ tầng như làm đường, làm cầu cống, san lấp nền,… tất tần tật là bao nhiêu tiền và phải xác định được doanh thu, sau đó gửi lên Sở TN&MT, sở này thẩm định chi phí DN có làm đúng định mức, đúng tiêu chuẩn hay không. Nếu chưa đúng phải làm lại, đến khi đôi bên thống nhất chốt lại con số, Sở TN&MT sẽ có phương án trình hội đồng thẩm định để thẩm tra, xác định lại và xác định doanh thu, chỗ nào tái định cư, đường nào, vị trí nào, số tiền như thế nào, để tính doanh thu trừ chi phí và thu tiền về cho Nhà nước”.
Một DN đang xây dựng hạ tầng ở một dự án đã được phê duyệt.
Khi phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi, với cách tính như vậy thì làm thế nào để xác định được giá cả sát với thị trường tránh tình trạng tiếp tay cho doanh nghiệp làm thất thoát tiền Nhà nước? Sau khi trừ tất tần tật các chi phí để DN phân lô bán nền thì giá cả giá chênh lệch với thị trường biên độ là bao nhiêu phần trăm để Nhà nước không mất tiền?
Ông Sửu thẳng thắng: “Phải căn cứ sát giá thị trường tại thời điểm định giá để không thất thoát tiền Nhà nước. Tại thời điểm thẩm định giá so với thị trường thì biên độ giao động khoảng 80 đến 90%. Còn sau đó, khi DN bán ra thị trường thì cũng tùy theo thời điểm, có thể tăng lên hoặc hạ xuống”.
Thế nhưng việc phân lô bán nền trên bản vẽ đã và đang xảy ra ở các dự án này tại Quảng Nam. Giá cả biến động hằng ngày liệu rằng có thất thu tiền Nhà nước hay không, dự luận vẫn luôn đặt ra câu hỏi này.