Lênh đênh trên hồ Ba Bể
Khi tới hồ Ba Bể (Bắc Kạn) du khách được hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ, thưởng thức làn điệu then, điệu múa truyền thống bản địa, và gắn kết với người dân bằng loại hình du lịch homestay…
Khi tới hồ Ba Bể du khách được hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ.
Với lợi thế là một trong 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, nằm giữa một vùng núi đá vôi rộng lớn (thuộc xã Nam Mẫu), hồ Ba Bể rộng khoảng 500ha, được ví như viên ngọc xanh giữa đại ngàn. Đặc biệt, vùng hồ Ba Bể, còn có hệ thống hang động, thác nước và là nơi đồng bào dân tộc Tày cư trú lâu đời trong những căn nhà sàn đặc trưng thấp thoáng bên hồ, đồng bào dân tộc Mông, Dao cư trú trên sườn núi, mang đậm bản sắc.
Ngao du trong lòng hồ để cảm nhậncảnh sông nước, hai bên hồ là những hàng cây xanh thẳm. Những cây vả, cây sung chi chít quả xanh quả chín là là sát mặt nước.Ngoài cây cổ thụ già đến vài người ôm thì vối là loài cây có nhiều ở Ba Bể, những cây vối thân rêu mốc xù xì ngả ra lòng hồ. Mặc dù cành và thân chìm nghỉm trong nước nhưng vối vẫn vươn lên xanh tốt. Từng chùm quả đỏ như son, sai chi chít tỏa ra không gian mùi hương êm mát, dịu dàng. Ngay cả những cây vối già cũng đem lại nguồn thu đáng kể, trở thành đặc sản cho mỗi du khách ghé qua Ba Bể bởi hương thơm đặc trưng.
Ấn tượng nhất trên hồ Ba Bể vẫn là hình ảnh cô gái Tày trong bộ áo chàm chèo trên con thuyền độc mộc, và hình ảnh đó đã trở thành biểu tượng du lịch của vùng cao Bắc Kạn. Đây là loại thuyền làm bằng duy nhất một thân cây gỗ mà không sử dụng kỹ thuật đóng, ghép. Với dáng hình độc đáo, nhỏ nhắn mà cơ động, thuyền độc mộc chỉ có một mái chèo và là phương tiện lưu thông phổ biến trên sông hồ của đồng bào vùng cao Bắc Kạn.
Ngày nay, mặc dù đã có một lượng thuyền được thay thế bằng máy thì thuyền độc mộc vẫn là phương tiện yêu thích của nhiều du khách khi đến với hồ Ba Bể, bởi cảm giác tưởng như chồng chềnh mà lại lướt như bay, vừa hồi hộp lo lắng, lại vừa lạ lẫm, mới mẻ. Những cung bậc cảm xúc ấy có lẽ chỉ khi đến với Ba Bể, được tận mắt ngắm nhìn và ngồi trên chiếc thuyền độc mộc dưới tay chèo của cô gái Tày nhỏ bé, du khách mới có thể cảm nhận hết được.
Thuyền tiến dần vào Ao Tiên, đây là một hồ nước nhỏ, rộng chừng 3ha nằm trên đỉnh núi, bị bao bọc bởi rừng nhiệt đới nên khí hậu rất mát mẻ và trong lành. Tương truyền đây chính là nơi các nàng tiên trên trời thường xuống tắm và đánh cờ.Từ Ao Tiên du khách ra thẳng gò Giả Mải hay còn gọi gò Bà Góa. Nơi đây tương truyền chính là nền nhà của mẹ con bà góa trong câu chuyện sự tích hồ Ba Bể, nó nổi lên giữa hồ với cây xanh bao phủ, với những phiến đá phẳng nhẵn rất thích hợp cho những người thích nằm tắm nắng.
Ở Ba Bể, có con thác Đầu Đẳng hùng vĩ nằm giữa hai dãy núi đá vôi dựng đứng. Cao trên 100 mét, thác Đầu Đẳng đổ xuống bằng toàn bộ nước sông Năng, len lỏi giữa những khối đá vôi lớn nằm chồng lên nhau chênh vênh trên ba thềm bậc đá: bậc đầu nước từ trên cao xối mạnh và khúc khuỷu, bậc tiếp theo, nước rẽ thành hai dòng, đến bậc cuối lại chảy lững lờ giữa những tảng đá, êm đềm và thơ mộng. Thác Đầu Đẳng vừa bề thế vừa ngoạn mục và kỳ vĩ, hòa với phong cảnh rừng nguyên sinh tạo một ấn tượng khó quên.
Lưu trú theo phong cách homestay ngày càng được nhiều du khách lựa chọn. Những năm qua, người dân ở đây đã biết phát huy lợi thế của loại hình du lịch homestay để tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế. Hiện Pác Ngòi có 91 hộ, trong đó có gần 20 hộ đã xây dựng mô hình nhà nghỉ và dịch vụ ăn uống tại nhà.
Cô chủ Ngọc Mai cho biết: Giờ đây Ba Bể đã khác rồi, nhờ có hồ mà người dân ở đây có thu nhập từ việc phát triển du lịch. Ngoài nghề chở đò đưa khách và đánh bắt cá tôm ở lòng hồ thì những hoạt động du lịch cộng đồng đã tạo việc làm cho nhiều người trong bản, đồng thời nâng cao nhận thức về du lịch đối với người dân. Mặt khác, hoạt động này còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Hà- phó giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du Lịch Bắc Kạn, trước đây, hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch của người dân chủ yếu là tự phát. Sau khi có dự án, trong đó bao gồm cả việc đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn thì hoạt động này trở nên chuyên nghiệp hơn, nâng cao được nhận thức của người dân, nâng cao kỹ năng giao tiếp ứng xử của người dân đối với khách du lịch. Giờ đây người dân đã có thể hiểu được những lợi ích mà du lịch mang lại cho đời sống của họ. Lượng khách du lịch đến với Ba Bể tăng ổn định qua từng năm.
Tuy nhiên, phát triển du lịch ở đây cũng đang gặp phải rất nhiều khó khăn thách thức. Số lượng khách du lịch tăng, đi kèm với đó là nhu cầu mở rộng các cơ sở lưu trú. Điều đáng nói là nhiều hộ dân thay vì dựng nhà sàn như truyền thống của người bản xứ đã và đang xây dựng nhà bằng gạch, điều này đe dọa làm mất đi nét đẹp vốn là sức hút với du khách, phá vỡ cảnh quan nguyên sơ ở Ba Bể. Cùng với đó, sản phẩm du lịch ở đây vẫn còn nghèo nàn, đơn điệu, chất lượng chưa cao, chưa tạo được sức hấp dẫn cho du khách.
Nhất là việc thu hút du khách bằng vốn văn hóa đặc sắc của người dân tộc thiểu số đang là mục tiêu phát triển du lịch ở hồ Ba Bể, nhưng một số du khách nước ngoài cho biết, họ ấn tượng với cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, hoang sơ ở Ba Bể song vẫn gặp phải đôi chút bất tiện vì khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ hạn chế của người dân bản xưa, điều này là rào cản lớn khi họ muốn tự khám phá nét văn hóa đặc trưng ở các thôn, bản xung quanh hồ Ba Bể…Bởi vậy các nhà quản lý du lịch cần sớm tìm ra những giải pháp gỡ khó để Ba Bể thực sự là một điểm đến hấp dẫn.
Hồ Ba Bể nằm ở độ cao khoảng 178 m so với mực nước biển, đây là hồ nước ngọt tự nhiên rộng nhất và cao nhất ở Việt Nam. Tên gọi Ba Bể có nghĩa là “ba hồ”, người Tày gọi là “Slam Pe” (Pé Lèng, Pé Lù và Pé Lầm). Đây là một tên cổ muốn nói hồ có ba đoạn phình ra tương đối lớn. Tuy nhiên, thực tế Ba Bể là một hồ nước liên tục với vô số các khe suối nhỏ, trải dài gần 8 km theo hướng Bắc-Nam. Hồ sâu trung bình từ 17 đến 23 m, điểm sâu nhất khoảng 35 m. Diện tích mặt hồ dao động từ 300 đến 500 ha theo mùa và quanh năm nước trong xanh. |