Phản giáo dục!
Thời gian gần đây, một loạt vụ việc mất an ninh trường học xảy ra liên tiếp tại các địa phương như học sinh bị thương do sập trần phòng học, giáo viên có hành vi thiếu chuẩn mực với học sinh, phụ huynh học sinh vào trường hành hung và xúc phạm nhà giáo…
Những sự việc này đã ảnh hưởng đến tâm lý nhà giáo và học sinh, tác động xấu đến môi trường giáo dục và gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Đặc biệt, mới đây việc giáo viên Nguyễn Thị Minh Hương, chủ nhiệm lớp 3A5, Trường Tiểu học An Đồng (huyện An Dương, Hải Phòng) phạt học sinh vì nói chuyện trong lớp bằng hình thức bắt uống nước vắt từ giẻ lau bảng đang gây chấn động dư luận cả nước.
Cụ thể, cách đây khoảng 2 tuần, ông nội học sinh P.P.A. (lớp 3A5) nhận được tin báo là cháu đi học phạm lỗi bị cô giáo phạt uống nước vắt từ giẻ lau bảng. Theo lời tường thuật của gia đình, cháu P.A. kể rằng: “Buổi sáng đến lớp, cháu nói chuyện riêng với một bạn bên cạnh. Thế nên, cô giáo bảo cháu là kể từ hôm nay phải uống nước vắt từ giẻ lau bảng. Cô bảo bạn cùng lớp đi vắt một cốc cho cháu uống. Lúc đầu cháu không uống, cô liền đếm 1,2,3 và bảo: “Có uống không?”. Cháu đưa cốc nước lên và uống hết nửa cốc. Nhưng cô bảo cốc nước loãng quá nên bảo bạn đi vắt thêm nước từ giẻ lau bảng bắt cháu uống. Sau đó, cô bảo cháu vào lớp súc miệng bằng nước sạch”.
Ở vị trí quản lý, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Trần Kim Tự đã khẳng định đây là hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo nghiêm trọng.
Dưới góc nhìn của chuyên gia tâm lý, nói về hành động cay nghiệt của giáo viên này, Tiến sỹ Tâm lý giáo dục Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng cách hành xử trên của giáo viên là rất đáng lên án, thậm chí ông còn cho rằng bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng là hành động quá dã man. Giáo viên đó cần xem xét lại phẩm chất đạo đức nhà giáo và nghiệp vụ sư phạm quá kém. Bạo lực và sử dụng nhục hình là điều tối kỵ.
“Những hình phạt, cách cư xử đó của giáo viên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và việc hình thành nhân cách các em sau này. Kỷ luật trên nguyên tắc để giáo dục chứ không phải là hạ nhục hay làm tổn thương học sinh”, tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm nói.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, dùng các biện pháp bạo hành với học sinh thể hiện sự bất lực của người thầy. Ở bất cứ môi trường giáo dục nào cũng có học sinh lười, nghịch ở các mức độ khác nhau. Nhưng chính vì thế mới cần giáo viên, tức là người có kỹ năng nghề nghiệp sư phạm.
Với những giáo viên cảm thấy áp lực thì chứng tỏ là không có tố chất để làm việc trong ngành giáo dục, không đủ tố chất để làm giáo viên.
Trường học, nơi đáng ra phải là mái nhà thứ hai của trẻ, nhưng lại trở thành nỗi ám ảnh với một số học sinh. Trước thực trạng này, dư luận gửi nhiều băn khoăn tới Bộ Giáo dục – Đào tạo.