Người phụ nữ 13 năm sống trong lồng kính
Bà Juana Munoz, 53 tuổi, sinh sống ở Cadiz, Tây Ban Nha, đã phải sống trong một chiếc lồng kính vô trùng suốt 13 năm qua. Chiếc lồng như một nhà tù, nhưng cũng là thứ duy nhất bảo vệ bà khỏi những thứ có thể khiến bà chết ngay tức thì.
Juana Munoz trong một bức ảnh chụp cùng bạn bè. (Nguồn: OddCentral).
Sau khi được chẩn đoán mắc cùng lúc 4 chứng bệnh đe dọa tới mạng sống - nhạy cảm đa hóa chất (MCS), hội chứng đau cơ xơ hóa, hội chứng mệt mỏi mãn tính và nhạy cảm trường điện từ - Juana không có lựa chọn nào khác ngoài việc tự đặt mình vào một chiếc lồng kính vô trùng. Bà không thể rời khỏi lồng nếu không tuân thủ hàng loạt quy định khắt khe, và bất kỳ ai tiếp cận đều phải rửa sạch sẽ thân thể bằng các sản phẩm không có chất hóa học và chỉ mặc quần áo làm bằng sợi cotton hữu cơ.
Điều đau khổ nhất là gia đình bà không thể chạm vào, chứ chưa nói tới việc ôm bà mà không khiến bà rơi vào tình trạng nguy hiểm. Hai người con của bà Juana, ở tuổi 26 và 29, là những người duy nhất được ôm bà, nhưng chỉ 2 lần mỗi năm, và sau khi trải qua quá trình chuẩn bị tới vài ngày.
Chứng bệnh lạ xuất hiện cách đây 29 năm, khi bà Juana chạm vào những củ khoai tây mà chồng bà tự tay trồng. Sau đó môi và mắt bà sưng húp đến nỗi phải nhập viện điều trị. Kể từ đó, mỗi khi tiếp xúc với các loại hóa chất, bà đều bị buồn nôn, mệt mỏi, ngứa ngáy, khó thở cùng nhiều triệu chứng dị ứng khác.
Thời gian qua đi, chứng bệnh nhạy cảm đa hóa chất của bà Juana ngày càng trở nên tồi tệ và bà còn bị chẩn đoán mắc thêm 3 hội chứng khác. Không còn lựa chọn nào khác, bà buộc phải bị cách ly trong một chiếc lồng kính đặt ở vị trí nhìn ra khu vườn trong nhà. Đến nay, bà đã sống trong chiếc lồng này suốt 13 năm, nuôi hy vọng một ngày nào đó lại được bước ra thế giới bên ngoài một cách bình thường.
Chồng của bà Juana luôn trồng các sản phẩm hữu cơ để phục vụ bữa ăn không có hóa chất cho vợ mỗi ngày. Cứ 2 lần mỗi tháng, bà được phép ăn thịt hữu cơ được một số nhà sản xuất tin cậy trong vùng cung cấp, và được ăn cá 4 lần mỗi tháng. Bà cũng chỉ mặc được quần áo làm bằng sợi cotton hữu cơ.
Đối với phần lớn những người bình thường, ôm chỉ là một cử chỉ thân thiện bình thường, nhưng đối với những người như Juana Munoz, đó là mục đích của cuộc sống. Bà Juana có một người cháu trai sắp chào đời, nhưng lo sợ rằng sẽ không bao giờ được ôm cháu do tình trạng bệnh của mình, thay vào đó chỉ được nhìn qua một lớp kính.