Lễ hội độc đáo của người Khơ Mú
Người Khơ Mú là một trong những cư dân đã cư trú lâu đời nhất ở miền Tây Bắc. Hiện nay, người Khơ Mú sinh sống tại các tỉnh: Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên... Vì điều kiện du canh, du cư nên bản làng thường nhỏ bé, rải rác. Tuy nhiên, người Khơ Mú có đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần phong phú, điều này thể hiện rõ nét qua những lễ hội độc đáo của người Khơ Mú.
Lễ hội Cầu mùa.
Lễ hội Cầu mùa
Đối với đồng bào Khơ Mú đang sinh sống ở xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, Cầu mùa là lễ hội có giá trị văn hóa phi vật thể vô giá, đồng thời là lễ hội có tính chất tâm linh lớn nhất trong năm, thể hiện sự biết ơn tổ tiên xa xưa đã tìm ra hạt thóc, cây màu để nuôi sống con người và cầu mong thần linh, tổ tiên phù hộ một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Theo quan niệm của người Khơ Mú, vạn vật đều có linh hồn và trời, đất, nương, rẫy… có quan hệ mật thiết với đời sống và sản xuất của con người. Vì thế, cứ vào dịp đầu năm, đồng bào lại tổ chức lễ hội Cầu mùa, mở đầu một vụ sản xuất mới.
Lễ hội Cầu mùa thường có 6 phần: lễ cúng ma nhà, báo cáo với tổ tiên đã sang năm mới, chuẩn bị sản xuất, mong tổ tiên phù hộ cho con người mạnh khỏe, mùa màng tươi tốt; lễ tôn vinh thần lúa, thần màu và thần khoai sọ; lễ chọc lỗ tra hạt, mong muốn thần linh phù hộ cho hạt thóc giống nảy mầm đều, bảo vệ không cho chim muông, thú rừng ăn thóc giống.
Tiếp đó là phần lễ cầu mưa. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của lễ hội cầu mùa. Người Khơ Mú quan niệm rằng sau khi gieo hạt, để vụ mùa năng suất cao, phải tổ chức lễ hội cầu mưa, cầu cho mưa thuận gió hoà để cây trồng tốt tươi, mùa màng bội thu. Cầu mong các vị thần linh che chở cho con người, bảo vệ mùa màng khỏi hạn hán.
Lễ hội Cầu mùa của đồng bào Khơ Mú, xã Nghĩa Sơn thường được tổ chức trong những ngày đầu xuân năm mới. Trong lễ hội, không thể thiếu các loại cây, hoa của núi rừng thể hiện mong muốn của người Khơ Mú về mùa màng tốt tươi, năm mới mưa thuận gió hòa. Đặc biệt, một loại cây không thể thiếu là trong lễ cầu mưa đó là cây hoa chuối đỏ.
Sau lễ cầu mưa là lễ đón mẹ lúa. Lễ này tạ ơn tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho đồng bào có mùa màng bội thu. Bà con cũng tạ ơn các nông cụ hỗ trợ sản xuất và trâu bò đã giúp bà con làm nông trong suốt mùa vụ qua. Trong lễ hội, các vật dụng đều được trang trí đẹp đẽ và đặt ở nơi trang trọng; con trâu, con bò cũng được tắm rửa sạch sẽ và cài lên sừng những bông hoa rừng đẹp nhất như một phần thưởng cho một năm lao động vất vả, động viên nhau cùng cố gắng lao động, cày cấy cho năm sau thóc lúa đầy bồ, của cải đầy nhà.
Lễ hội Cầu mưa
Đồng bào dân tộc Khơ Mú ở tỉnh Điện Biên thường tổ chức lễ Cầu mưa (Tê hội cơ mạ) vào giữa tháng 3 âm lịch hàng năm. Với đồng báo Khơ Mú, lễ Cầu mưa là một nghi lễ nông nghiệp quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần. Lễ hội tổ chức sau khi gieo hạt để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cầu mong sự che chở của thần linh, qua đó phản ánh ước muốn của đồng bào về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc.
Đây cũng là dịp để đồng bào có dịp gặp gỡ nhau, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỏi thăm sức khỏe và được tham gia vào các điệu múa, câu hát cùng với những trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc.
Lễ Cầu mưa của dân tộc Khơ Mú diễn ra trong không khí vui vẻ, nhộn nhịp, những nét đẹp truyền thống được biểu đạt trong lễ và sự thành kính với các vị thần linh. Mỗi lần diễn ra lễ càng tăng thêm sự đoàn kết của cả cộng đồng và những giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc được nuôi dưỡng, khơi dậy từ những con người bình dị, tràn đầy sức sống ở miền Tây Bắc.
Lễ vật được thầy cúng tự tay bày trên bàn thờ, gồm có gà, hai bộ quần áo phụ nữ, vòng tay vòng cổ… quả bầu đựng nước, đặc biệt phải có 4 bông lúa để xin cho mùa màng tốt tươi. Cạnh bàn thờ bao giờ cũng có cây chuối đủ cả gốc và ngọn…
Sau phần lễ được thực hiện trang nghiêm theo nghi thức cúng tế truyền thống , phần hội diễn ra tưng bừng, náo nhiệt với các trò chơi, điệu múa, câu hát theo bản sắc văn hóa của dân tộc Khơ Mú. Đây cũng là ngày hội đoàn kết của toàn cộng đồng dân tộc, đưa mọi người đến gần nhau hơn, hiểu nhau hơn, để chung sức xây dựng và phát triển bản làng.
Các trò trơi dân gian truyền thống là một phần không thể thiếu trong lễ Cầu mưa của dân tộc Khơ Mú, có thể nói các hình thức chơi như tỏ lòng biết ơn của con người đối với các vị thần, tổ tiên, thể hiện tinh thần lạc quan yêu đời, niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp. Một số trò chơi, văn nghệ, thể thao dân gian gắn liền với lễ Cầu mưa như: Kéo co, đẩy gậy, múa sạp, ném còn…