Thả muỗi để phòng sốt xuất huyết
Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế Khánh Hòa vừa tiến hành thả muỗi mang Wolbachia tại 8 thôn của xã Vĩnh Lương, thành phố Nha Trang.
Thả muỗi mang Wolbachia tại Nha Trang.
Muỗi mang Wolbachia được thả trên đất liền tại Việt Nam, với kỳ vọng phương pháp này sẽ tiếp tục thành công và từng bước được triển khai mở rộng nhằm góp phần khống chế dịch bệnh sốt xuất huyết tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Trần Hiển, phó giám đốc dự án, trong quá trình thả, nếu có vấn đề bất lợi xảy ra liên quan đến muỗi Wolbachia, dự án sẽ tạm ngừng cho đến khi có kết luận của cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Trước đó, hoạt động thả muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) mang vi khuẩn Wolbachia cũng được tổ chức tại Nha Trang, nơi có khoảng 55.900 người sinh sống, gồm phường Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Vĩnh Trường và 4 tổ dân phố của phường Phước Long. Mỗi tuần dự án thả khoảng 100 cá thể muỗi vằn mang Wolbachia, trong thời gian 12-18 tuần, để làm giảm số lượng muỗi vằn tự nhiên truyền bệnh và phòng sốt xuất huyết và Zika.
Sau khi được thả, vi khuẩn Wolbachia trong muỗi sẽ lan truyền nhờ quá trình cặp đôi và sinh sản tự nhiên của muỗi. Muỗi vằn đực mang Wolbachia khi giao phối với muỗi vằn cái không mang Wolbachia thì trứng do con cái đẻ ra sẽ không nở và nhờ đó làm giảm số lượng muỗi truyền bệnh. Muỗi cái mang Wolbachia giao phối với muỗi đực (dù mang hay không mang Wolbachia) đều sản sinh ra thế hệ muỗi mới mang Wolbachia. Với hai cơ chế này, muỗi mang vi khuẩn Wolbachia sẽ dần chiếm ưu thế trong quần thể muỗi vằn tự nhiên.
Dựa trên những đánh giá khoa học toàn diện về tính an toàn tại Australia, Việt Nam và Indonesia, cũng như kết quả từ hơn 10 năm nghiên cứu ứng dụng, phương pháp Wolbachia đã được khẳng định là an toàn cho con người, động vật và môi trường. Các nhà khoa học cũng đã chứng minh vi khuẩn Wolbachia có khả năng ức chế sự phát triển của virus Dengue và Zika trong cơ thể muỗi vằn - trung gian gây bệnh sốt xuất huyết và Zika ở người.
Wolbachia là loại vi khuẩn tự nhiên, có trong tế bào của khoảng 60% loài côn trùng sống gần gũi xung quanh con người như ruồi giấm, châu chấu, bướm, chuồn chuồn... Qua nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học trên thế giới đã thành công trong việc cấy vi khuẩn Wolbachia vào muỗi vằn và chứng minh được rằng trong cơ thể muỗi mang Wolbachia có khả năng ức chế sự phát triển của virus Dengue (gây bệnh sốt xuất huyết), virus Zika và một số loại virus khác truyền qua muỗi, từ đó làm giảm nguy cơ lây truyền virus gây bệnh sang người.
Chương trình này cũng đã và đang được triển khai tại Australia, Indonesia, Brazil, Colombia và tiếp tục mở rộng ra một số nước khác với mục tiêu phát triển ứng dụng muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia nhằm hạn chế lây truyền sốt xuất huyết và Zika.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học dự án này, phương pháp Wolbachia có thể áp dụng đồng thời với các biện pháp khác nhằm phòng bệnh sốt xuất huyết và Zika. Vì không có phương pháp nào có hiệu quả tuyệt đối (100%) và trong cộng đồng vẫn có thể tồn tại một tỷ lệ muỗi vằn không mang Wolbachia.