Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Công tác tự kiểm tra còn yếu, kiểm soát quyền lực chưa tốt

Theo TTXVN 10/04/2018 20:57

Ngày 10/4, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Bí thư đã họp, cho ý kiến về Báo cáo tổng hợp kết quả 5 đoàn của Ban Bí thư kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Công tác tự kiểm tra còn yếu, kiểm soát quyền lực chưa tốt

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: TTXVN.

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá chất lượng tổ chức đảng, đảng viên phải bảo đảm dân chủ, phát huy tinh thần trách nhiệm tập thể, cá nhân, nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh, các ý kiến tham gia góp ý thẳng thắn, có trọng tâm, trọng điểm. Sau kiểm điểm, các tập thể, cá nhân xây dựng kế hoạch khắc phục, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm và những việc cần làm ngay.

Chống biểu hiện hình thức

Thực hiện chương trình kiểm tra năm 2017 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, 5 đoàn kiểm tra đã kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII, Chỉ thị 05 tại 15 tổ chức đảng trực thuộc Trung ương, gồm 10 tỉnh và 5 cơ quan Trung ương.

Kết quả kiểm tra cho thấy, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị 05 đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương; kịp thời chỉ đạo cấp ủy xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; thực hiện đồng bộ việc tổ chức quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị 05 với việc xây dựng Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện 4 nhóm giải pháp cơ bản của Nghị quyết, nhất là việc thực hiện Kế hoạch của Bộ Chính trị đối với 14 nhiệm vụ thực hiện ngay và thường xuyên, phù hợp, cụ thể với từng tổ chức đảng.

Các cấp ủy, tổ chức đảng xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn được những vấn đề đột phá, những vấn đề khó, bức xúc của địa phương, cơ quan, đơn vị để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân và lộ trình thực hiện...

Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ chưa đầy đủ.

Việc tổ chức quán triệt, học tập Nghị quyết và Chỉ thị còn hình thức, chưa đổi mới, chưa đồng đều ở các cấp, các địa phương, đơn vị; chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện chưa cụ thể. Có nơi, việc nhận diện những biểu hiện suy thoái trong cán bộ, đảng viên còn đơn giản, né tránh, chưa chỉ rõ được địa chỉ cụ thể.

Vai trò nêu gương của một số cán bộ, đảng viên, người đứng đầu chưa tốt. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn chậm, hiệu quả thấp, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh gây lãng phí nguồn lực; công tác cải cách hành chính còn hạn chế; việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập, kiểm soát, xác minh kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên chưa được quan tâm thực hiện, còn hình thức.

Đề ra biện pháp cụ thể khắc phục hạn chế, khuyết điểm

Sau khi nghe báo cáo tổng hợp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các ý kiến thảo luận tại phiên họp, Ban Bí thư cơ bản nhất trí với các kiến nghị, đề xuất của 5 đoàn kiểm tra về một số việc cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện.

Theo đó, các tổ chức đảng được kiểm tra cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và đề ra biện pháp cụ thể khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra sau kiểm tra; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ, sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và thực hiện tinh giản biên chế.

Các tổ chức đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trực tiếp đối thoại với nhân dân và Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong việc tiếp thu góp ý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là nhận diện, đấu tranh khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng.

Các tổ chức đảng cần đổi mới nội dung và hình thức, nâng cao hơn nữa chất lượng sinh hoạt chi bộ; thực hiện nghiêm túc chế độ, nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng theo quy định.

Phải làm toàn diện, đồng bộ, phải kiên quyết, kiên trì

Phát biểu kết luận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, tăng cường kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị là hết sức cần thiết. Tổng Bí thư đánh giá cao sự cố gắng của 5 đoàn kiểm tra; từ kết quả đó, hiểu rõ tình hình thực hiện Nghị quyết, những ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, kinh nghiệm rút ra và phương hướng phải làm sắp tới.

Qua kiểm tra cho thấy thực tế công tác xây dựng Đảng đã được coi trọng hơn, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 gắn với Chỉ thị 05 được tiến hành nghiêm túc, bài bản hơn và cơ bản theo đúng kế hoạch. Nhiều địa phương có cách làm sáng tạo. Tiêu biểu là Trà Vinh đã cụ thể hóa 27 biểu hiện thành hơn 80 điểm để phổ biến, thực hiện, in thành sổ nhỏ bỏ túi, niêm yết ở nơi thường xuyên qua lại, qua đó ai cũng thấy cần thiết tự soi tự sửa.

Tính công khai được chú ý nhiều hơn, đầy đủ hơn. Sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự quan tâm của người đứng đầu được tăng cường hơn. Ý thức đảng, tính đảng, đặc biệt ở các cơ quan chính quyền, đoàn thể được chú ý hơn.

Các tổ chức đảng đã tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng, sửa chữa những khuyết điểm, xử lý sai phạm, vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước, cùng với giáo dục phòng ngừa, kết hợp cả xây và chống. Các sai phạm được thẳng thắn chỉ ra, được sửa chữa, khắc phục nhiều hơn, tác động vào việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Làm tốt công tác xây dựng đảng, phòng chống tiêu cực, suy thoái… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả năm 2017 và quý I/2018 đã chứng minh điều đó, kinh tế đất nước phát triển đi lên.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, mặt được là đã tạo thành phong trào toàn dân tham gia xây dựng Đảng, tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, những biểu hiện suy thoái. Công tác xây dựng Đảng được coi trọng hơn, ý thức toàn Đảng, toàn dân chăm lo xây dựng Đảng được nâng lên, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu, tất cả cùng vào cuộc. Vai trò, vị trí, uy tín của Đảng được nâng lên rõ rệt, thể hiện ở cả trong nước và trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, sự chuyển biến chưa đồng bộ, toàn diện giữa các cấp, ngành, lĩnh vực, giữa trên và dưới. Việc học tập Nghị quyết, Chỉ thị còn qua loa hình thức, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình còn sơ sài; chưa phát huy hết vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc.

Công tác tự kiểm tra còn yếu, tự phê bình và phê bình còn nể nang, né tránh; kiểm soát quyền lực chưa tốt. Tính công khai đã khá hơn nhiều, nhưng cần được tăng cường hơn nữa.

Nội hàm tự diễn biến, tự chuyển hóa về tư tưởng chính trị chưa được chú ý, mà mới nặng về đạo đức lối sống, xử lý các sai phạm kinh tế. Cái sâu xa là trung thành tuyệt đối với Đảng, kiên định với chế độ. Cần chú ý ngăn chặn những biểu suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cả về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Việc học tập, làm theo Bác chưa có nhiều sáng kiến, đổi mới.

Phân tích các nguyên nhân chủ quan và khách quan, Tổng Bí thư chỉ rõ, tính quyết liệt, kiên quyết, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu, chưa có nhiều chuyển biến; chưa phát huy hết vai trò của Mặt trận, nhân dân; tư tưởng hình thức, làm qua loa đối phó vẫn còn; chưa thực sự cầu thị, vẫn còn tư tưởng thành tích chủ nghĩa, nói ra sợ mất điểm, mất uy tín.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, kinh nghiệm rút ra là phải làm toàn diện, đồng bộ, phải kiên quyết, kiên trì, huy động được rộng rãi, đông đảo các lực lượng, sức mạnh, không chỉ bằng hô hào, khuyên bảo, kêu gọi, mà phải bằng cơ chế, luật pháp, xử lý nghiêm các sai phạm mới có tác dụng tốt.

Vai trò của người đứng đầu, công tác kiểm tra, giám sát, tuyên truyền… là vô cùng quan trọng; phải làm liên thông, liên tục, quyết liệt, trong đó vai trò nêu gương của người đứng đầu cần được đề cao.

Theo TTXVN