Băn khoăn tổ hợp

Thanh Hằng 11/04/2018 08:30

Sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội chính thức công bố thông tin về phương án tuyển sinh các lớp đầu cấp tại Hà Nội, nhiều học sinh và phụ huynh đã tỏ ra băn khoăn với hình thức xét tuyển tổ hợp.

Cụ thể, với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, bắt đầu từ năm 2019, bên cạnh những môn thi độc lập là Toán, Ngữ văn như hiện nay, Hà Nội sẽ tuyển sinh lớp 10 bằng 2 bài thi tổ hợp. Theo đó, thí sinh sẽ phải thi 3 bài thi gồm 2 bài thi độc lập Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp. Tổ hợp 1 gồm Ngoại ngữ, Vật lí, Lịch sử và Giáo dục công dân; hoặc Tổ hợp 2 gồm Ngoại ngữ, Địa lí, Hóa học và Sinh học.

Với việc tuyển sinh vào lớp 6, thì ngay từ mùa tuyển sinh 2018, các trường có lượng thí sinh đăng ký tham dự quá chỉ tiêu cũng sẽ tổ chức thi và xét tuyển. Phương án đánh giá năng lực của học sinh được sở GD&ĐT Hà Nội thống nhất là tổ chức 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Toán, bài tổ hợp Khoa học xã hội, tiếng Việt và tiếng Anh. Nội dung kiến thức kiểm tra nằm trong chương trình giáo dục tiểu học, chủ yếu là chương trình lớp 5 hiện hành của Bộ GD&ĐT.

Trước việc đổi mới phương thức tuyển sinh của các lớp đầu cấp, có hai luồng ý kiến trái chiều từ phụ huynh. Những ý kiến đồng tình cho rằng sự đổi mới này sẽ giúp các em học tập toàn diện hơn, nhưng không ít quan điểm cho rằng việc xét tuyển tổ hợp sẽ gây áp lực cho con trẻ.

Thậm chí, ngay cả giáo viên cũng có những ý kiến trái ngược nhau. Cô giáo Phương Thùy- Trường PTTH Cầu Giấy- Hà Nội cho rằng, phương án thi vào lớp 10 của Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra có thêm tổ hợp không nằm ngoài mong muốn học sinh phải học toàn diện tất cả các môn, tránh tình trạng học tủ, học lệch.

Chỉ có điều việc thay đổi phương thức thi như vừa công bố dường như chưa được trưng cầu ý kiến của học sinh- giáo viên, những người trong cuộc của quá trình đổi mới thi cử. Có nhiều người ngạc nhiên bởi vẫn nghe thông tin nếu có thêm môn thi vào lớp 10 thì đó sẽ là môn Ngoại ngữ, nếu thế sẽ nâng tổng số môn thi lên 3- thay vì 2 như hiện nay.

Còn thầy giáo Mạnh Tùng- Trường THPT Lương Thế Vinh- Hà Nội thì cho rằng, hiện nay, nền giáo dục trong nước vẫn nặng về ứng thí, học để thi. Bởi thế, khi Hà Nội áp dụng phương án mới, chắc chắn việc học thi sẽ gia tăng áp lực lên cả thầy và trò. Ấy là chưa kể, phương án tổ hợp chỉ được công bố cuối tháng 3 hàng năm sẽ rất dễ gây bị động cho người học.

Nhiều phụ huynh cũng cho rằng, nếu mục đích đặt ra là học để lấy kiến thức và áp dụng được vào cuộc sống thì căn bản là các bài giảng hàng ngày, chứ không phải quan niệm học chỉ để đi thi. Kiểu học chỉ để thi không thực sự cần thiết và hiệu quả. Học lệch hay không căn bản do cách dạy hàng ngày của các thầy cô trên lớp, chứ không chỉ phụ thuộc vào việc các con thi mấy bài. Nếu việc học trên lớp khiến học sinh chán nản, cần phải xem xét lại chương trình, cách thức truyền đạt kiến thức hiện nay…

Những băn khoăn nói trên không nằm ngoài mong muốn giảm tải chương trình học. Để phương thức tuyển sinh đạt mục tiêu như kỳ vọng, cần sự kiểm nghiệm và nhìn nhận rất khách quan mới đánh giá giá nó có thực sự phù hợp hay không.

Thanh Hằng