Chuyển dịch lớn trong sản xuất da giày
Hiệp hội da giày - túi xách Việt Nam (Lefaso) nhận định, đầu tư trong ngành da giày đang có sự chuyển dịch. Doanh nghiệp (DN) trong nước đang chuyển dịch đầu tư sang các vùng có chi phí nhân công thấp.
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào ngành này cũng dịch chuyển tương tự, đặc biệt khi Mỹ rút khỏi TPP nguồn vốn đầu tư của nước ngoài vào một số ngành phụ trợ như dệt may, sản xuất sợi, vải cho da giày có phần giảm hơn trước. Hy vọng thời gian tới hoạt động đầu tư nước ngoài vào da giày sẽ nóng trở lại và có sự tăng trưởng vững chắc hơn.
Nhận định về tiềm năng phát triển ngành da giày Việt Nam, ông Diệp Thành Kiệt – Phó Chủ tịch Lefaso cho biết, trên bản đồ da giày thế giới ngành da giày Việt Nam đang đứng vị trí thứ 2 về xuất khẩu, đứng thứ 3 về sản xuất. Năm 2017 kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày – túi xách đạt trên 18 tỷ USD.
Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất chiếm 36% tổng kim ngạch xuất khẩu với mức tăng trưởng 12%, EU chiếm 30,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Theo kế hoạch đề ra, năm 2018, ngành da giày đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 20 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017. Dự báo ngành da giày vẫn có sức bật tốt nhờ tác động tích cực từ các FTA với các thị trường xuất khẩu lớn mà gần đây nhất là FTA Việt Nam – EU, CPTPP.
Dựa trên thực tế thấy rõ, ngành da giày Việt Nam đang phát triển khá tốt, tuy nhiên một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là chi phí nhân công gia tăng làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN. Lefaso cho biết, ngành da giày có khoảng 1.7000 DN, trong đó 70% là DN nhỏ và vừa.
Nếu tăng lương tối thiểu vùng hàng năm DN lớn giảm lợi nhuận, DN nhỏ, hộ sản xuất khó khăn và có nguy cơ ngừng sản xuất. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây lương tối thiểu vùng tăng 90%, đây được xem là gánh nặng tiền lương đối với DN ngành da giày.
Ghi nhận cho thấy, DN da giày đang dịch chuyển sản xuất từ các tỉnh Đông Nam Bộ, sang các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Theo số liệu thống kê của Lefaso, nếu như năm 2010, các DN da giày tập trung 70% tại vùng Đông Nam Bộ, đến nay đã giảm xuống chưa tới 70%.
Lý giải tình trạng trên, nhiều DN trong ngành khẳng định, dịch chuyển đầu tư nhằm tiết giảm chi phí nhân công vì các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có hệ số tăng lương tối thiểu thấp hơn khu vực Đông Nam Bộ. Đồng thời cũng là khu vực này có khoảng cách gần và hệ thống giao thông thuận tiện.
Tại thị trường Việt Nam, mặc dù da giày là một trong 5 ngành có kim ngạch xuất khẩu cao, song chi phí nhân công ngày càng cao, nguyên vật liệu phụ thuộc các nước, ngành công nghiệp phụ trợ có tăng nhưng chưa cao. Theo số liệu thống kê, sản xuất nguyên liệu cho ngành da giày đã tăng 15%, cho ngành túi xách tăng từ 8% đến 10%, trong khi sản xuất giày dép, túi xách chỉ tăng trên dưới 2%. Rõ ràng những tồn tại cố hữu trên khiến thị trường Việt mất sức hút đối với các nhà đầu tư ngoại.
Bàn việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài của ngành da giày trong thời gian tới, đặc biệt là hậu CPTPP, lãnh đạo Hiệp hội Da giày -Túi xách Việt Nam cho biết, khi Mỹ rút khỏi TPP thì nguồn vốn đầu tư của nước ngoài vào một số ngành phụ trợ như dệt may, sản xuất sợi, vải cho da giày có phần giảm hơn trước.
Tuy nhiên, việc Việt Nam ký CPTPP cũng sẽ là động lực lớn thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khởi động lại các dự án đầu tư. Trong tương lai với sự trở lại của Mỹ vào Hiệp định CPTPP, hoạt động đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực này sẽ nóng trở lại và có sự tăng trưởng vững chắc hơn.