Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử: Nền móng cho một Việt Nam tự chủ, thịnh vượng
Sáng ngày 12/4, Tỉnh ủy – HĐND – UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam long trọng tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia “Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử Việt Nam”. Lãnh đạo Ban Tuyên Giáo trung ương, các sử gia hàng đầu trong và ngoài nước, cùng đông đảo lãnh đạo địa phương và các đại biểu đã về tham dự.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại hội thảo.
Là một trong những chương trình trong dịp Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt, Hội thảo khoa học Quốc gia “Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử Việt Nam”. Hội thảo được diễn ra trong một ngày đã nhận được rất nhiều các bài, ý kiến tham luận. Trong đó, có 1 bài tham luận của chuyên gia Nga, 34 báo cáo tham luận của các nhà khoa học trong nước, 12 báo cáo tham luận của các nhà khoa học, cán bộ quản lý tỉnh Ninh Bình.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Thái Bình, định đô ở Hoa Lư, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, mở ra kỉ nguyên mới trong lịch sử đấu tranh dựng và giữ nước của dân tộc – kỉ nguyên độc lập tự chủ. Ngay sau khi thành lập quốc, vua Đinh Tiên Hoàng đã xây dựng bộ máy nhà nước với đầy đủ các dơn vị hành chính từ trung ương đến địa phương, xây dựng cung điện thiết chế triều nghi, định phẩm hàm cho các quan văn, võ, phong tước cho các công thần, đặt ra các hình phạt để giữ nghiêm kyỷ luật, chia đất nước thành 10 đạo, cử người tài giỏi đức độ cai quản, thực hiện chế độ quân sự “ngụ binh ư nông” dựa vào nghề nông mà phát triển quân đội. Vua Đinh Tiên hoàng còn truyền cho đúc tiền đồng “Thái bình hưng bảo” để giao thương buôn bán, đựt nền móng cho nền tài chính, tiền tệ của nước ta.
Kế tục sự nghiệp huy hoàng của nhà Đinh, năm 980, vua Lê Đại Hành cùng quân dân cả nước phá Tống, bình Chiêm bảo vệ cương vực quốc gia, xây dựng và củng cố hòa bình, độc lập dân tộc, xác lập những nguyên tắc cơ bản của nền ngoại giao Đại Cồ Việt, nâng cao vị thế của nức ta trên trường quốc tế…
Toàn cảnh buổi Hội thảo khoa học Quốc gia “Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc tại buổi hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh: Sự ra đời, tồn tại và phát triển của Nhà nước Đại Cồ Việt đã khẳng định sức mạnh ý chí độc lập dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước của nhân dân ta sau ngàn năm Bắc thuộc. Đây cũng là thời đại bản lề, mang tính chuyển giao rõ rệt của lịch sử dân tộc, do vậy, những giá trị mà Nhà nước Đại Cồ Việt tạo dựng nên chính là cơ sở, nền tảng để các triều đại phong kiến Việt Nam nói riêng, các thế hệ người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai vững tin xây dựng, kiến thiết đất nước.
Việc nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề về Nhà nước Đại Cồ Việt là việc làm xuyên suốt trong chiều dài lịch sử dâm tộc, tuy nhiên trải qua thời gian hàng ngàn năm với bao biến đổi của thiên nhiên và xã hội, những dữ liệu lịch sử ít nhiều đã mai một, vì vậy công việc tìm tòi, nghiên cứu về chủ đề này đến nay vẫn chưa dừng lại. Nhiều năm qua, các cấp, các ngành, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đã dày công tổ chức thực hiện nhiều cuộc hội thảo khoa học, công trình nghiên cứu quan trọng về Nhà nước Đại Cồ Việt. Các vấn đề nghiên cứu vẫn đang tiếp tục mở ra với nhiều giải luận khoa học từ nhiều hệ quy chiếu khác nhau, để có cái nhìn toàn diện, bao quát và cụ thể hơn nữa về giai đoạn lịch sử quan trọng này.
Bà Nguyễn Thị Thanh bày tỏ mong muốn: Trên cơ sở thành quả nghiên cứu của sử học Việt Nam, kết hợp với những thành tựu nghiên cứu của các nhà sử học trên thế giới, tỉnh Ninh Bình mong rằng cuộc hội thảo này sẽ tập trung làm nổi bật những thành tựu của Nhà nước Đại Cồ Việt trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, đồng thời có thêm những đánh giá quan trọng về vị trí, vai trò, những đóng góp cũng như những bài học kinh nghiệm lịch sử của thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Đây là cơ sở để chúng ta tiếp tục kế thừa, bảo vệ và phát huy những giá trị di sản lịch sử văn hóa của thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước giai đoạn mở cửa hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.