TS Lê Viết Khuyến: Nếu giáo sư là uy tín, thương hiệu của mỗi trường thì...
Sau sự cố xét công nhận chức danh GS, PGS, với 41 hồ sơ bị loại và xin rút, Bộ GD&ĐT đã vừa có công văn yêu cầu kiểm điểm, xử lý vi phạm tập thể, cá nhân liên quan. Kết quả xử lý phải gửi về Hội đồng Chức danh GS nhà nước trước ngày 30/4.
Chúng tôi có cuộc trao đổi với TS lê Viết Khuyến, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học về vấn đề này.
TS Lê Viết Khuyến.
PV: Bộ GD&ĐT vừa công bố danh sách các đơn vị xác nhận hồ sơ chức danh GS, PGS không chính xác. Nếu không có sự phát hiện kịp thời thì chất lượng GS, PGS sẽ như thế nào… Ông có bình luận gì về vấn đề này? Trách nhiệm này sẽ thuộc về ai?
TS Lê Viết Khuyến: Đây nó là hiện tượng, như giọt nước tràn ly. Người ta đã nghi ngờ nhiều về quy trình phong GS, PGS có những trục trặc và thiếu trung thực.
Tôi lấy ví dụ Nghị quyết 14 về đổi mới cơ bản toàn diện giáo dục Việt Nam 2006-2020 mà Thủ tướng Phan Văn Khải ký, ra từ 2005, thì trong đó đã nói về chuyện này, về chuyện phong GS phải làm lại, và phải có những cái hướng để khắc phục tiêu cực, phải đưa việc phong về cho các trường làm, nhà nước không làm chuyện này mà chỉ định ra các tiêu chuẩn, rồi không có chuyện GS suốt đời mà phải có định kỳ…
Chuyện đó trong Nghị quyết 14 nói cả nhưng 13 năm qua ta chẳng làm. Bây giờ lại xuất hiện chuyện này.
Tại sao năm ngoái năm kia không xuất hiện mà năm nay mới xuất hiện?
Là vì năm nay giống như chuyến “tàu vét” cho nên mới có chuyện trong 1 năm phong đến hơn 1 nghìn GS, PGS con số gấp 1,7 lần năm cao nhất trước đây.
Thế thì đó là hiện tượng rất không bình thường, làm cho xã hội bức xúc. Trước đó cũng có kêu lên nhưng không phải đồng loạt và không nhiều lắm, cho nên người ta vẫn buông qua, cho rằng quy trình đó là tốt.
Còn việc giải quyết sau khi có ý kiến của Thủ tướng thì cũng không có cách giải quyết nào khác cả.
Chỉ thực hiện với 94 hồ sơ có đơn từ khiếu nại cần giải quyết, còn những trường hợp khác thì không lật lại.
Và cái bất ngờ trong 94 người cũng không phải rà soát tất các tiêu chí, như tiêu chí chất lượng công trình có rà soát đâu. Bây giờ chỉ lấy tiêu chí có giờ giảng hay không, chủ yếu tiêu chí đấy.
Chỉ một tiêu chí con con thế thôi mà loại ra mất nửa.
Ông bình luận gì về những người đến phút chót mới xin rút hồ sơ...
- Có những người phút chót mới rút, xin rút đầu tiên thì chỉ có ông bị tố cáo đạo văn rõ ràng thì xin rút.
Các ông thậm chí vẫn còn hi vọng đến phút chót. Nếu rút ngay từ đầu thì tốt. Những ứng viên lần này có sự không thật trong chuyện này, vẫn hi vọng được.
Thứ hai, quy trình rất loáng thoáng. Khi xảy ra rồi hội đồng nhà nước đổi cho ngành, hội đồng ngành đổi cho cơ sở.
Còn hội đồng cơ sở hỏi các trường thì các trường bảo đấy là chúng tôi cứ đề nghị như thế thôi còn lên trên có 2 hội đồng trên sẽ loại ra nữa, cứ đổ cho nhau.
Còn các trường xác nhận thì lại bảo họ cứ xin chẳng lẽ chúng tôi lại từ chối.
Còn phải qua nhiều tiêu chí khác nữa, các hội đồng cấp cao hơn nữa, nhưng có ai biết hội đồng cấp cao cũng cứ lấy từ cơ sở ít thẩm định, cho thấy quy trình này không ổn.
Tôi thấy chính là điều xấu hổ không thể ngụy biện.
Ông có góp ý gì để quy trình công nhận GS, PGS được hoạt động tốt hơn không?
- Như tôi nói ở trên, quy trình này đã phát hiện là không ổn từ lâu rồi. Nhưng mà ta cứ cố chấp nói rằng rất đúng quy trình, nghiêm túc qua 3 vòng…
Và cái phát hiện ra không ổn không phải từ bây giờ, nhà nước cũng có nghị quyết nói về chuyện không ổn và hướng để sửa như nào, chỉ có cái người ta không làm thôi.
Bây giờ không thể nói cấp trên chờ cấp dưới, mà cả hệ thống từ trên xuống dưới đều phải chịu trách nhiệm về chuyện này.
Đã như thế thì phải sửa quy trình thôi. Nên theo thông lệ chung của thế giới, đừng ngụy biện có nước này nước khác họ làm, vì có thể họ cũng bảo có Việt Nam làm thế đấy.
Trong bối cảnh Việt Nam như thế nào thì có giải pháp, như giải pháp của Nghị quyết 14 nêu ra. Vấn đề thứ nhất phải trao trả quyền công nhận GS, PGS cho trường.
Trường là trường đại học, chính xác là trao cho các cơ sở giáo dục đại học (các trường đại học, các học viện, các viện nghiên cứu khoa học có tham gia vào hoạt động đào tạo sau đại học).
Thì GS, PGS phải là của cơ sở giáo dục đại học chứ không phải GS, PGS không phải của cơ sở đó.
Lâu nay tôi biết có rất nhiều trường hợp đi xin giờ giảng… Trường thì quan điểm đi xin thì xác nhận.
Cứ giáo sư chung chung thì rất không ổn, GS phải gắn liền hoạt động đào tạo của cơ sở đào đạo cụ thể.
Đây cũng đang là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau thưa ông?
- GS thực ra là chức danh nghề nghiệp, có những người làm các cơ sở giáo dục đại học thì có chức danh đó còn những người không làm thì đừng lấy chức danh này.
Ngày xưa tôi ở Đại học tổng hợp Lomonosov những người có chức danh giảng viên thì mới có giáo sư, còn người làm ở các viện, làm công tác nghiên cứu mà cũng trong trường thì người ta gọi là cộng tác viên khoa học.
Tất nhiên người ta cũng có so sánh tương đương nhưng không đánh đồng.
Chỉ ở Việt Nam có người quản lý làm giáo sư e là không ổn.
Không phải cứ giáo sư là oai, không phải không giáo sư là không oai. Có những nhà khoa học người ta có các công trình rất vĩ đại, thậm chí giải nobel nhưng có phải giáo sư đâu.
Việt Nam lâu nay lẫn lộn nên mới dẫn đến chuyện háo danh.
Thứ hai đối với việc làm công tác giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học phải có những công trình nghiên cứu khoa học có giá trị chứ không phải anh chỉ làm giảng dạy mà anh được làm giáo sư.
Những bài báo có giá trị được cộng đồng các nhà khoa học công nhận… Họ không có các công trình nghiên cứu khoa học thì không phải làm giáo sư.
5 năm 1 lần, anh không nghiên cứu khoa học, anh không có công trình mà anh sang làm quản lý, như vậy anh chỉ là nguyên giáo sư thôi, không phải giáo sư suốt đời.
Kinh nghiệm trước đây tôi cũng làm giảng dạy rồi chuyển sang làm quản lý ở bộ GD&ĐT, thấy rằng khi đã làm quản lý không còn thời gian mà thực hiện công việc chuyên môn của mình, cho nên nếu đam mê công việc chuyên môn thì đừng làm quản lý.
Nếu anh đã làm quản lý thì họp hành xây dựng văn bản thì chẳng có thời gian đâu.
Và thực ra làm giáo sư thì cũng không xứng đáng đâu, bởi đã làm giáo sư thì phải đi vào chuyên môn sâu, còn nếu không đi vào mà làm quản lý nhiều thì vài ba năm anh sẽ lạc hậu so với đồng nghiệp, thậm chí thua học trò mình về chuyên môn đó.
Nếu anh làm viện trưởng các viện nghiên cứu khoa học, hay làm hiệu trưởng các trường đại học, thì là quản lý nhưng vẫn là nhà khoa học. Chứ còn nhiều chức vụ khác thì không còn thời gian làm chuyên môn.
Kiến thức lạc hậu đi, không cập nhật được. Cho nên trong thực tế ít người vừa là nhà khoa học giỏi lại vừa làm quản lý giỏi.
Nhiều người lo ngại nếu giao cho các trường thì lại xảy ra hiện tượng phong giáo sư, phó giáo sư ào ào?
- Thực ra không phải. Tôi nghĩ, một là giáo sư là giáo sư của trường, nó là uy tín, thương hiệu của trường người ta nên không thể làm ào ào được.
Thứ hai giao cho trường làm chế độ đãi ngộ, lương đãi ngộ đối với đội ngũ GS, PGS của mình chứ không phải lấy tiền ngân sách nhà nước thì các trường sẽ tính toán.
Còn nếu lấy của chùa thì các trường chẳng ngại gì mà không công nhận ào ào.
Trân trọng cảm ơn ông!