Bữa tiệc bất ngờ của quan Đô Ngự sử Nguyễn Công Mậu

Tinh hoa Việt 14/04/2018 09:00

Sách CÔNG DƯ TIỆP KÝ của Tiến sĩ Vũ Phương Đề: “Quan giữ chức Đô Ngự sử, tước Văn Thông bá là Nguyễn Công Mậu quán xã Du La, huyện Thanh Lâm (nay thuộc tỉnh Hải Dương).

Ông làm quan vốn có tiếng thanh liêm và ngay thẳng, án kiện dẫu có bao điều uẩn khúc đến đâu, ông cũng đều xét đoán như thần nên thời ông giữ chức Đô Ngự sử cũng là thời thiên hạ không mấy ai phải hàm oan.

Địa phương nọ có một thổ hào vẫn hay ỷ thế để đặt chuyện tố cáo người trong làng xã. Hắn lắm tiền đút lót nên quan trên vẫn luôn cho hắn thắng kiện, nhưng khi ông đến xét lại hắn phải chịu thua, từ đó không còn kiện cáo ai nữa.

Bấy giờ vận nước nghiêng ngửa, chính sự đổ nát, ông chán nản nên xin từ quan để về quê nghỉ ngơi.

Nhưng đúng lúc đó giặc cướp nổi lên như ong, đường về của ông bị nghẽn tắc.

Thay vì lo sợ, ông đội mũ, mặc áo chỉnh tề rồi ung dung cùng mấy tên gia nhân lên đường chứ chẳng e dè gì.

Về tới Gia Lâm, khi đến ngõ lớn, thấy có một toán binh mã kéo đến trước mặt, kẻ cầm đầu chẳng ai xa lạ mà chính là tên thổ hào ưa kiện cáo ngày nào.

Gia nhân sợ run lên. Đúng lúc đó, viên thổ hào xuống ngựa vái chào và mời ông về nhà nghỉ tạm.

Ai cũng ngờ viên thổ hào này còn oán hận chuyện thua kiện nên giờ kiếm cớ để trả thù thôi, việc hắn mời ông về nhà ắt chẳng chút ý tốt đẹp nào. Ông bất đắc dĩ cũng phải nhận lời.

Về đến trang trại hắn, ông thấy nhà cửa sạch sẽ gọn gàng, phía trong đã có sẵn một con heo luộc và cơm rượu bày sẵn. Ông lấy làm lạ nhưng cũng thầm nghĩ đó là điềm lành.

Lát sau, viên thổ hào dẫn ba người vợ ra vái chào và thưa:

- Chúng tôi nghĩ, thời buổi này chỉ có những người như ông mới xứng đáng ra làm quan.

Chúng tôi là kẻ sinh trưởng ở chốn thôn quê, thường nghe nói rằng các quan ở triều đình thanh liêm chính trực, bèn giả vờ bày chuyện kiện cáo rồi đem tiền của đút lót xem sao.

Chẳng dè, hễ có lễ hậu, việc trái đến đâu khi tới nha môn cũng thành việc phải.

Xem ra chỉ có mình ông không nhận của hối lộ, xét xử lại công minh nên chúng tôi thầm nuôi lòng kính phục.

Nay may được đón tiếp, chúng tôi chỉ mong bày tỏ chút lòng thành chứ không hề có ý gì khác.

Nghe vậy, ông mỉm cười nói rằng:

- Ta làm quan, quyết giữ lòng ngay dạ thẳng chứ không thiên vị bất cứ ai, nay được ông đây hiểu thấu cho, xin đa tạ, đa tạ.

Đêm ấy, ông và bọn gia nhân nghỉ lại nhà của viên thổ hào, được tiếp đãi rất nồng hậu. Sáng sớm hôm sau, khi ông cáo từ ra đi, viên thổ hào nói:

- Hiện nay đường sá đang bị ngăn trở, ngài là quan văn, tôi tớ cũng chỉ có được mấy người, thực đáng lo ngại lắm. Vậy, tôi xin đem thêm 100 thủ hạ để cùng đưa người về quê mới chắc.

Ông về quê chưa được bao lâu thì Mạc Thái tổ (tức Mạc Đăng Dung) vì quý tài trọng đức của ông nên lại sai sứ về triệu ông ra và giao cho ông quyền đứng đầu Ngự Sử Đài. Sau, được thăng dần đến chức Thượng Thư".

*
* *

Lời bàn: Trên đây là một đoạn dịch từ sách CÔNG DƯ TIỆP KÝ của Tiến sĩ Vũ Phương Đề.

Sách không chép học vị của Nguyễn Công Mậu, nhưng xem ra ông thực sự có được một mảnh bằng khác mà cuộc sống vốn dĩ rất công bằng đã ban cấp cho ông, đó là sự kính trọng của những người trung thực.

Ở đời, người được cả làng cùng khen tốt chưa hẳn đã là người tốt, có khi còn ngược lại nữa là đàng khác.

Cũng ở đời, người bị cả làng chê xấu chưa hẳn đã là người xấu, có khi còn ngược lại nữa là đàng khác, bởi muốn xác định được tốt xấu ra sao, trước hết phải xem dân làng đó thuộc hạng nào đã.

Trong chuyện này, quan Đô Ngự sử Nguyễn Công Mậu chỉ được một viên thổ hào khen, nhưng chừng ấy cũng đủ lưu tiếng thơm lâu dài rồi.

Giữa thời nhiễu nhương, chẳng ai dám chắc người được lòng tất cả mọi người là người tốt.

Mới hay, dưới ánh sáng hai vầng nhật nguyệt, chớ sợ lòng thanh liêm chính trực của mình chẳng ai biết cho.

Nếu không như vậy, Tiến sĩ Vũ Phương Đề đã chẳng chép chuyện này.

Tinh hoa Việt