Nhà ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ: Người tử tế không sử dụng mạng xã hội để loan tin xấu
Nhà ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ chia sẻ về những phát ngôn trên mạng xã hội của cá nhân anh:
Ảnh minh họa.
“Đã từ lâu, thay vì vào các trang báo mạng như thói quen trước đây, mỗi ngày tôi thường lướt qua Facebook để xem tin tức với nhiều khoảng thời gian khác nhau, khi nhiều khi ít. Mạng xã hội, thực sự đã giống như một kênh truyền thông quan trọng, có thể tác động không nhỏ tới tinh thần và cảm xúc của mình. Có thể chỉ là một bức ảnh đẹp, có thể là một câu chuyện giàu tính nhân văn. Cũng qua mạng xã hội, ta có được đường link các bài viết từ những trang mạng uy tín, đủ độ tin cậy về tính xác thực của thông tin.
Người ta vẫn nói Facebook giống như cái chợ, điều đó không sai. Thôi thì thượng vàng hạ cám, đủ các chuyện trên trời dưới bể, muôn vàn các hội kín nhóm kín, câu lạc bộ nọ câu lạc bộ kia…
Thế nên mỗi người dùng Facebook, trong đó có tôi, chỉ đủ thời gian để quan tâm đến một số khu vực mà thôi. Đầu tiên, tôi quan tâm đến trang cá nhân những bè bạn người thân của mình, tiếp đến là tình hình đời sống xã hội, văn chương nghệ thuật hay các sự kiện mà mình cảm thấy có sự phù hợp hoặc tương đắc”.
“Đa số các bài viết hoặc status, tôi đều để ở chế độ công khai cho tất cả mọi người đều có thể đọc được.
Trước tiên nó mang ý nghĩa về sự chia sẻ với bạn bè người thân, tiếp đến, chúng ta có thể nhận được niềm vui ngay từ những người bạn chưa một lần gặp nhau ở ngoài đời.
Họ chia sẻ với ta những ý tưởng hay, những bổ sung quan trọng, hoặc chí ít một lời động viên hoặc đồng cảm cũng đủ mang ý nghĩa tiếp thêm cho ta một phần năng lượng sống”.
“Mỗi khi đặt tay lên bàn phím, tôi đều có sự cân nhắc, dù chỉ là một comment. Facebook đúng là cũng có khi chỉ để đùa vui, giải trí, nhưng rõ ràng tính xã hội hóa của nó cực kỳ cao, và một sai lầm nhỏ của bạn, một sự lỡ lời của bạn có thể phải trả giá rất đắt. Nhiều người vẫn nói, mạng xã hội là cõi ảo, không phải thật. Thế nhưng, tôi lại thấy mạng xã hội đã trở thành một giá trị cuộc sống, mà nếu thiếu đi nó, mỗi ngày của chúng ta sẽ buồn hơn rất nhiều. Một lời kêu gọi cộng đồng chung tay giúp sức những hoàn cảnh khó khăn sẽ có sức lan tỏa rất lớn và tạo được hiệu quả nhanh chóng nếu chúng ta sử dụng mạng xã hội, tính năng này vượt xa so với báo giấy, báo tiếng hay báo hình. Thế rồi, sự kết nối mọi người vì những công việc chung khác cũng cực hiệu quả và tiện lợi khi ta có một công cụ chung là mạng xã hội”.
“Sử dụng mạng xã hội, không tránh được đôi khi cần phải tranh luận. Nhưng ngay cả tranh luận cũng có nhiều dạng. Tranh luận vô bổ hay chuyện phiếm chỉ khiến ta mất thời gian. Đáng tranh luận hơn cả khi cái đích của những trao đổi này phải tạo ra các giá trị cho cộng đồng, hoặc ít ra phải làm cho tư duy của chúng ta phong phú hơn, có nhiều hiểu biết tích cực hơn. Nhiều người thường tránh những cuộc tranh luận vì sợ làm mất lòng người nọ người kia, nhưng theo tôi, bày tỏ chính kiến luôn là một điều chính đáng và nên làm. Chính kiến ấy phản ánh nhận thức của chính mỗi chúng ta, có thể nó chưa đúng, chưa chính xác ở lát cắt ấy. Nhưng không sao cả, cuộc sống luôn chảy trôi không ngừng, cũng như nhận thức luôn thay đổi, luôn có sư điều chỉnh. Sự thiếu sót của hôm nay sẽ là tiền đề cho sự hoàn thiện của ngày mai. Dĩ nhiên là mình cần xác lập một ý thức tích cực ngay từ đầu”.
“Có lẽ cần xác định rằng, Facebook hay mạng xã hội nói chung, chỉ nên nhìn nó như phương tiện chứ không phải là mục đích. Dùng mạng xã hội không đúng cách sẽ tiêu tốn thời gian kinh khủng, có thể dẫn tới sự phá sản nhiều kế hoạch của cá nhân. Vì thế, cách tốt nhất là tự đề ra một kỷ luật cho chính mình khi sử dụng mạng xã hội nói chung, Facebook nói riêng. Dùng Facebook làm sao để công việc hàng ngày của chúng ta vẫn được đảm bảo và phát triển tốt thêm, cũng có những thư giãn và giải trí vừa đủ cho mỗi lúc căng thẳng, và làm sao để mạng xã hội/Facebook mang nhiều giá trị tích cực cho cộng đồng, giúp đỡ những người cần được giúp đỡ, bênh vực những người cần được bênh vực. Mạng xã hội, khi đó, không chỉ là một công cụ truyền thông, mà còn là một thứ vũ khí hữu hiệu để đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu, cái cần bị loại bỏ, bày tỏ một thái độ đấu tranh quyết liệt đối với tất cả những gì đi ngược lại với sự tiến bộ của con người”.
“Về tình trạng người lao động công khai trên mạng xã hội về các vấn đề mang tính chất tiêu cực về đồng nghiệp và nội bộ cơ quan mà họ đang làm việc, theo tôi cần nhìn nhận theo hai con đường: Con đường từ ngoài nhìn vào và con đường từ trong nhìn ra.
Ở khía cạnh thứ nhất, từ ngoài nhìn vào, phải thấy rằng đây là một hiện tượng bình thường của đời sống trong bối cảnh internet phát triển, mạng xã hội phát triển, công nghệ tin học phát triển. Tính dân chủ vẫn là thứ được đề cao, nó sẵn sàng trở thành châm ngòi cho mọi bức xúc, nếu hợp lý, của người lao động, đặc biệt trong hoàn cảnh người ta không còn biết bấu víu vào đâu, không biết kêu ai. Trong sự cùng đường ấy, người ta tìm đến cách chia sẻ trên mạng xã hội như một tất yếu.
Ở khía cạnh thứ hai, từ trong nhìn ra, việc người lao động phản ánh công khai tiêu cực trên mạng chia làm nhiều loại. Có loại như tôi vừa nêu phía trên, là sự bất đắc dĩ phải tung thông tin lên mạng trong hành trình đi tìm kiếm một giá trị công lý nào đó. Nhưng cũng có loại thứ hai, có thể gọi là những “chuyên gia kiện cáo” bởi hơi một tí là kiện, bạ cái gì cũng kiện, mục đích của họ không hướng đến cái chung mà nhiều khi chỉ vì lợi ích cá nhân, thỏa mãn một sự ích kỷ nào đó. Họ lợi dụng sự dễ dàng kiểm duyệt và đăng bài của mạng xã hội để tha hồ tung thông tin, thậm chí là tung hỏa mù. Cho dù vấn đề họ đưa ra có những phần trăm của sự thật nhưng họ bất chấp sự lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan chủ quản để mặc nhiên làm theo ý mình. Ở trường hợp này, về lý ta không thể bắt lỗi nhưng quả thực về tình thì không thể hoan nghênh. Bởi nếu ai cũng như vậy thì cơ quan sẽ thành cái chợ, cả một hệ thống guồng máy hành chính sẽ thành chỗ lộn xộn bởi những ảnh hưởng của thông tin trên mạng xã hội, trên trang cá nhân. Làm việc gì, nhất là những việc liên quan đến quyền lợi cá nhân đặt trong quyền lợi tập thể, cũng nên bình tĩnh, chuẩn mực và thận trọng. Tôi tin là những người có suy nghĩ chín chắn, sâu sắc và nhân văn sẽ không bao giờ lợi dụng mạng xã hội để tung tin một cách tràn lan như vậy”.