Mất an ninh bệnh viện: Bác sĩ bị đánh thì ai chữa bệnh
Trong năm 2017, đã có 25 vụ gồm 35 đối tượng hành hung bác sỹ, nhân viên y tế, trong đó truy tố 10 vụ, 10 đối tượng, xử lý hành chính 11 vụ, 19 đối tượng, trong đó có 1 vụ, 1 đối tượng là quân nhân đã chuyển cho lực lượng quân đội xử lý; điều tra 4 vụ, 4 đối tượng xử lý theo quy định của pháp luật. An ninh bệnh viện đã đến mức báo động, không phải chỉ là cảnh báo.
Một vụ hành hung bác sỹ xảy ra tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt - Tiệp Hải Phòng.
Bạo lực liên tiếp xảy ra trong bệnh viện
Sự việc mới nhất xảy ra vào 23h30 ngày 8/4, khi bệnh nhân Nguyễn Phúc Đạt (14 tháng tuổi) được đưa vào bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh trong tình trạng sốt cao.
Sau khi vào khoa Cấp cứu, bệnh nhân được chuyển đến khoa Nhi. Ngay sau đó, bác sĩ Nguyễn Đình Phi cùng ê kíp trực đã tiếp nhận bệnh nhi Đạt, cho cặp nhiệt độ.
Trong lúc đang thăm khám, bất ngờ từ phía sau có tiếng chửi bới, một người đàn ông tự xưng bố cháu Đạt tiến đến túm cổ áo bác sĩ Phi đấm thẳng vào mặt khiến bác sĩ này bị choáng váng, ngã xuống sàn nhà.
Lúc này, thực tập sinh Trần Nhật Giáp, sinh viên năm thứ 6, trường đại học Y khoa Vinh chạy đến can ngăn liền bị người đàn ông đấm liên tiếp vào mặt và vùng đầu, bất tỉnh.
Ngay sau đó, bác sĩ Phi và sinh viên thực tập Giáp được đưa vào cấp cứu tại khoa Ngoại thần kinh. Còn người đàn ông tự xưng là bố bệnh nhi Đạt tiếp tục gây rối, lớn tiếng chửi bới.
Người này chỉ dừng lại khi lực lượng Công an phường Hà Huy Tập và đội cơ động Công an tỉnh Hà Tĩnh đến xử lý.
Được biết, đối tượng hành hung bác sĩ Phi và thực tập Giáp là Nguyễn Phúc Kỳ, trú tại phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Đối tượng vừa được mãn hạn tù.
Thông tin từ Công an phường Bắc Hà, hiện, đơn vị đang triệu tập đối tượng hành hung bác sĩ nói trên để điều tra, làm rõ sự việc.
Một trường hợp khác là trường hợp bệnh nhân L.T.H.T (35 tuổi, trú tại phường sông Cầu, TP Bắc Kạn) đã được điều trị tại Trung tâm Y tế TP Bắc Kạn và được chuyển tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn ngày 29/3.
Nhưng, sau đó gia đình đã tự ý đưa bệnh nhân về nhà. Khi về nhà, bệnh nhân có các biểu hiện nôn, chóng mặt, đau đầu, tay chân tê bì, mệt mỏi.
Đến khoảng 14h ngày 31/3, bệnh nhân T được chồng đưa bệnh nhân quay lại bệnh viện để thăm khám.
Sau khi được các bác sĩ thực hiện các bước cần thiết để lên phác đồ điều trị, bệnh nhân kêu đau và tê tay.
Lúc này, chồng của bệnh nhân này chạy đi gọi các bác sĩ, điều dưỡng viên của ca trực. Khi đo huyết áp, các bác sĩ thấy huyết áp bệnh nhân bình thường, bệnh nhân tỉnh táo, nói chuyện được nhưng người chồng vẫn to tiếng và chửi bác sĩ.
Sau đó, người này đã đánh bác sĩ Hoàng Thị Huế và điều dưỡng Hà Thị Hảo.
Thời điểm hai nhân viên của khoa bị hành hung xảy ra vào khoảng 15h tại khoa Nội tổng hợp của Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn).
Khi xảy ra sự việc, bác sĩ Trịnh Đình Cương -Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn đang đứng cạnh bệnh nhân, còn bác sĩ Huế và điều dưỡng Hảo đi lấy dụng cụ khám.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, bác sĩ Cương đã báo cáo sự việc lên lãnh đạo của bệnh viện.
Theo lời kể của bác sĩ Huế, sau khi bị đánh, BS Huế và điều dưỡng Hảo không nói gì với đối tượng đã hành hung và mắng chửi mình, rất đông bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có mặt tại đó cũng không ai nói gì(?).
Cũng trong tháng 3/2018, nạn nhân tiếp theo của bạo lực bệnh viện là điều dưỡng N.T.B.P., (30 tuổi), công tác tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc – Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Vào sáng cùng ngày, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng tiếp nhận nạn nhân Phan Như Khánh (33 tuổi, ngụ tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) trong tình trạng mất máu cấp do bị vật nhọn đâm vào ngực.
Qua kiểm tra nhanh, thanh niên này dương tính với chất ma túy. Đồng thời, người nhà cho biết do “phê” ma túy đá nên Khánh tự dùng dao đâm vào ngực mình. Sau khi được các bác sĩ phẫu thuật vết thương, Khánh được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực - Chống độc để tiếp tục theo dõi, điều trị.
Khoảng 22h, phát hiện thanh niên này tự rời giường bệnh đi ra ngoài nên điều dưỡng P., đề nghị Khánh quay trở lại giường bệnh. Không nghe theo lời của chị P., Khánh còn hung hăng lấy một vật cứng (nghi cục đá) đánh vào đầu chị P., khiến nạn nhân choáng váng, ngã gục.
Hậu quả, điều dưỡng P., bị một vết thương ở đầu dài 3cm, chấn động não, sưng bầm tay phải và vai. Qua chụp X-quang cho thấy điều dưỡng P., còn bị gãy xương đòn và xương ngón 2 tay phải.
Hiện chị P., vẫn đang tiếp tục nằm điều trị ở nhà, chưa thể đi làm lại.
Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải, Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp, Công an TP Đà Lạt cho biết, sau khi hành hung điều dưỡng P., Khánh đã bỏ trốn khỏi địa phương và Công an địa phương đang tích cực truy bắt đối tượng.
Cơ quan điều tra đang chờ kết quả trưng cầu giám định tỷ lệ thương tật của nạn nhân để làm căn cứ xử lý vụ việc.
Trước đó, rạng sáng 22/1, tại phòng Cấp cứu bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cũng đã xảy ra một vụ hành hung bác sĩ gây thương tích nặng cho nạn nhân. Khi đó nữ bác sĩ N.T.T., (26 tuổi) đang khâu vết thương ngoài da cho một bệnh nhân bị thương do đánh nhau thì một thanh niên lạ mặt xuất hiện, đòi đến gần bệnh nhân trên.
Khi bác sĩ T., ngăn lại để tiếp tục phẫu thuật vết thương cho bệnh nhân thì bất ngờ, một thanh niên là người quen của bệnh nhân đã uống rượu bia xông vào đánh tới tấp bác sĩ T.
Công an phường 6, TP Đà Lạt) sau đó xác định thanh niên vừa kể tên là Võ Văn Tùng (34 tuổi, ngụ đường Nguyễn An Ninh, TP Đà Lạt).
Tùng từng có một tiền án liên quan đến tội giết người, ra tù năm 2010. Công an TP Đà Lạt cho biết, qua giám định, cơ quan chức năng xác định bác sĩ T., bị Tùng gây thương tích với tỷ lệ thương tật gần 9%. Tùng bị xử lý hành chính về hành vi xâm hại sức khỏe của người khác.
Ngành y tế đang đơn độc
Trước tình trạng những vụ hành hung bác sĩ liên tục xảy ra, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ bức xúc trước các vụ việc nhân viên y tế bị hành hung.
Theo Bộ trưởng, về phương diện an ninh trật tự, hành hung người thi hành công vụ là vi phạm pháp luật.
Đánh người đang chăm sóc sức khỏe cho mình, cho người thân mình đều có lỗi và người thiệt hại nhất chính là bệnh nhân.
Thực tế này cũng cho thấy đạo đức xuống cấp, cơ quan chức năng phải có chế tài xử lý nghiêm và cần có những biện pháp phòng ngừa.
Bộ trưởng cho biết, “Chúng tôi đã ban hành nhiều công văn, chỉ thị chỉ đạo các bệnh viện tăng cường an ninh bệnh viện, thậm chí đặt cả camera nhưng không hiệu quả. Nhiều vụ khi gọi được công an thì việc đã xong”.
Bộ trưởng cũng cho rằng, ngành đã rất nhiều lần mời công an, cơ quan chức năng cùng vào cuộc, tuy nhiên tình trạng hành hung cán bộ y tế khi đang làm nhiệm vụ không thấy giảm mà tăng.
“Bảo vệ bệnh viện thì không đủ sức nên tôi cảm thấy rất lo lắng. Bệnh nhân thì đòi được khám ngay, lấy điện thoại để quay và ghi âm thì làm sao bác sĩ yên tâm khám chữa bệnh được”. Bộ trưởng cho rằng, nếu các vụ việc tương tự vẫn tiếp tục xảy ra thì an toàn tính mạng của các bác sĩ bị đe dọa trong lúc khám chữa bệnh. Xa hơn nữa, bệnh nhân là người thiệt thòi.
“Đến thời điểm này chúng tôi thấy ngành y tế gần như đơn độc trong đấu tranh với nạn bạo hành nhân viên y tế”.
Bộ trưởng tha thiết mong muốn dư luận, truyền thông cùng các cơ quan chức năng cùng vào cuộc để ngăn chặn, giảm bớt và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đồng thời, Bộ trưởng Kim Tiến mong mỏi có sự chủ động phối hợp của chính quyền các cấp. “Chúng tôi cho rằng cần đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, lên án và xử lý nghiêm những trường hợp hành hung y bác sĩ. Ngoài xử lý hành chính, cần xử lý hình sự đối với những đối tượng này”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Tuy nhiên, suy nghĩ ở một góc độ khác, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đồng ý phải bảo vệ bác sĩ, cán bộ y tế, nghiêm trị những kẻ gây rối, tuy nhiên cũng phải nói theo chiều ngược lại: “Trừ một vài trường hợp say rượu quấy phá BV, còn lại phần nhiều những trường hợp người nhà gây sự cũng do bất bình vì phục vụ. Có bất bình do không được giải thích cũng là lỗi của mình, có bất bình do bản thân một số cán bộ chưa thực sự tốt”.
Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị ngành y tế phải đảm bảo môi trường bệnh viện thật tốt. Không chỉ sạch đẹp mà phải minh bạch, công khai tất cả thu chi, chức năng nhiệm vụ từng người và có giám sát.