NSƯT Đoàn Thanh Bình: Chong đèn giữ nhịp chèo xưa
Như một lý giải sinh động cho sự ràng buộc của nghệ thuật đối với những con người tài hoa, con đường hoạt động nghệ thuật chèo mà NSƯT Đoàn Thanh Bình chọn và bền bỉ cuộc hành trình đến tận hôm nay, khiến cho nhiều người khi chứng kiến, thêm hiểu, thêm yêu và tin vào sức sống trường cửu của di sản dân tộc.
Ảnh: Lê Khiếu Minh.
Những năm tháng này, khi đã ở tuổi hưu, đã lên bà ngoại, đã đi qua nhiều những chặng đường của sân khấu chèo chuyên nghiệp, lối đi của bà lại rẽ về một ngả, một nơi mà xa xưa từ ấy, chèo dân gian đã thăng hoa và duyên dáng đi vào đời sống hiện đại, đời sống đương đại.
Ấy là sân đình, nơi hồn vía những câu hát chèo xa xưa còn vang vọng. Và kỳ diệu thay, ngày hôm nay, qua biết bao cách trở, chèo lại trở về với không gian thiêng liêng của văn minh lúa nước.
NSƯT Đoàn Thanh Bình cùng các đồng nghiệp trẻ của mình, đang trở thành những người vun đắp vào con đường trở về ấy.
Đó là khi những nao nức không tuổi của nghiệp diễn vẫn cứ thường trực trở đi trở lại theo từng lần về với những nẻo quê hương, hát, diễn cho bà con nông dân thưởng thức.
Hàng trăm năm trước cho đến khoảng hơn nửa thế kỷ trước, cha ông họ đã vây quanh những chiếu chèo trên sân đình.
Cảnh tượng đẹp đẽ muôn màu của quá khứ, giờ được tái hiện bằng hơi thở mới trên nền hoa văn diễn xướng cổ truyền.
Hơn một năm trước, NSƯT Đoàn Thanh Bình cùng những người đồng tâm với mình, đã thành lập Giáo phường Đình làng Việt, để nối bước người xưa, làm hồi lại không khí rộn rã của những chiếu chèo.
Hơn một năm với những chuyến đi về một số đình làng trong và ngoài Hà Nội, trong sự chờ đón của khán giả nông dân và niềm hào hứng của những người tổ chức, thực hiện.
Giáo phường mới, chiếu chèo mới, ở những bước đi đầu tiên của mình, đang chứng minh cho sự phù hợp của một cách làm mang tính kết nối giữa hiện đại và truyền thống.
Những nỗ lực của NSƯT Đoàn Thanh Bình và chồng bà – NSƯT Vũ Ngọc, chính là chìa khóa, là cốt lõi nghệ thuật cho cuộc kết nối đó.
Trước đó, NSƯT Đoàn Thanh Bình đã kịp có những đóng góp nhất định vào hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong không gian văn hóa phố cổ Hà Nội.
Đó là khi hoạt động du lịch địa bàn trung tâm nội thành Thủ đô được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bằng việc mở ra thêm các chương trình văn hóa nghệ thuật để phục vụ công chúng, nhằm tăng thêm sức hút cho không gian này.
NSƯT Đoàn Thanh Bình tham gia đã cùng với các nghệ sĩ tên tuổi khác trong làng cổ nhạc Việt Nam như NSND Xuân Hoạch, NSND Thanh Hoài, NSƯT Thúy Ngần… và nhà nghiên cứu Đàm Quang Minh thành lập nhóm Đông Kinh cổ nhạc, tổ chức được nhiều buổi diễn các trích đoạn sân khấu và diễn xướng truyền thống. Người xem hiểu biết thêm về những nét tinh túy cổ nhạc Việt qua nghệ thuật biểu diễn điêu luyện của các nghệ sĩ bậc thầy.
Khó lòng nhận ra được sự tách bạch giữa đời thường với nghệ thuật, giữa đời riêng với nghề nghiệp, ở trường hợp gia đình vợ chồng NSƯT Vũ Ngọc - Đoàn Thanh Bình.
Bởi phòng khách ngôi nhà của ông bà trong khu văn công Mai Dịch – Cầu Giấy – Hà Nội, vào nhiều lúc hàng tuần, lại rộn rã tiếng trống, tiếng hát.
Sau những sàn diễn nhỏ mà hai vợ chồng nghệ sĩ vượt qua tuổi tác để sẻ chia tài năng, thì không gian gia đình lại là nơi ông bà tiếp tục thuyết phục những tâm hồn yêu chèo tìm đến.
Giữa nhịp gấp gáp, sôi động của thời hiện đại, đã có thêm nhiều bạn trẻ, nhiều người say mê, muốn quay về lắng đọng lòng mình vào lời ca tiếng nhạc chèo.
Vợ chồng nghệ sĩ trong ngôi nhà của mình, trở thành một bến đỗ cho những con đò tìm về chốn cũ.
Và thế là, cứ thường xuyên, người yêu chèo tìm đến để hiểu hơn về giá trị di sản qua thầy Ngọc, cô Bình.
Nửa đời gắn bó với giảng đường nghệ thuật, nay đã nghỉ hưu, ngôi nhà lại như nối dài thêm giảng đường ấy, để với NSƯT Đoàn Thanh Bình, cái nghiệp làm thầy vẫn chưa dừng lại.
Và trong đời sống mà thông tin liên lạc phủ sóng khắp nơi này, thì thật là thú vị khi câu ca điệu hát cũng nhờ những tấm lòng mộ điệu, nhờ tâm huyết những người thầy nghệ thuật mà lan tỏa xa thêm. Một hai năm nay, thỉnh thoảng, NSƯT Đoàn Thanh Bình lại phải “kiêm” thêm vai trò dạy hát qua điện thoại.
Vốn đã được nhiều người mến mộ, nhưng từ khi tham gia vào cộng đồng mạng, giúp đỡ nhiều người tìm hiểu chèo, hỗ trợ về chuyên môn cho một số kỳ liên hoan những người yêu chèo toàn quốc, NSƯT Đoàn Thanh Bình lại được thêm phần quý trọng bởi sự nhiệt tình của bà.
Vì thế mà có những người yêu chèo, tập hát chèo trong số quần chúng đông đảo ở nơi này nơi khác, vẫn gọi điện để hát, nhờ bà góp ý, hoặc nhờ bà hát mẫu cho một số câu, đoạn để tập hát theo. Như thế, bây giờ nếu tính số học trò của cô Đoàn Thanh Bình thì có lẽ khó mà đếm được.
Bà đã đem nghệ thuật chèo đến với cuộc đời rộng rãi và đông đảo hơn như thế, từ cái nghiệp làm thầy.
Nhiều năm, NSƯT Đoàn Thanh Bình là giảng viên chèo của Trường ĐH SK&ĐA Hà Nội.
Kinh nghiệm biểu diễn, vốn liếng nghệ thuật phong phú, tài năng và sự khổ luyện không ngừng từ thời trẻ, cùng tâm huyết của một con người luôn tôn trọng nghề nghiệp của mình, đã giúp bà có được nhiều lứa học trò tài năng, bám nghề, trưởng thành và có đóng góp cho sân khấu chèo.
Không nề hà đường xá xa xôi và điều kiện thời tiết, trong nhiều năm dạy học, và cả thời điểm này nữa, khi đã nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục cộng tác với nhà trường, vợ chồng hai nghệ sĩ Vũ Ngọc, Thanh Bình vẫn có những chuyến đi về các đơn vị nghệ thuật chèo trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
Ông bà đến với các diễn viên, học viên các tỉnh, truyền nghề, hướng dẫn, nắn chỉnh, tiếp thêm lửa chiếu chèo cho các nghệ sĩ và những học viên đắm đuối giữ nghệ thuật dân tộc, trong bối cảnh các sứ giả của văn hóa truyền thống ấy, cũng gặp nhiều khó khăn giữa cơ chế thị trường.
Nhưng trước khi trở nên một người thầy rất thành công trong sự nghiệp ươm trồng nghệ thuật, cũng phải kể đến một đoạn đường biểu diễn của NSƯT Đoàn Thanh Bình.
Tốt nghiệp Trường trung cấp nghệ thuật sân khấu Việt Nam, tiền thân của Trường ĐH SK&ĐA Hà Nội ngày nay, năm 1975 Đoàn Thanh Bình trở thành diễn viên Nhà hát chèo Việt Nam.
Gương mặt trẻ tài năng Đoàn Thanh Bình từ giai đoạn cuối những năm 70, sang những năm 80 của thế kỷ trước, đã cùng với các đồng nghiệp cùng thế hệ góp sức vào sự phát triển của nhà hát từ những thành quả nghệ thuật được ghi nhận của mình, trong đó có vai Thị Kính trong vở chèo cổ kinh điển “Quan Âm Thị Kính”.
Năm 1985 tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, Đoàn Thanh Bình giành Huy chương Vàng vai chị Chúc trong vở “Sông Trà Khúc”.
Tiếp đó là Huy chương Vàng cho vai mẹ Từ Thức trong liên hoan năm 1990. Tiếp đó, vai Lã Thị cũng giành Huy chương Vàng năm 1995.
Đặc biệt là Huy chương Vàng cho giọng hát hay nhất cuộc thi giọng ca chèo toàn quốc năm 1992.
NSƯT Đoàn Thanh Bình quê gốc ở Thanh Oai, Hà Nội. Bà của NSƯT Đoàn Thanh Bình là NSND Cả Tam, một trong những gương mặt xuất sắc của ngành chèo Việt Nam, cả bố và mẹ của Thanh Bình đều đi theo nghiệp diễn.
Bao năm qua, những con đường mang nhịp chèo vẫn chảy trôi không mỏi theo bước chân người nghệ sĩ. Con đường nghệ thuật cổ truyền đi về hướng ngày mai, hôm nay tiếp tục nao nức cháy trong tâm hồn những người đã nhận lãnh trách nhiệm lưu giữ và lan tỏa.
Và phải kể đến trước đó nữa, một chặng đường duyên nợ với nghệ thuật ca trù của nghệ sĩ sân khấu chèo. Khi tuổi đã ngoài 50, tưởng chừng sẽ chỉ yên ấm cùng nghiệp chèo, NSƯT Đoàn Thanh Bình bị cuốn hút mạnh mẽ bởi nghệ thuật ca trù. Bà đã có duyên may được ca nương lão làng NSƯT Phó Thị Kim Đức truyền dạy, mở ra cả chục năm trời khổ luyện từng câu ca cùng nhịp đàn, tay phách. Suốt những tháng ngày ròng rã, ở tuổi đã chẳng còn tráng niên, vợ chồng NSƯT Vũ Ngọc – Thanh Bình thường xuyên đến nhà cụ Kim Đức, được nghệ sĩ hàng đầu trong làng ca trù Việt truyền lại những lề lối nghiêm ngặt, kỹ thuật tinh tế. CD “Ca trù đàn hát khuôn” qua tiếng hát Thanh Bình, cùng với đêm nghệ thuật ca trù đàn hát khuôn tại Trung tâm văn hóa Pháp gây tiếng vang trong dư luận, là một dấu ấn đẹp của NSƯT Kim Đức cùng các học trò cũng rất danh tiếng của mình. |