Mục đích của văn chương
Văn chương nghệ thuật có ngai vàng riêng, ngồi ở trên ấy có thể là vua mà cũng có thể là phó thường dân. Nhưng họ lên ngai là do mọi người tôn lên, do lịch sử khẳng định, chứ đương thời họ cũng sống bình thường, làm thơ chỉ là một việc tự nhiên trong cuộc sống.
Viết văn để làm gì?
Mục đích của việc viết văn đã có quá nhiều người nói. Từ xưa, ở phương Đông vẫn truyền rằng "Văn dĩ tải đạo", tức là viết văn để truyền chí hướng, tải những điều tốt đẹp.
Đến mỗi thời, những danh tài lại cụ thể mục đích việc viết văn khác nhau.
Cụ Nguyễn Đình Chiểu thì nói: "Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà". Nhà thơ Sóng Hồng cũng cùng quan niệm ấy "Lấy cán bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ, bom đạn phá cường quyền". Tức là viết văn làm vũ khí chiến đấu. Thi sĩ Chế Lan Viên đã có phần khác hơn: "Khi ta muốn thơ ta thành hầm chông giết giặc/ Thành một nhành hoa mát mắt cho đời…" thì ông đã chạm tới cái đẹp theo một góc độ khác.
Thời hiện đại, mục đích của việc viết văn được nói đến một cách đa dạng hơn. Bên cạnh việc nhiều người vẫn bền chí với mục tiêu chân-thiện-mỹ, thì đã có những ý kiến khác lạ.
Có người nói viết văn để giải tỏa. Người thì nói viết để kiếm tiền. Nhưng kiếm tiền thì được là bao khi mà thơ văn còn rẻ hơn cả thời mà Tản Đà phải cay đắng thốt lên: "Văn chương hạ giới rẻ như bèo". Người thừa tiền thì nói viết văn, làm nghệ thuật để chơi. Nhưng chơi cũng có người chơi thật, người chơi đùa, có người chơi đẹp, người chơi không đẹp. "Nghề chơi cũng lắm công phu" mà!
Nhưng đấy là xét trên phương diện tuyên ngôn. Chưa kể có người tuyên ngôn một đằng làm một nẻo. Viết văn để giải tỏa ư? Tất nhiên rồi.
Những người có tâm sự thật sự muốn chia sẻ với người khác không viết ra không chịu nổi. Nhưng những ẩn ức này cũng đa dạng lắm.
Có những ẩn ức về tư tưởng chính trị, có những ẩn ức về xã hội, có những ẩn ức về tình cảm, ẩn ức về thiên nhiên. Lại có cả những ẩn ức về tình yêu, tình dục…
Và người viết văn thời nay, nhiều người không ngần ngại trút hết ẩn ức lên trang giấy. Không như thời xưa, các cụ phải uốn lưỡi ba lần rồi mới nói. Thôi thì đủ kiểu, văn chương không chỉ là cái đẹp nữa.
Văn chương đã hết sức đời thường, thậm chí quá mức đời thường đến tầm thường, không còn sạch sẽ nữa.
Có người nói, văn chương viết về tình dục nước ta đã lạc hậu hàng trăm năm so với thế giới. Rồi nhiều người viết tranh luận lại: Không, ông cha ta cũng ghê gớm lắm, và cố tình chứng minh đến lệch cả đi hòng giành giật phần thắng.
Sao lại cứ thế giới có gì thì việt Nam phải có ấy? Văn chương nghệ thuật Việt Nam có cần kinh dị không, có cần tình dục trần trụi không? Phải có câu trả lời nghiêm túc của cả những nhà quản lý và những nhà văn tài danh.
Vâng, đã là con người thì có nhiều thứ giống nhau. Nhưng cũng sẽ có chút khác nhau đấy!
Có thể một chút khác nhau này mới là quan trọng nhất để phân biệt người này với người khác, dân tộc này với dân tộc khác.
Đó là cái riêng mà loài người phải phấn đấu từ bao đời. Tình yêu của người Việt Nam, người Á Đông thơ mộng chứ không trần trụi.
Những giấc mơ của ông cha ta gửi gắm qua truyện thần thoại, cổ tích êm đẹp chứ không rùng rợn. Nhân cách của trẻ nhỏ sẽ được quyết định bởi việc giáo dục.
Cả thế giới đều thừa nhận điều này nên người ta mới thi nhau đầu tư cho giáo dục. Mà không nước nào giáo dục là chỉ dạy dỗ về kiến thức.
Cách đây hai phần ba thế kỷ, khi còn ở trong bóng tối nhà giam, Bác Hồ đã thấy rõ: "Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên". Văn chương nghệ thuật bạo lực, kinh dị, rùng rợn, tình dục trần trụi nhớp nhúa…sẽ là giáo dục hay là phản giáo dục, hỡi các nhà văn? Có phải nghệ thuật bị đánh lộn, văn chương nghệ thuật ấy phụng sự cái đẹp hay phụng sự cái xấu đây?
Từ mấy thế kỷ trước danh sĩ Nguyễn Siêu đã viết: "Văn chương có loại đáng thờ, có loại không đáng thờ".
Bây giờ mà sống lại, hẳn ngài sẽ nói thêm "có loại đáng dẹp bỏ" nữa. Thế mới là tự do văn chương, hiểu theo nghĩa tự do theo quy luật của tất yếu.
Mục đích của việc viết văn tưởng là đơn giản và sáng rõ, sao ở một số người cầm bút lại quá mù mờ?
Ở những nước có nền khoa học và công nghệ vượt trội không có nghĩa là cũng có một nền văn chương tiên tiến hiện đại.
Thậm chí có thể ngược lại. Bốn bài thơ của Hữu Thỉnh "Thư mùa đông", "Thư viết ở biển" và Lò Ngân Sủn "Người đẹp", "Đứng trước em" được chuyển ngữ ra nước ngoài năm 2001 đã được rất nhiều người hâm mộ, có phải là một lời nhắc nhở.
Đó là những bài thơ mang đặc tính dân tộc sâu sắc cả ở nội dung và hình thức, giản dị và trong sáng; nhờ thế mà nó trở thành hiện đại, được Festival thơ quốc tế hiện đại hoan nghênh.
Đúng như thi sĩ Chế Lan Viên đã viết từ mấy chục năm trước: "Thơ dở không dịch được/ Thơ hay như người đẹp, ở đâu đi đâu cũng lấy được chồng".
Viết văn để làm gì cần phải được khẳng định trước khi cầm bút, nếu không những điều viết ra sẽ chẳng có giá trị và ý nghĩa gì.
Việc thường làm tốt hóa thiêng liêng
Tìm hiểu Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi thấy quan niệm về văn chương nghệ thuật của Người khá cởi mở. Ngoài việc nhấn mạnh tính chiến đấu vì nhiệm vụ chính trị: Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong và Văn học nghệ thuật là một mặt trận, các văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy, thì Bác cũng coi văn chương nghệ thuật là một việc bình thường trong cuộc sống.
Sau hòa bình ở miền Bắc, Bác có lên thăm lại tỉnh Cao Bằng, cùng mọi người đến Pác Bó. Bác bảo mọi người làm thơ, rồi mời đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đọc trước. Khi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nói: "Thưa Bác, cháu không biết làm thơ ạ" thì Bác cười vui: "Chú làm Bí thư Tỉnh ủy mà không biết làm thơ là không được".
Khi còn nằm trong nhà lao của Tưởng Giới Thạch, Người cũng có câu thơ đùa cợt: Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.
Rồi khi là Tổng chỉ huy của cuộc chống Mỹ cứu nước gian khổ và ác liệt, ta vẫn thấy nụ cười ấy ở thơ Người: Đã lâu không làm bài thơ nào/ Nay lại thử làm xem ra sao/ Lục khắp giấy tờ vần chửa thấy… Bình thường thế thôi, chứ Người không bao giờ quá đề cao văn chương nghệ thuật, dẫu mình là một nhà thơ. Bởi văn chương nghệ thuật cũng chỉ là một phần của cuộc sống, chứ không phải nằm ở bên trên cuộc sống.
Trong lịch sử văn chương các nhà thơ có ở mọi tầng lớp, mọi nghề nghiệp. Có những ông vua làm thơ như Lê Thánh Tông, Tự Đức. Những ông quan làm thơ như Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến…
Các nhà giáo, thầy thuốc làm thơ như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Hữu Trác, Nguyễn Đình Chiểu… Những người dân thường làm thơ như Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Hàn Mặc Tử, Bùi Giáng…
Trong dăm bảy nhà thơ lớn của dân tộc mà nhà thơ Xuân Diệu ca ngợi và để tâm nghiên cứu công phu thì có hai thi nhân là dân thường: Hồ Xuân Hương và Tú Xương.
Thế mới biết, văn chương nghệ thuật có ngai vàng riêng, ngồi ở trên ấy có thể là vua mà cũng có thể là phó thường dân.
Nhưng họ lên ngai là do mọi người tôn lên, do lịch sử khẳng định, chứ đương thời họ cũng sống bình thường, làm thơ chỉ là một việc tự nhiên trong cuộc sống.
Dẫu họ cũng có ý thức về tài năng và phẩm chất của mình: Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ/ Lại đây cho chị dạy làm thơ (Hồ Xuân Hương), và Văn chương đâu phải là đơn thuốc/ Chớ có khuyên sằng chết bỏ bu (Tú Xương).
Có thể vì điều này mà một số người làm thơ viết văn ít tài thường ảo tưởng về mình, tưởng rằng cứ làm thơ viết văn là được tôn vinh. Họ không biết, tưởng đùa thế thôi chứ lịch sử rất nghiêm khắc, nghiệt ngã: Chỉ có kim cương, vàng ngọc mới ở lại, còn đồng, chì, sắt, kẽm các loại đều bị ô xy hóa hết. Chẳng bằng cứ sống bình thường, thơ văn đến thì viết ra, hay dở để cho đời định giá, chứ đừng lớn tiếng tuyên ngôn.
Vâng, hãy coi sáng tạo văn chương là một việc bình thường cho cuộc đời thêm vui, thêm đẹp. Trong số những bạn thơ của tôi, có những người là giáo sư - tiến sĩ, có những người là thợ cày.
Thường thì tôi quý thơ của những người bạn thợ cày hơn, bởi thơ ấy từ hồn họ phát ra. Còn thơ của các giáo sư - tiến sĩ thường là họ sáng tác. Thơ phát ra từ hồn với thơ sáng tác khác nhau nhiều lắm.