Gia tăng ung thư đại trực tràng
Tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng là dạng ung thư phổ biến, đứng hàng thứ 3 sau ung thư phổi và ung thư dạ dày ở nam, sau ung thư vú, cổ tử cung ở nữ và tăng rất nhanh.
Theo TS Phạm Văn Bình (Bệnh viện K), những người có nguy cơ cao bị ung thư đại trực tràng là những người tiền sử bản thân hoặc gia đình bị u tuyến, các hội chứng đa polyp hoặc ung thư đại trực tràng; các bệnh viêm ruột... Vì vây, nên làm xét nghiệm tìm máu trong phân, nội soi toàn bộ đại trực tràng... ở độ tuổi sớm hơn để sàng lọc bệnh. Tất cả loại đa polyp đại trực tràng nếu không được can thiệp thì sẽ có khoảng 50% chuyển thành ung thư (từ khi sinh ra đến khi 40 tuổi).
Vẫn theo TS Bình, phần lớn ung thư không liên quan đến di truyền và không để lại bệnh cho các thế hệ sau nhưng riêng ung thư đại trực tràng, có khoảng 5% người mắc có yếu tố di truyền về gene, gọi là hội chứng ung thư gia đình.
Điều trị ung thư đại trực tràng là điều trị đa mô thức gồm phẫu thuật, hóa chất, tia xạ. Trong đó, phẫu thuật đóng vai trò quan trọng nhất, với hai phương pháp chính là mổ mở truyền thống và phẫu thuật nội soi. Với các phương pháp điều trị ung thư điều quan trọng nhất, chìa khoá để thành công giúp bệnh nhân sống lâu hơn đó là chẩn đoán sớm. Các biện pháp phát hiện bệnh nhân ở giai đoạn sớm có thể phẫu thuật triệt căn là vô cùng quan trọng nhưng việc phát hiện sớm bằng các phương pháp y học hiện đại vẫn chỉ mang tính cá thể.
Để phòng ngừa ung thư đại trực tràng, theo TS Bình , cần tăng cường vận động thể chất; hạn chế ăn mỡ, thịt động vật; giảm kcal, chất béo từ 40% xuống 20-25%; tăng cường ăn các chất xơ và hoa quả tươi hằng ngày.
Bên cạnh đó cần hạn chế thức ăn muối, lên men, cá khô, nước tương, thịt xông khói; tránh để những chất gây đột biến gene nhiễm trong thức ăn như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc tăng trọng và hạn chế lạm dụng rượu, bia và các chất lên men khác.