Hội nghị lần thứ 16 BCH Đảng bộ TP HCM: Vấn đề ‘ngập’ và ‘cháy’ được đặt lên bàn nghị sự
Ngày 17/4, Thành ủy TP HCM khai mạc Hội nghị lần thứ Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa X. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu tăng cường vai trò của tổ chức MTTQ Việt Nam và các đoàn thể trong giám sát, phản biện. Ảnh: Hồng Phúc.
Trong buổi sáng, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu chỉ đạo về báo cáo kế hoạch đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Người đứng đầu Đảng bộ TP HCM đề nghị thảo luận tập trung vào việc làm rõ sự lãnh đạo của BCH, Ban Thường vụ Thành ủy về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; công tác tổ chức cán bộ, nâng cao chất lượng sinh hoạt và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên; công tác kiểm tra của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết TƯ 4 khóa XII. Đặc biệt, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị thảo luận, làm rõ về sự phát triển và đóng góp của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố.
Báo cáo về kinh tế - xã hội của TP HCM 4 tháng đầu năm 2018, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM cho rằng, có những cải thiện rõ rệt về môi trường đầu tư, dẫn đến kết quả thu hút đầu tư khả quan, với tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 65,3 ngàn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, đã có hơn 8.020 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới (tăng 2,6% so với cùng kỳ), với tổng số vốn hơn 100.000 tỷ đồng. Tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp GCN đăng ký đầu tư (cấp mới, tăng vốn) và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần,…thì thành phố thu hút được 1,28 tỷ USD, tăng đến 3,8 lần so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, ông Liêm cũng cho biết những vấn đề trong quản lý hạ tầng đô thị, trong đó có vấn đề cháy nổ tại các tòa nhà chung cư cao tầng. “Phải thừa nhận dù số vụ cháy được kéo giảm, nhưng công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy tại một số đơn vị, địa bàn vẫn còn tình trạng buông lỏng”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm nhìn nhận.
Đại diện lãnh đạo UBND TP cũng thừa nhận, vụ cháy xảy ra tại chung cư cao tầng Carina, Q.8 vừa qua là bài học lớn về an toàn PCCC, đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Sau vụ việc này, lãnh đạo thành phố đánh giá công tác diễn tập PCCC, cứu nạn, cứu hộ còn bị xem nhẹ và mang tính hình thức. Việc kiểm tra, giám sát tuy thường xuyên nhưng xử lý vi phạm thiếu kiên quyết, thiếu nghiêm minh, đã để xảy ra tình trạng không khắc phục sai phạm, tái phạm nhiều lần quy định về PCCC.
Về vấn đề trên, Hội nghị đã cho ý kiến về công tác tháo dỡ và xây dựng mới chung cư thay thế cho các chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp, với nguy cơ cháy nổ cao. Trong đó, UBND TP HCM được ủy quyền, phân công thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến thủ tục đầu tư, cải tạo, sửa chữa chung cư cũ, xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1975. Các mục tiêu được dự kiến trong giai đoạn 2016 – 2020 phải hoàn tất.
Ngoài cháy, tình trạng ngập ứng do triều cường và mưa lớn vẫn là vấn đề thường trực được TP HCM đặc biệt quan tâm, đưa vào thảo luận, hoàn chỉnh các mục tiêu, đề án liên quan. TP HCM có kế hoạch duy tu, sửa chữa, nạo vét toàn bộ hệ thống thoát nước trọng điểm, trong đó ưu tiên các vị trí thường xuyên ngập.
Tính đến tháng 3 năm nay, thành phố đã triển khai nạo vét gần 309,492 km lòng cống thoát nước; duy tu nạo vét 10 tuyến (3,229 km) kênh rạch và cửa xả; sửa chữa 886 hầm ga, thay 368 cống bị xuống cấp có khả năng sụp.
Thành phố đang nghiên cứu thực hiện việc thương thảo ký hợp đồng dịch vụ thuê vận hành máy bơm (công suất 27.000 m3/h đến 96.000 m3/h của Công ty CP Quang Trung để giải quyết ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh trong năm 2018.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hồng Phúc.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã chỉ ra các bất cập trong công tác chống ngập của TP HCM, trong đó nhiều quận/huyện vẫn để xảy ra việc lấn chiếm hệ thống thoát nước, làm tăng áp lực thoát nước lên toàn hệ thống thoát nước của thành phố, vốn chưa đáp ứng được nhu cầu thoát nước cho thành phố trong thời gian qua.
Về vấn đề đại biểu nêu, lãnh đạo UBND TP HCM cho biết, đang đẩy nhanh tiến độ các dự án chống ngập do triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng. Trong đó có dự án giải quyết ngập do triều theo hình thức đối tác công tư, gồm xây 6 Cống kiểm soát triều quy mô lớn (Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định). Ngoài ra, một dự án đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh (giai đoạn 1, dài 7,81km đê xung yếu) cũng được triển khai nhanh (hiện đạt 70%).
Thành phố cũng huy động các dự án đầu tư vốn ODA để giải quyết vấn đề ngập kinh niên của thành phố. Trong số này có dự án hỗ trợ kỹ thuật chống ngập nước sử dụng vốn ODA của Chính phủ Hà Lan (dự án đã kết thúc vào tháng 12/2013); Dự án hỗ trợ kỹ thuật rà soát nghiên cứu khả thi và lập thiết kế chi tiết Cống kiểm soát triều Tân Thuận; Tiểu dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP HCM (đã hoàn thành 100% công tác giải ngân, quyết toán và thanh lý hợp đồng) và Dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP HCM.
Cùng ngày (17/4), ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM đã trình bày tờ trình của Ban Thường vụ Thành ủy về giải quyết thông tin phản ánh liên quan đến các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước tính đến hết quý I năm 2018. Trong số này, Thành ủy TP HCM cho biết có 27,3% khiếu nại về hành vi vi phạm về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo và 63,6% thông tin phản ánh hành vi vi phạm thực hiện chức trách công vụ do việc chậm giải quyết những kiến nghị, bức xúc của nhân dân. Thành phố đã lập tổ công tác (số 1374) để rà soát, xác định, xử lý 55 thông tin phản ánh có cơ sở; lập 5 đoàn giám sát tại 8 cơ quan, đơn vị để giám sát việc chỉ đạo, xử lý. |