Áp lực đè lên trứng gia cầm

Thanh Giang 17/04/2018 08:00

Theo Tổng cục Thống kê, cuối năm 2017, tổng đàn gia cầm trên cả nước có 385,5 triệu con. Đến hết quý I/2018, tổng đàn gia cầm của cả nước đã tăng thêm 6,6%. Sản lượng trứng gia cầm tăng mạnh qua các năm trong giai đoạn từ 2010-2017.

Cụ thể: năm 2010 cả nước sản xuất được 6,3 tỷ quả, năm 2011 là 7 tỷ quả, năm 2013 là 7,8 tỷ quả, năm 2015 là 8,9 tỷ quả, và năm 2017 là 10,6 tỷ quả trứng gia cầm các loại. Mặc dù thị trường tăng về nhu cầu nhưng tốc độ tăng trưởng đàn nhanh làm gia tăng áp lực cạnh tranh của các sản phẩm trứng thương phẩm.

Với sản lượng sản xuất trứng gia cầm tại thị trường trong nước hiện tại, tỉ lệ tiêu thụ bình quân tính trên đầu người đang là 110,8 quả/người/năm, trước đó tỉ lệ chỉ đạt dưới 100 quả/người/năm.

Thế nhưng, theo chia sẻ của doanh nghiệp trong ngành, ngành trứng gia cầm vẫn đang vật lộn với khó khăn. Trứng gia cầm không mang lại lợi nhuận nhiều cho người chăn nuôi, đặc biệt trong những năm gần đây giá trứng liên tục “giậm chân tại chỗ”. Ghi nhận từ thực tế của phóng viên cho thấy, giá trứng gà công nghiệp bán lẻ trên thị trường Thành phố Hồ Chí Minh thời điểm này dao động ở mức từ 2.000 - 2.800 đồng/quả, tùy theo kích cỡ. Cụ thể, trứng gà ta từ 3.500 - 4.000 đồng/quả; trứng vịt từ 3.000 - 3.500 đồng/quả; trứng cút là 5.000 đồng/chục, thậm chí có thời điểm trứng cút bán với giá cực thấp, 20.000 đồng/100 quả. Với mức giá bán này, người tiêu dùng được hưởng lợi còn người chăn nuôi và người bán lẻ không lời được bao nhiêu. Trong khi đó, thời gian qua các loại thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, tăng theo vật giá trên thị trường.

Gần đây nhiều ý kiến quan ngại về thị trường trứng gia cầm trong nước khi có quyết định mở cửa cho trứng gia cầm ngoại nhập. Theo Thông tư 04 của Bộ Công thương, từ ngày 17/5/2018, các mặt hàng trứng gia cầm thương phẩm không có phôi nhập khẩu có xuất xứ từ các nước khu vực ASSEAN vào thị trường trong nước không còn áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu. Bộ Công thương yêu cầu các mặt hàng trứng gia cầm thương phẩm gồm trứng gà, trứng vịt, trứng ngan và các loại trứng khác phải có chứng nhận xuất xứ theo mẫu D như quy định mới được hưởng thuế quan theo Thông tư.

Bộ Công thương cho rằng, việc xoá bỏ hạn ngạch thuế quan này dựa trên việc thực hiện theo Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN. Theo quy định, nhập khẩu trứng từ các nước ASEAN không nằm trong phạm vi điều chỉnh của văn bản về việc công bố lượng hạn ngạch thuế quan và quy định nguyên tắc điều hành hạn ngạch thuế quan hàng năm của mặt hàng trứng gia cầm thương phẩm. Từ giữa tháng 4 đến 31/12/2017, Việt Nam được nhập khẩu 600.612 quả trứng theo hạn ngạch thuế quan. Trong năm 2018, Bộ Công Thương ban hành quy định hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với các loại trứng gà, trứng vịt, trứng ngan thương phẩm không có phôi khoảng 630.636 quả trứng. Đối với mặt hàng trứng gia cầm, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu trứng gia cầm được phân giao cho thương nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu.

Trong khi hoạt động sản xuất chăn nuôi gia cầm tại thị trường trong nước khá dồi dào, thậm chí có một số thời điểm rơi vào tình trạng cung lớn hơn cầu, vì vậy bỏ hạn ngạch thuế quan cho trứng thương phẩm nhập khẩu có xuất xứ từ các nước ASEAN từ năm 2018 sẽ gây áp lực không nhỏ cho ngành trứng gia cầm trong nước. Tuy nhiên, cam kết trong hội nhập khu vực không tránh khỏi việc mở cửa thị trường cho các mặt hàng. Bài toán cần giải quyết hiện nay cho ngành chăn nuôi, làm sao để đảm bảo và nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm trứng nội địa. Yêu cầu đặt ra là mạnh dạn mở rộng chăn nuôi dựa trên những ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất. Từ đó kéo giảm chi phí đầu vào, tăng chất lượng sản phẩm để ổn định và phát triển tốt đầu ra.

Thanh Giang