Mỹ ngỏ ý trở lại TPP
Tổng thống Mỹ - ông Trump vừa yêu cầu các cố vấn cấp cao nghiên cứu và cân nhắc chuyện quay lại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP hay TPP-11). Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, việc Mỹ rút khỏi TPP ngay khi Hiệp định này chuẩn bị được ký kết là một bất lợi lớn cho tất cả các quốc gia tham gia Hiệp định này.
Lý do để ông Trump đưa ra quyết định quay trở lại TPP -11 hay CPTPP, được giới chuyên gia nêu lên, là do ông chịu nhiều áp lực từ các bang mạnh về nông nghiệp cũng như các nhà xuất khẩu lớn. Mặt khác, với thị trường thế giới, Mỹ đã phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề về thương mại cả song phương và đa phương bao gồm ý định rút khỏi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), đòi đàm phán lại hiệp định song phương với Hàn Quốc (KORUS) và mới nhất là căng thẳng thương mại với Trung Quốc.
Trước đó, đầu năm 2017, ngay sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Trump đã tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP) khi mà chỉ còn một thời gian ngắn nữa, Hiệp định này sẽ chính thức được ký kết.
Kể từ khi Mỹ rút khỏi TPP, 11 quốc gia khác đã tiến hành các cuộc đàm phán riêng, trong đó loại bỏ các chương, điều khoản về đầu tư, mua sắm chính phủ và sở hữu trí tuệ - những mảng chính mà Washington phản đối dưới thời Trump. Một hiệp định mới với tên gọi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau đó đã được ký kết tại Chile hồi đầu tháng 3 vừa qua.
TPP đã phải trì hoãn mất một thời gian khá dài vì động thái rút khỏi TPP của vị Tổng thống Mỹ. Tất cả các kế hoạch, chủ trương của một TPP tiến bộ mang tính chất toàn diện trước đó hầu như trở thành vô nghĩa khi Mỹ không còn hiện diện.
Đối với riêng Việt Nam, việc Mỹ rút khỏi TPP cũng là một cú sốc khi chúng ta đã đặt ra rất nhiều kỳ vọng vào TPP – một Hiệp định Thương mại tự do được coi là lớn nhất từ trước đến nay. Và Mỹ là một trong những thành viên của Hiệp định này. Mỹ từ lâu đã là một đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, việc TPP -11 (hay CPTPP) được khởi động lại và vừa được ký kế hôm mùng 8- 3 vừa qua tại Chile, tiếp tục mở ra cho nền kinh tế Việt Nam những cơ hội mới. Và mặc dù không có Mỹ, CPTPP cũng được dự báo sẽ mang lại cho Việt Nam không ít lợi ích, đặc biệt là về tăng trưởng kinh tế.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, dù Mỹ rút khỏi TPP, đối với Việt Nam, điều này cũng không quá ảnh hưởng. Là bởi, về cơ bản, khi Việt Nam đang tham gia các Hiệp định Thương mại tự do, chúng ta đã có cả một quá trình chuẩn bị về thể chế, về những cải cách trong môi trường kinh doanh… do đó, về cơ bản, khi chuẩn bị cho TPP thì quá trình này đã thúc đẩy lợi ích rất nhiều cho nền kinh tế của nước nhà. Và chính trong quá trình chuẩn bị đó, Việt Nam đã rất chủ động để có thể sẵn sàng hội nhập. Nên, TPP mất đi không phải là cú sốc quá lớn đối với Việt Nam.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thời gian qua, quá trình chuẩn bị để tham gia các FTA cũng như tham gia CPTPP, chúng ta đã và đang nhìn thấy nhiều cơ hội về mở rộng thị trường, để các doanh nghiệp Việt và người Việt tiếp cận cách phát triển mới. Đó là phát triển không phải chỉ dựa trên những nền tảng cũ, những cái có sẵn lợi thế (như tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ…) mà bước sang giai đoạn phát triển mới (dựa trên các nhân tố về đổi mới công nghệ, sáng tạo, hệ thống quản trị mới… ) để đưa nền kinh tế phát triển ở một trình độ cao hơn, phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
TS Lê Đăng Doanh nhận định, nhìn một cách khách quan, thời điểm này vẫn còn quá sớm để nói CPTPP sẽ ra sao hay TPP sẽ hồi sinh khi Mỹ quay trở lại, song vẫn không thể phủ nhận rằng, thông tin Mỹ đang xem xét quay trở lại CPTPP thực sự là một tin vui đối với 11 quốc gia đang tham gia CPTPP. Với Việt Nam, việc Mỹ quay lại CPTPP sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội hơn về cả quan hệ thương mại cũng như vấn đề cải cách thể chế cho môi trường kinh doanh.