Không gian đô thị trong lòng đất: Từ ý tưởng tới thực tế
Thành phố Hồ Chí Minh đang quy hoạch không gian đô thị ngầm ở dưới lòng đất tại khu vực trung tâm. Xuất phát từ hệ thống nhà ga metro Bến Thành, không gian đô thị ngầm dự kiến sẽ được mở rộng ra các khu vực khác, với diện tích khoảng 950 ha trong quy hoạch tới năm 2050. Sau đó phát triển thêm ở khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2) và khu sân bay Tân Sơn Nhất (quận Phú Nhuận).
Nếu Đề án này hoàn thành, dưới lòng đất ở TP HCM sẽ có thêm một thành phố hiện đại với nhiều hạ tầng tiện nghi và hữu ích.
Ông Nguyễn Thanh Nhã- giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP HCM cho biết, tại thời điểm này, quy hoạch không gian đô thị ngầm mới bắt đầu lên ý tưởng hình thành. Dự kiến, trong năm 2019 tới, đơn vị này phải hoàn thành báo cáo chi tiết về quy hoạch không gian đô thị ngầm có tầm nhìn năm 2050 để lãnh đạo thành phố xem xét, báo cáo Chính phủ. Hiện nhà ga metro trung tâm chợ Bến Thành đã xây dựng xong, với thiết kế ngầm dự kiến sâu tới 40 mét, có 4 tầng được chia ra làm nhà ga metro, phố đi bộ, trung tâm thương mại, nhà chờ, đường kết nối... Ngoài nhà ga sẽ đưa vào khai thác năm 2020, các công trình khác sẽ gấp rút được hoàn thành để kết nối. Dự kiến, tổng diện tích khu vực này là 150 ha. Từ khu vực ngầm đã được xây dựng này, Sở Quy hoạch kiến trúc sẽ xem xét để phát triển thêm một không gian đô thị ngầm nhằm kết nối nhiều địa điểm khác nhau, trên mặt đất và dưới lòng đất với diện tích khoảng 950 ha.
Nếu hoàn thành, các công trình ngầm không chỉ làm tăng diện tích khai thác đô thị ở trung tâm thành phố mà còn giúp giảm đáng kể áp lực giao thông trên mặt đất, tạo cảnh quan hiện đại, đa chiều cho người dân và khách du lịch lựa chọn. Và nếu không gian đô thị này được hoàn thành, đó sẽ là một thành phố thứ 2 nằm sâu trong lòng đất hiện hữu với đầy đủ đường metro, đường xe cơ giới, đường đi bộ hay trung tâm thương mại, mua sắm và đường kết nối với mặt đất.
Theo TS Võ Kim Cương- nguyên phó kiến trúc sư trưởng TP HCM, việc quy hoạch không gian đô thị ngầm ở TP HCM là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó khăn, cần có định hướng nhất quán. Cụ thể, không riêng gì khu vực trung tâm chợ Bến Thành (quận 1) mà nhiều khu vực khác, không gian ngầm phải đi liền, bám sát với hệ thống ga metro. Ngoài tuyến metro số 1 có khoảng hơn 3 km đi ngầm, thuận lợi để mở rộng không gian ngầm thì tuyến metro số 2 có tới gần 8 km cũng đi ngầm, qua nhiều quận trung tâm như quận 1, 3, Phú Nhuận, 10, Tân Bình... nên phát triển không gian ngầm đi kèm với hệ thống đường metro là phù hợp, tiết kiệm chi phí.
Mặc dù viễn cảnh về một thành phố ngầm là vô cùng tốt đẹp nhưng thực tế, ngoài hệ thống nhà ga metro, công trình đi bộ và bến bãi, trung tâm thương mại đi kèm của dự án này, không gian đô thị ngầm ở TP HCM chưa có quy hoạch gì. Thực tế trong lòng đất ở TP HCM, nhất là khu vực trung tâm lại vướng rất nhiều các công trình ngầm, thậm chí có công trình sâu cả vài chục mét. Đó là các công trình đường ống nước, hệ thống nước thải, đường dây điện, cáp, internet hay các công trình cao tầng hiện hữu... Thậm chí, ở trung tâm thành phố còn có cả hệ thống đường ống cống nước ngầm được xây dựng từ thời trước giải phóng. Tất cả các công trình này lại không thuộc một đơn vị quản lý mà chia ra làm nhiều đơn vị khác nhau, phát triển theo quy hoạch khác nhau.
Theo ông Hà Ngọc Trường, chuyên gia phát triển đô thị, nếu chưa nắm rõ chi tiết các công trình ngầm thì việc quy hoạch và xây dựng không gian đô thị ngầm là không thể. Thậm chí, ngay cả khi nắm rõ rồi, việc quy hoạch sao cho thuận lợi, đáp ứng đúng nhu cầu sử dụng cũng là điều hết sức khó khăn. Không gian ngầm nhưng phải tiện lợi, có tính kết nối cao với không gian mặt đất mới thu hút được người dân tham gia. Đặc biệt, việc xây dựng và hình thành phải an toàn tuyệt đối, đảm bảo tính bền vững khi khai thác.
Dù mới manh nha hình thành nhưng nếu không có quy hoạch chi tiết, bài bản và khoa học, không gian ngầm ở thành phố rất dễ rơi vào tình trạng lộn xộn quy hoạch như mặt đất. Vì vậy, nếu cần, có thể thuê hẳn những chuyên gia hạ tầng đô thị giỏi trên thế giới để đảm bảo các công trình ngầm được thiết kế hài hòa, khoa học và bền vững với môi trường xung quanh khi đưa vào khai thác, sử dụng.