Saudi Arabia chính thức ra mắt rạp chiếu phim đầu tiên sau 35 năm
Phóng viên TTXVN tại Trung Đông đưa tin, ngày 18/4, Saudi Arabia đã chính thức ra mắt rạp chiếu phim thương mại đầu tiên ở thủ đô Riyadh bằng việc trình chiếu bộ phim bom tấn "Black Panther."
Người dân Saudi Arabia tới dự buổi ra mắt rạp chiếu phim đầu tiên ở Riyadh ngày 18/4. (Nguồn: AFP/TTXVN).
Công ty Đầu tư Giải trí và Phát triển (DIEC), một công ty con của Quỹ Đầu tư Công (PIF) của Saudi Arabia, đã giám sát việc ra mắt rạp chiếu phim đầu tiên với sự hợp tác của hãng giải trí AMC Entertainment của Mỹ.
Theo kế hoạch, AMC sẽ mở khoảng 40 rạp chiếu tại 15 thành phố của Saudi Arabia trong vòng 5 năm tới. Bộ Thông tin Saudi Arabia cũng cho biết từ nay tới năm 2030 sẽ có 350 rạp chiếu phim đi vào hoạt động tại nước này.
Theo Bộ Văn Hóa và Thông tin Saudi Arabia, việc ra mắt rạp chiếu phim là một phần trong chương trình cải cách kinh tế và xã hội của nước này, tầm nhìn đến năm 2030. Đây được xem là một quyết định mang tính bước ngoặt tại Saudi Arabia.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin Saudi Arabia Awwad Alawwad cho rằng: "Sự trở lại của các rạp chiếu phim đã đánh dấu một thời khắc quan trọng trong lịch sử và cuộc sống văn hóa hiện đại cũng như trong sự phát triển của ngành công nghiệp giải trí tại Vương quốc này."
Biểu tượng AMC tại buổi ra mắt rạp chiếu phim đầu tiên ở Riyadh ngày 18/4. (Nguồn: AFP/TTXVN).
Với dân số hơn 30 triệu người và phần lớn trong độ tuổi dưới 25, nhóm khách hàng chủ chốt của các cụm rạp, việc Saudi Arabia cho phép mở cửa trở lại các rạp chiếu phim được cho là tạo cơ hội quan trọng cho các hãng giải trí trên toàn thế giới tiến vào thị trường rộng lớn và nhiều tiềm năng thuộc hạng nhất nhì Trung Đông này.
Vào những năm 1970, tại Saudi Arabia có một số rạp chiếu phim hoạt động, nhưng sau đó đã bị đóng cửa. Năm 2017, Chính phủ Saudi Arabia tuyên bố sẽ bãi bỏ lệnh cấm các rạp chiếu phim hoạt động trong khuôn khổ hàng loạt chương trình cải cách xã hội được triển khai, bao gồm các kế hoạch đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực thể thao và giải trí, hiện đại hóa đất nước, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ theo chủ trương của Thái tử Mohammed bin Salman.
Ngành giải trí được kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế Saudi Arabia. Hồi tháng 2 vừa qua, giới chức Saudi Arabia cũng thông báo sẽ tổ chức hơn 5.000 lễ hội và các buổi hòa nhạc trong năm 2018, gấp đôi so với số sự kiện được phép tổ chức trong năm ngoái, đồng thời tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 64 tỷ USD cho lĩnh vực này trong 10 năm tới.