Hồi sinh bản Vắt

Hoàng Lâm 20/04/2018 13:36

Là một thôn của xã Đồng Bảng (Mai Châu, Hòa Bình), thời gian trước, những căn bệnh lạ đã đẩy người dân bản Vắt vào tình trạng hoang mang, đói nghèo. Nhưng bằng việc đầu tư, ngày nay, bản Vắt đã vươn lên, giảm nghèo nhanh chóng mà cái quan trọng là đã xóa đi những ám ảnh về thần linh và mê tín bấy lâu vây hãm người dân.

Hồi sinh bản Vắt

Đa dạng hóa cây trồng tạo thu nhập, xóa nghèo cho người dân.

Cách đây độ gần 10 năm, Bản Vắt hắt hiu với những mảnh đời, nhà dân và những mái lợp tã tời cùng mưa nắng. Ngày ấy, bản Vắt có khoảng 40 hộ dân, với 200 nhân khẩu nhưng con số nghèo của xã lên đến 50%. Những ngày này, do đói nghèo nên bệnh tật đã bủa vây cả bản. Chỉ có 40 hộ nhưng bản nghèo này ngày ấy còn phải gánh thêm 21 người bị các triệu trứng như câm, điếc, mù, thần kinh, biếu cổ hoành hành. Vì nghèo, vì đói, vì bệnh tật nên ngày ấy mê tín đã trỗi dậy trong bản.

Không rõ từ một suy lý hay một phát ngôn vô căn cứ nào đó đã cho rằng bản Vắt đang bị thần rừng trừng trị. Ngoài đói nghèo, thì những mó nước (người Mường thường gọi những nơi phát sinh nguồn nước tự nhiên là mó nước) ở bản Vắt đã bị thần linh “đánh độc”. Người bản Vắt cứ uống thứ nước ấy sẽ bị các bệnh tật kia bủa vây, cơ thể suy nhược, cái đầu không còn tỉnh táo nữa để mà nghĩ kế làm ăn. Đã nghèo, lại bị mê tín bủa vây nên nhiều người dân bản Vắt ngày ấy đã có suy nghĩ bỏ đất ra đi.

Đứng trước thực tế này, bản Vắt đã được các cấp lãnh đạo “đưa vào tầm ngắm”, đầu tư và có những kế sách để phát triển. Chất lượng nguồn nước tự nhiên trong bản đã được khảo sát và phân tích. Để xóa bỏ những nghi hoặc của dân về nguồn nước, về quan niệm bị “thần linh đánh độc”, một hệ thống nước sạch trị giá 200 triệu đã được đầu tư ngay tại trung tâm xã. Nguồn nước này hoàn thành, đưa vào vận hành và đem lại sự hưởng lợi của phần lớn các hộ dân. Có nước sạch, có sự an tâm, dân đã vui vẻ phần nào để bám bản.

Sau một thời gian khá dài vận động, chuyển giao kiến thức, công nghệ và sự đầu tư, công cuộc trồng rừng với giống tre luồng là chủ yếu đã được nhân rộng khắp toàn bản, đến từng hộ gia đình. Với 70 ha đất trống, trọc được phủ luồng và lên xanh sau đó một thời gian đã đem lại những nguồn thu cơ bản cho người dân. Sau khi đã có nguồn thu cơ bản và ổn định từ những diện tích trồng luồng này, khoanh nuôi rừng tự nhiên cũng đã được đầu tư nhân rộng. Từ sự chủ động nhận khoán, gần 70 ha rừng tự nhiên cũng đã được bảo vệ, chăm sóc và đem lại lợi nhuận cho dân.

Ngày nay, nếu có thời gian tìm lên bản Vắt, trước những gì hiện hữu, câu chuyện đói khổ của các năm trước hẳn sẽ khó có thể thuyết phục bạn. Rừng và thế mạnh rừng đã làm thay đổi cơ bản cuộc sống người dân nơi đây. Chưa đầy 10 năm sau, bằng sự đầu tư và việc xác định mũi nhọn về kinh tế, bản Vắt đã thực sự hồi sinh. Hiện tại, hộ nghèo của bản chỉ còn chưa đầy 10%, hộ đói đã được xóa vĩnh viễn. Nhà dột nhà tạm ở đây bằng các nguồn vốn cũng đã được xóa bỏ hoàn toàn, 100% các hộ gia đình trong bản đã sắm được các phương tiện nghe nhìn và phương tiện để đi lại.

Trước sự đổi thay, bà Lò Thị Sầm cứ bịn rịn trước khi chia tay tôi. Bà bảo, giờ thì người bản Vắt đã yên tâm lắm rồi. Không sợ thần núi, không sợ cái đói nghèo nữa. Trước đây, đói nghèo là không được dậy và không có vốn thôi. Dậy dân xóa nghèo và có vốn đầu tư đúng mục đích cho dân thực tế đã làm hồi sinh bản Vắt.

Hoàng Lâm