Sửa hàng loạt chính sách để gỡ khó đầu tư xây dựng
Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng tổ chức hôm nay, 20/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra hàng loạt cơ chế chính sách, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị nhằm gỡ khó cho lĩnh vực đầu tư xây dựng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nếu tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm đến 32% GDP mà chúng ta không thúc đẩy khâu này thì gặp khó khăn, đất nước không phát triển được. “Nơi nào, tỉnh nào, thành phố nào có nhiều công trình được khởi công, hoàn thành thì tỉnh đó mới phát triển, đất nước mới phát triển”.
Với tinh thần đó, Thủ tướng nhấn mạnh phải tập trung tháo gỡ thể chế pháp luật, nhất là những thủ tục rườm rà, những thái độ vô cảm, vô trách nhiệm của một số cơ quan, cá nhân làm chậm trễ quá trình đầu tư xây dựng. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phát triển đầu tư xây dựng là một yêu cầu, trong đó tháo gỡ, tạo mọi điều kiện cho đầu tư tư nhân, xã hội hóa nguồn lực, với yêu cầu làm theo quy hoạch, bảo đảm an toàn lao động, an toàn công trình. Mặt khác, “đối với chúng ta ngồi trong hội trường này thì phải tăng cường quản lý đầu tư công để chống thất thoát, tham nhũng”.
Thủ tướng nhấn mạnh, quản lý đầu tư công chặt chẽ đồng thời chống phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp là rất quan trọng, là yêu cầu đối với tất cả cán bộ, công chức.
Cho rằng cần lo việc gỡ vướng về thể chế, Thủ tướng nêu thực trạng, hệ thống thể chế chính sách, pháp luật còn chồng chéo với nhiều luật, hơn 100 nghị định, hàng trăm thông tư hướng dẫn, hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức. Hay là sự phức tạp với hơn 45 thủ tục khác nhau trong khâu chuẩn bị đầu mục dự án đưa vào sử dụng, rồi sự không thống nhất giữa các bộ luật.
Một thực trạng nữa là tính kỷ luật hành chính còn lỏng lẻo như không thực hiện đúng quy chế làm việc của Chính phủ, không thực hiện đúng chức năng thẩm định, đùn đẩy, tránh né trách nhiệm, người dân, doanh nghiệp vướng mắc không được bộ, ngành, địa phương tháo gỡ, hướng dẫn thực hiện. Thậm chí, còn tình trạng “ngâm” hồ sơ rất lâu, nhất là đối với dự án đô thị, dự án xây dựng, dự án bất động sản.
Tại Hội nghị, Thủ tướng giao hàng loạt nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, tập trung nhiều vào việc sửa đổi thể chế, chính sách pháp luật.
Trước hết, đối với Bộ Xây dựng, cần hoàn thiện, trình Quốc hội dự án Luật Quản lý phát triển đô thị trong đó làm rõ các nội dung còn vướng mắc hiện nay.
Tiếp tục hoàn thiện dự án Luật sửa 4 Luật: Xây dựng, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản và Quy hoạch đô thị trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 6.
Khẩn trương xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 32 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Nghị định số 37 quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công theo hướng sửa đổi tiêu chí phân loại dự án; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư... Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp theo hướng: Sửa đổi đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư; ngành nghề ưu đãi đầu tư; tiêu chí xác định các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng...
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP về lựa chọn nhà đầu tư theo hướng mở rộng phạm vi chỉ định thầu đối với một số loại quy hoạch xây dựng thuộc đối tượng phải thi tuyển ý tưởng quy hoạch; sửa đổi quy trình, hình thức lựa chọn nhà đầu tư... nhằm khắc phục những bất cập trong lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch vốn đầu tư; quyết định chủ trương đầu tư; công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư...
Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp theo hướng thống nhất về thẩm quyền quyết định đầu tư với pháp luật về xây dựng...
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai theo hướng thống nhất về thời gian chậm triển khai thực hiện dự án bị thu hồi đất giữa Luật Đất đai và Luật Đầu tư; mở rộng các hình thức bảo đảm thực hiện dự án; đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm nghiên cứu, trả lời đúng trọng tâm, nội dung kiến nghị và kịp thời đối với các vướng mắc, kiến nghị thuộc phạm vi quản lý của mình theo hướng các vướng mắc, kiến nghị đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật nhưng do cách hiểu và vận dụng chưa thống nhất thì cần có hướng dẫn cụ thể để áp dụng thống nhất. Các vướng mắc, kiến nghị chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc đã được quy định nhưng còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp thì cần nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, xử lý hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời. Các vướng mắc, kiến nghị phát sinh do hạn chế trong công tác tổ chức thực hiện thì cần kịp thời chấn chỉnh, nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện.
Các văn bản trả lời vướng mắc, kiến nghị phải được gửi đến cá nhân, tổ chức có kiến nghị; đồng thời, gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiệp hội, đăng tải trên Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị.
Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp, gửi đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với các vướng mắc, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp gửi đến qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị; đăng tải các nội dung trả lời vướng mắc, kiến nghị ngay sau khi nhận được văn bản trả lời của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Sau hội nghị này, Văn phòng Chính phủ chủ trì xây dựng, hoàn thiện Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng, Thủ tướng chỉ đạo.