Cơ quan cạnh tranh ‘không có cửa’ để lạm quyền

N.Khánh 20/04/2018 17:18

Trước lo ngại nếu bổ sung Ủy ban Cạnh tranh quốc gia thực hiện cùng lúc làm 2 chức năng: Quản lý nhà nước và xét xử các vụ việc cạnh tranh sẽ dẫn đến lạm quyền, Bộ Công Thương khẳng định, sẽ không có chuyện cơ quan cạnh tranh lạm quyền vì phải tuân thủ luật.

Cơ quan cạnh tranh ‘không có cửa’ để lạm quyền

Hôm nay, Ủy ban Kinh tế của QH tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp vào Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Đó là những ý kiến tại hội thảo “Lấy ý kiến hoàn thiện Luật Cạnh tranh (sửa đổi)” do Ủy ban Kinh tế của QH tổ chức diễn ra hôm nay, 20/4.

Giới thiệu về dự thảo Luật được chỉnh lý, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, trong các nội dung chỉnh lý, nội dung quan trọng nhất là bổ sung chương VII - Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, đảm bảo tính độc lập và hiệu quả hoạt động của Ủy ban này.

Chương này được bổ sung do nhiều ĐBQH hoài nghi về tính hiệu lực, hiệu quả trong thực thi luật của cơ quan cạnh tranh trong tương lai khi dự thảo Luật chưa quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan này. Trong khi theo Luật Cạnh tranh, cơ quan cạnh tranh là cơ quan hành chính bán tư pháp, có chức năng tiến hành các hoạt động tố tụng cạnh tranh một cách độc lập.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, dự thảo Luật đã bảo đảm cho Ủy ban Cạnh tranh quốc gia thực hiện cùng lúc làm 2 chức năng: quản lý nhà nước và xét xử các vụ việc cạnh tranh nên được bảo đảm sự độc lập (15 ủy viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, không phải nghe lệnh bất kỳ ai khi xét xử, chỉ tuân theo pháp luật).

“Mọi quyết định của cơ quan cạnh tranh đều có thể bị kiện ra tòa nên tôi phủ nhận bất kỳ ý kiến nào cho rằng, cơ quan cạnh tranh có thể lạm quyền” - Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Với quy định xin phép tập trung kinh tế (mua bán, sáp nhập…) cũng nhiều đại biểu cho ý kiến. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội thống kê được DN cần 9 loại giấy tờ, thời gian kéo dài xử lý yêu cầu khoảng 2 tháng (có thể đến 1 năm). Bày tỏ phản đối quy định trên vì cho là “cản trở, giống như giấy phép con trá hình đối với DN” trong dự thảo Luật, ông Nguyễn Ngọc Tuấn đặt câu hỏi, “2 quy định này là lặp lại cơ chế xin cho. Tại sao không quy định hình thức hậu kiểm đối với các hành vi tập trung kinh tế?”.

Không đồng tình, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, cùng với sự độc lập, mọi hoạt động của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đều được thực hiện theo khuôn khổ pháp luật nên không có chuyện “giấy phép con”.

Trước lo ngại bỏ lọt các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong dự thảo Luật, ông Khánh lý giải, dự thảo Luật chỉ quy định một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh chưa được quy định ở luật nào nhưng có thể ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh của Việt Nam. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác sẽ được giải quyết tại tòa án nên không có sự xung đột với các luật khác.

N.Khánh