Không thể thờ ơ
Môi trường số hóa đang ngày càng phổ biến, và nền kinh tế Việt Nam đương nhiên sẽ phải cuốn theo xu hướng này. Tuy nhiên, không ai có thể khẳng định được tính an toàn của môi trường số mà mình đang ở trong đó. Và chỉ khi nào bị tấn công, doanh nghiệp mới biết là mình đã bị xâm nhập.
Càng hiện đại, những rủi ro về mất an toàn thông tin càng lớn.
Theo ông Nguyễn Trọng Đường- giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) – Bộ TTTT, Việt Nam đang đứng trong top đầu những nước có mức độ lây nhiễm mã độc lớn nhất toàn cầu, đứng thứ 17 thế giới về độ nguy hiểm khi online trực tuyến. Số liệu thống kê cho hay, trong năm 2017, chỉ tính riêng các website ở Việt Nam bị tấn công thì đã có 13.382 sự cố, trong đó tấn công mã độc có 5.000, thay đổi giao diện hơn 4.000, lừa đảo hơn 2.000. Trong 2 tháng đầu năm 2018 có đến 1.500 cuộc tấn công vào các website của Việt Nam. Những con số nói trên cho thấy, sự mất an toàn trong an ninh mạng đang thực sự gây ra những trở ngại lớn trong hoạt động của các DN Việt Nam. Và càng hiện đại, những rủi ro về mất an toàn thông tin càng lớn.
Ông Đường nêu vấn đề, thói quen sử dụng phần mềm ở Việt Nam thường dùng lậu là phổ biến. Và đây là nguyên nhân chính của các cuộc tấn công mạng. Nó trả lời cho câu hỏi: Tại sao, các phần mềm “bẻ khóa” lại có nhiều và phổ biến tại Việt Nam đến như vậy? Trong bối cảnh hạn hẹp về tài chính, người dân Việt Nam đã hình thành thói quen sử dụng các phần mềm bất hợp pháp. Đáng tiếc nhà quản lý vẫn chưa có hình thức răn đe nào thật nghiêm khắc để xử phạt những hành vi này, do đó, câu chuyện mất an toàn an ninh mạng vẫn còn là mối lo đối với cộng đồng DN.
Cũng theo số liệu mà VNCERT khảo sát được, mức độ an toàn thông tin trong các DN hiện nay đang ở một con số rất thấp, kể cả khu vực ngân hàng tài chính, đáng lẽ phải có độ an toàn cao nhất thì lại có tới 60% không đảm bảo an toàn. Các DN nhỏ và vừa chỉ đạt khoảng 30%. Theo ông Hoàng Quang Phòng - phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc mất an toàn thông tin sẽ khiến cho các DN mất đi bản quyền, và điều này có thể trở thành tác nhân khiến DN phá sản.
Còn theo ông Lê Ngọc Lâm- phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, việc vi phạm bản quyền, mất an toàn thông tin có ảnh hưởng rất lớn đến không chỉ DN mà còn tác động đến cả nền kinh tế. Vì thế, không thể thờ ơ.