Doanh nghiệp nhỏ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Đối với nền kinh tế Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang được dự báo sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển, đưa đất nước dần tiệm cận tới trình độ công nghệ tiên tiến như nhiều quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới. Song bên cạnh đó, cũng đặt ra rất nhiều thách thức trong bối cảnh khu vực kinh tế tư nhân hiện nay đang chiếm đa số về lực lượng nhưng chưa thực sự trở thành động lực để phát triển kinh tế.
Khảo sát 2.000 doanh nghiệp (DN) ở Hà Nội cho thấy, 85% thể hiện sự quan tâm này, có 55% DN đánh giá cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam; 23% đánh giá tác động bình thường; 11% đánh giá không tác động lắm và 10% đánh giá không tác động; 6% không biết. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn... chưa biết làm gì và chưa hành động.
Ông Hồ Anh Bình- DN tư vấn dịch vụ Miền Nam cho biết, người lao động ở Khánh Hòa trình độ tin học rất thấp, khi một vài nhân viên vào thử việc, soạn thảo một vài văn bản cũng rất vất vả. Với thời kỳ hội nhập thì rất cần công nghệ thông tin và tiếng Anh, nên vấn đề nhân sự như vậy thì hội nhập là rất khó.
Ông Lương Phúc Ánh- Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sao Mai Anh (Khánh Hòa) chia sẻ: “Hiện nay tìm một người quản đốc có trình độ là rất khó, chúng tôi phải thuê ở TPHCM ra. Tìm một giám đốc điều hành, kế toán trưởng cũng là một sự khó khăn. Bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà nhân lực không có thì rất khó”.
Theo TS Lê Đăng Doanh, “chúng ta đừng nghĩ cuộc cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng công nghiệp cao xa, mà hãy tận dụng tất cả mọi khả năng để kết nối và hãy cải thiện tình hình của chúng ta. Liên kết theo chuỗi giá trị, vận dụng công nghệ thông tin, DN kết hợp với nông dân, viện trường, DN chế biến, xuất khẩu, ngân hàng”.
Vẫn theo ông Doanh, cần phải đổi mới tư duy, từ bỏ kinh doanh theo thói quen, chạy theo số lượng, chuyển sang sản xuất theo tín hiệu thị trường, hợp đồng, có khách hàng, dựa trên tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin. Kết nối, giữ vững thị trường trong nước, xuất khẩu sang Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, châu Âu, Trung Đông tránh chỉ phụ thuộc vào thị trường duy nhất.
Nhìn chung cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 muốn làm được và đi vào cuộc sống phải thông qua DN. Ông Trần Sơn Hải- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng thừa nhận, 15.000 DN của Khánh Hòa thì hầu hết là DN nhỏ và siêu nhỏ, chủ yếu là phục vụ trong lĩnh vực dịch vụ nên ứng dụng khoa học công nghệ vẫn còn rất mờ. Bài toán nguồn nhân lực thực sự là vấn đề rất khó khăn. Còn theo ông Nguyễn Văn Yên- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Chúng ta nên nghĩ đơn giản của cách mạng công nghiệp 4.0 là làm thế nào để các hiệp hội, các DN gắn kết được với nhau bằng một cơ sở dữ liệu chung, qua đó các DN đến với nhau, tìm hiểu và liên kết để làm gia tăng giá trị.
Cuộc cánh mạng công nghiệp 4.0 đã hiện hữu, dù muốn hay không thì nó vẫn diễn ra. Không hội nhập thì sẽ bị đào thải, do đó chúng ta phải “biết bơi”, chúng ta phải có trách nhiệm hơn với DN của mình cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng- một vị đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khuyến cáo.