Tự tung tự tác
Câu chuyện một xã ở Thanh Hóa buộc người nông dân chăn trâu bò phải đóng phí cỏ, nghe như đùa nhưng lại là thật. Theo quy định lạ lùng ở đây thì người dân phải đóng 100.000 đồng phí đồng cỏ và 300.000 đồng tiền thế chấp mỗi năm mới được chăn trâu bò ngoài đồng.
Trên cánh đồng làng.
Tuy rằng lãnh đạo địa phương đã chỉ đạo hợp tác xã dừng việc thu tiền thế chấp và phí thả trâu bò, trả tiền lại cho dân nhưng vẫn để lại dư âm xấu. Và, nhìn rộng ra, có nhiều nơi tự đặt ra các loại phí thậm vô lý- đó chính là cách hành xử tự tung tự tác, sai luật.
Cánh đồng là của chung của bà con trong thôn xóm, từ ngàn đời nay vẫn vậy. Người nông dân vẫn tự hào về cánh đồng làng mình, cho dù đồng làng mình ấy có nghèo đi chăng nữa. Trong ký ức của rất nhiều người, tuổi thơ gắn liền với cánh đồng. Đó là những buổi chiều hè lộng gió, những ngày đi cất vó te, bắt cua mò ốc. Ngay cả trong ngày đông tháng giá lạnh căm căm, cánh đồng vắng lặng thì vẫn khắc vào trái tim người ta một sự thương cảm. Thật thú vị khi được cưỡi trâu thong thả trên cánh đồng làng. Hình ảnh em bé chăn trâu thổi sáo đã đi vào tranh dân gian, kể cả cho tới nay khi máy đã cày thay trâu đi chăng nữa thì hình ảnh đó vẫn không phai mờ.
Vẫn biết rằng phải bảo vệ cánh đồng làng, không được xâm hại nó, nhưng không thể vì thế mà bắt người nuôi trâu bò trong xã phải đóng tiền mới được cho chúng ra đồng. Không ra đồng gặm cỏ thì chúng biết kiếm thức ăn ở đâu, chẳng lẽ lại nhốt chúng trong chuồng rồi cắt cỏ mua rơm về cho chúng ăn ngày này sang ngày khác. Người dân bị tước quyền thụ hưởng cánh đồng chung của làng (nếu không chịu nộp tiền) và trâu bò vì thế cũng chịu chung số phận với chủ của mình: bị tước quyền gặm cỏ.
Trở lại với việc phu phí trâu bò tréo nghoe kia, xã nọ có hơn 40 con trâu, bò. Hợp tác xã đã thu phí của 19 hộ, các hộ còn lại đang rục rịch kiếm tiền nộp để có chỗ cho trâu bò gặm cỏ. Cũng còn phải kể thêm rằng, ngoài “thuế gặm cỏ” của trâu bò, thì hộ nào có máy gặt, máy lồng phải đóng 5 triệu đồng mỗi năm cho hợp tác xã. Không thể mang chuyện quy ước đồng điền của làng từ xưa để hôm nay đem ra bổ vào đầu dân. Quy ước, hương ước là tốt, nó được coi như “bộ luật” của làng, nhưng phải áp dụng những điều khoản tiến bộ chứ không thể lợi dụng nó, dựa vào nó để cán bộ địa phương “hành” dân.
Nói chuyện quy ước, hương ước, kể cả việc hệ trọng hơn là nghị quyết của hội đồng nhân dân xã- không hẳn lúc nào cũng đúng. Nó sai từ gốc vấn đề khi không đứng về phía người dân, không coi quyền lợi hợp pháp của người dân là trọng, khi không có sự sẻ chia nỗi vất vả của người nông dân. Tệ hơn, nó lại coi người dân như một đối tượng để tận thu, cho dù khoản tiền thu được có sử dụng vào việc chung đi chăng nữa. Những người có chức có quyền ở làng xã cái lẽ ra phải đồng cam cộng khổ với người nông dân xã mình, đại diện và bảo vệ quyền lợi cho người dân thì lại quay sang “bóp nặn” người dân. Con người sống ở trên đời sao lại làm thế. Tự tung tự tác, tự cho mình cái quyền đặt ra lệ làng lệ xã ẩn mình dưới danh nghĩa tập thể- đó là điều không thể chấp nhận. Trong khi Chính phủ đang hết sức nỗ lực cắt giảm nhiều loại thuế phí để người dân, doanh nghiệp dễ thở, để thổi bùng lên tinh thần của toàn xã hội thì ở dưới lại tùy tiện đặt ra các loại phí, thì không thể nói khác hơn đó là điều sai trái.
Nhân câu chuyện thu phí trâu bò, máy công cụ sản xuất ở một xã tại Thanh Hóa, lại cũng bức xúc về nhưng loại phí vô cùng tùy tiện ở nhiều nơi khác. Ở nhiều làng, người ta tự dựng lên barie chắn đường chỉ bằng một... cây tre, có người ngồi gác hẳn hoi. Bất cứ chiếc ôtô nào vào làng cũng phải nộp tiền mãi lộ. Người ta lấy lý do thu tiền là để có kinh phí tu sửa, làm mới đường làng. Ngoại trừ những làng cổ được làm du lịch, khi khách tham quan đến phải mua vé, thì hầu hết tất cả các làng trên đất nước này đều... mong có khách tới chơi. Khách đến, theo tập tục, chủ nhà (ở đây là làng xóm) ân cần đón tiếp, chứ không phải là buộc khách phải xùy tiền ra. Vào làng, đi qua làng phải nộp tiền, khiến người ta bực bõ, “sợ” về làng.
Thu thuế đối với người tham gia giao thông đã có luật, có quy định của Nhà nước. Ở đâu được phép thu, mức phí bao nhiêu đã có quy định rõ ràng. Làng xã không được tự ý đặt ra phí đường giao thông, nếu có sẽ là phạm luật. Nhưng người ta vẫn thu, là bởi nấp dưới danh nghĩa đã được hội đồng nhân dân cho phép, dùng tiền đó vào việc công. Tiếc thay, số tiền kiếm được không phải là nhiều nhưng hậu quả là rất lớn. Và, cũng không thể nói chắc rằng số tiền thu được ấy đã được dành cho việc chung của xóm làng. Trở lại với việc thu phí trâu bò, máy công cụ sản xuất ở Thanh Hóa: với 40 con trâu bò, mỗi con thu 100.000 đồng/năm, nếu “tận thu” thì cũng chỉ được 4 triệu đồng. Số tiền ấy có đáng là bao với cả một làng. Cũng không thể dùng nó “tu bổ” lại cánh đồng, hay có khi chỉ đủ cho một bữa nhậu của quan xã cũng chưa biết chừng.
Để làng xã có tiền chi phí, phát triển thì có nhiều cách lắm, nào chỉ dựa vào sự tận thu. Quan trọng là các “quan xã” được người dân bầu lên phải nghĩ ra cách phát triển sản xuất, chứ không phải là đêm ngày vò đầu dứt tai nghĩ cách tận thu.