Đẩy mạnh phòng chống tác hại của thuốc lá
Thống kê cho thấy hơn 45% nam giới tại Việt Nam hút thuốc lá, đây chính là nguyên nhân gây ra gánh nặng kinh tế và bệnh tật cho xã hội. Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị “Cung cấp thông tin và truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá” do Bộ TT&TT; phối hợp cùng Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) vừa tổ chức.
Đề xuất tăng thuế
Theo BS Phạm Thị Hoàng Anh - Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam: có đến 45,3% nam giới của Việt Nam hút thuốc lá, trong đó có một tỷ lệ đáng kể người nghèo hút thuốc. Thực tế, những hộ gia đình nghèo chi đến 5,3% thu nhập cho thuốc lá. Ngoài ra, một vấn đề đáng lo ngại là phần lớn những người hút thuốc ở Việt Nam bắt đầu hút thuốc từ khi còn rất trẻ. Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015, có tới 56% người hút thuốc ở Việt Nam bắt đầu hút thuốc trước 20 tuổi.
Trong khi việc sử dụng thuốc lá và những hệ lụy của nó đang không ngừng gia tăng thì giá thuốc lá lại đang có xu hướng giảm đi. Tại Việt Nam, giai đoạn từ năm 2005-2016, trong khi thu nhập theo đầu người tăng gấp 4,7 lần thì giá thuốc lá chỉ tăng 2,2 lần.
Theo BS Nguyễn Tuấn Lâm - đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cần phải có giải pháp mạnh là tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá. Theo ước tính của WHO và Ngân hàng Thế giới, khi tăng thuế khoảng 10% đối với thuốc lá thì sẽ góp phần giảm tiêu dùng khoảng 4% ở các nước phát triển, 5% ở các nước đang phát triển; đặc biệt tỷ lệ hút thuốc ở người nghèo và trẻ em sẽ giảm rất nhiều.
Ông Võ Thanh Lâm- Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TT&TT) cũng đồng quan điểm: Thuế trong giá bán lẻ của mặt hàng thuốc lá tại Việt Nam đang rất thấp (trung bình thế giới khoảng 58,6%, Việt Nam chỉ 35%), việc tăng thuế sẽ hạn chế được số người tiêu dùng, giảm thiểu bệnh tật, bên cạnh đó tăng thêm ngân sách từ thuế cho Chính phủ. Vì vậy, cần tăng thuế thường xuyên trong những năm tới với mức tăng cao hơn lạm phát và tăng trưởng GDP; đồng thời Chính phủ cần sớm phê chuẩn nghị định loại trừ buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá.
Đề xuất giải pháp, BS Phan Thị Hải- Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cho rằng, để giúp Việt Nam đến gần hơn với mục tiêu giảm tỷ lệ tiêu dùng thuốc lá vào năm 2020, Chính phủ cần tăng mức thu thuế tuyệt đối ít nhất lên 2.000 đồng/bao thuốc lá vào 1-1-2020 và có điều chỉnh mức thuế tuyệt đối này dựa vào CPI trong các năm tiếp theo để đảm bảo giá thuốc lá không quá thấp so với mức tăng thu nhập.
Tăng cường truyền thông
Mới đây, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá của Bộ Y tế cũng vừa cho biết, từ tháng 4/2018, Quỹ triển khai chiến dịch phát sóng thông điệp truyền thông phòng chống tác hại của thuốc lá trên Đài Truyền hình Việt Nam. Chiến dịch sử dụng thông điệp với hình ảnh mô tả các bệnh liên quan tới sử dụng thuốc lá, các thông tin về các địa điểm cấm hút thuốc theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Chiến dịch này sẽ kết thúc vào tháng 8/2018 với 4 thông điệp được phát xen kẽ. 3 thông điệp về không hút thuốc lá nơi làm việc; không hút thuốc lá trong nhà hàng; không hút thuốc lá trên các phương tiện giao thông công cộng được phát sóng trong tháng 4 và phát lại vào tháng 7-2018. Hai thông điệp về tác hại của hút thuốc trong nhà dự kiến phát trong tháng 5-2018. Tới tháng 6, tháng 8 phát các thông điệp về khuyến khích cai nghiện thuốc lá và ý nghĩa của việc tăng thuế thuốc lá.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá chia sẻ: Thông qua chiến dịch này, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá mong muốn sẽ có nhiều người hơn nữa được biết các thông tin về tác hại của hút thuốc và hút thuốc thụ động để từ đó có những thay đổi hành vi phù hợp như không hút thuốc gần mọi người, không hút thuốc tại những nơi có quy định cấm, cai thuốc lá vì sức khoẻ của chính mình và những người thân của mình.
Theo Tổ chức Y Tế Thế giới, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến sử dụng thuốc lá. Số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.