Sáp nhập, gọn bộ máy

Nguyên Khánh 22/04/2018 07:30

Việc Bộ Nội vụ công bố dự thảo tờ trình Nghị định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành trong đó đề xuất hợp nhất nhiều sở, ngành đang thu hút sự chú ý của xã hội. Theo Bộ Nội vụ, sáp nhập một số sở bởi chức năng, nhiệm vụ của các sở có mối quan hệ liên thông.

Sáp nhập, gọn bộ máy

Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh hoạt động hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân. Ảnh: Thanh Tùng.

Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo tờ trình nghị định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành trong đó đề xuất hợp nhất nhiều sở, ngành giúp cả nước giảm từ 46 đến 88 sở, ngành. Theo đó, sẽ có ít nhất 10 sở, ngành hợp nhất ở cấp tỉnh. Đề xuất này đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Theo Bộ Nội vụ, 4 sở được đề xuất giữ nguyên nhằm bảo đảm ổn định và phát huy hiệu quả của mô hình tổ chức sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực hoặc sở tham mưu quản lý chuyên ngành, chuyên sâu có tính ổn định cao gồm: Sở Tư pháp; Tài nguyên - Môi trường; Lao động -Thương binh và Xã hội; Y tế.

Đối với các sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, dự thảo đề xuất giao thẩm quyền cho UBND trình HĐND quyết định giữ ổn định hoặc hợp nhất lại với nhau.

Nhóm các sở, ngành gồm: Nội vụ, thanh tra tỉnh, văn phòng UBND, Bộ Nội vụ đề xuất tổ chức thí điểm hợp nhất tương ứng với ban tổ chức tỉnh, Ủy ban Kiểm tra tỉnh và văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, văn phòng HĐND cấp tỉnh.

Theo lý giải của Bộ Nội vụ, đề xuất sáp nhập một số sở bởi chức năng, nhiệm vụ của các sở có mối quan hệ liên thông với nhau, tạo điều kiện cho việc tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước.

Đưa ra ý kiến về việc sáp nhập các sở, ngành, ông Lê Như Tiến (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) cho rằng: Dự thảo sáp nhập các bộ, ngành của Bộ Nội vụ đã có những quy định mềm hơn, theo đó, không rập khuôn một mẫu số chung về số lượng sở ngành trên phạm vi cả nước như trước. Theo đó, các địa phương căn cứ tình hình địa chính trị và phát triển kinh tế - xã hội địa phương để thành lập các sở phù hợp nhất.Chẳng hạn, tỉnh chủ yếu nông nghiệp thì nông nghiệp phải là ưu tiên; có tỉnh chủ yếu phát triển dịch vụ du lịch thì ngành dịch vụ này phải ưu tiên chứ không dàn đều, tỉnh nào cũng đầy đủ các đầu mối như hiện nay.

“Việc nhập các sở, ngành, quản lý đa ngành đang là xu hướng của thế giới. Tuy nhiên đừng vì áp lực tinh giản biên chế mà tạo sự gượng ép, vượt quá nguyên tắc chuyên sâu cần thiết trong quản lý nhà nước, đồng thời phải chú ý ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết khối lượng công việc sau khi nhập sở”- ông Tiến nói.

Nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) thì cho rằng: Nếu nhiều sở nhập lại thành một mà các bộ phận chỉ là con số cộng của các sở cũ, giải quyết công việc như cũ thì chỉ làm cho bộ máy thêm cồng kềnh, không hiệu quả. Ba sở gộp lại thì bộ máy tinh gọn còn 1/3 nhưng phải làm việc hiệu quả, nhất là giải quyết các công việc liên quan đến người dân. Theo đó các địa phương cần áp dụng công nghệ thông tin, chính quyền điện tử để giải quyết công việc một cách nhanh gọn, tăng hiệu suất công việc, tăng được lương cho cán bộ công chức thì mới đúng với tinh thần cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy.

Tinh giản bộ máy không phải là câu chuyện mới. Việc sáp nhập, thu gọn đầu mối thực tế đã được thực hiện từ chục năm trước, khi các phòng ban ở huyện cũng rút gọn lại còn 12 đơn vị. Kết quả, bộ máy vẫn vận hành bình thường. Gần đây nhất, Bộ Công thương đã tái cơ cấu theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, sáp nhập và giải thể một số đơn vị nhưng cũng không làm kém đi hiệu quả quản lý của Bộ này. Thế nhưng mỗi lần sáp nhập thì không ít những tiếng kêu than rằng việc nhiều, tinh gọn rất khó!

Sáp nhập, gọn bộ máy - 1

Một biếm họa cho thấy sự khó khăn khi tinh giản bộ máy.

Tất lẽ, việc sáp nhập sẽ khó khăn vì điều đó đồng nghĩa với việc bớt đi nhiều vị trí lãnh đạo, còn chia tách thì ngược lại. Thế nên, tách thì dễ nhưng nhập vào thì khó. Khó vì đụng chạm đến quyền lợi của các đơn vị chịu tác động, chẳng phải vì thế đã từng có ý kiến nếu Hà Nội, TP HCM sáp nhập các sở ngành sẽ hình thành siêu sở, gây ách tắc trong công việc khiến việc khó chạy.

Ngoài ra, một điều cần lưu ý là có thời cả nước hiện có đến 46 Bộ, ngành, hay như chuyện sáp nhập Hà Nội Hà Tây đâu phải việc dễ. Khi sáp nhập cũng đã có không ít những ý kiến phản đối, song với quyết tâm chính trị cao trong thực hiện, rõ ràng hoạt động của các Bộ đa ngành hiện vẫn đang ổn định, và Hà Nội sau 10 năm hợp nhất hiệu quả đã là câu trả lời sinh động nhất về sự sáp nhập.

Phải lo quyền lợi người lao động dôi dư

Theo ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, sáp nhập sở là công việc đụng chạm đến con người, tổ chức, bộ máy và lợi ích của cán bộ công chức nên chúng ta phải làm thận trọng, công khai và minh bạch, đảm bảo sự đồng thuận cao trong tổ chức, cán bộ, công chức, công nhân viên Nhà nước. Khi tiến hành sáp nhập, chúng ta phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của các sở theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương để bố trí, sắp xếp việc sao cho đúng người, đúng việc.

Về vấn đề giải quyết tình trạng lao động dôi dư sau sáp nhập sở, chúng ta phải xử lý theo phương án tinh giản biên chế theo quy định của pháp luật. Nhà nước cũng cần phải có chính sách để giải quyết các vấn đề tồn đọng này, chẳng hạn như cho về hưu sớm, về một cục, hoặc các chính sách hỗ trợ khác để người lao động tìm được việc làm mới. Khi sáp nhập sở sẽ phải giải quyết tốt công tác lãnh đạo. Đó không chỉ là lợi ích cá nhân, mà có khi còn là lợi ích của cả một nhóm, một đơn vị. Nếu không giải quyết khéo léo, thỏa đáng thì từ xung đột lợi ích sẽ dẫn đến mất đoàn kết trong nội bộ cơ quan đơn vị.Và trong hướng giải quyết, phải lấy lợi ích của đất nước, của nhân dân, của tập thể làm tâm điểm. Để mỗi cá nhân có sự đồng thuận, chia sẻ, thống nhất nên giải quyết theo nguyên tắc: Bảo lưu mức phụ cấp chức vụ trong thời gian tổ chức, sắp xếp lại công việc để đảm bảo thu nhập của công chức không giảm đi, để họ yên tâm làm việc.

Thay đổi tư duy quản lý

Với ông Thang Văn Phúc- nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, việc sáp nhập các bộ đã được đặt ra từ 20 năm trước. Theo đó, Hội nghị Trung ương 7 năm 1999, Đảng đã đặt ra vấn đề hợp nhất các bộ, ngành theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Nhưng rồi bao năm qua chúng ta cứ chậm trễ, thiếu quyết liệt dẫn đến không thực hiện được.Hậu quả là bộ máy hiện nay rất cồng kềnh, chồng chéo, tiêu tốn ngân sách mà hiệu quả, hiệu lực lại không cao.

Có nhiều cơ quan quản lý không đồng nghĩa với chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt lên.Các nước phát triển chỉ có 12- 15 bộ, ngành thôi mà sao quản lý tốt thế, kinh tế rất phát triển? Còn chúng ta có đến 22 bộ, ngành, rồi địa phương nào cũng đầy đủ ban bệ, nhưng người dân vẫn cứ kêu ca về chất lượng phục vụ, chưa kể đó còn là sự tốn kém về chi phí nuôi bộ máy.

Trong tình hình hiện nay việc cắt bớt, sáp nhập các sở lại với nhau là rất phù hợp, nhất là trong bối cảnh các cơ chế, chính sách về quản lý đang chuyển đổi chức năng từ quản lý trực tiếp sang gián tiếp, bằng chính sách, pháp luật, kiểm tra, giám sát. Quản lý nhà nước qúa nhiều đầu mối rồi cứ “ôm việc” làm thay cho thị trường, cho người dân, doanh nghiệp thì khó phát triển được. Đến thời điểm này sáp nhập tuy muộn, nhưng không thể để chậm trễ thêm được nữa.Sau khi sáp nhập các sở xong thì cũng phải nghiên cứu, tính toán sáp nhập các bộ lại cho phù hợp.

Nếu cứ lấy lý do địa phương lớn, công việc nặng nề nếu sáp nhập lại sẽ dẫn đến tình trạng quá tải, không bảo đảm cho sự phát triển thế là tư duy nặng nặng quản lý nên lúc nào cũng muốn “ôm” rồi làm thay cho doanh nghiệp, người dân.

Có thể nói, với 11 triệu người hưởng lương từ ngân sách, trong đó có gần 3 triệu cán bộ, công chức trên tổng dân số hơn 90 triệu người, sự quá tải thể hiện rõ với con số chi thường xuyên liên tục tăng gần 20% trong hơn một thập kỷ qua thì không ngân sách nào chịu nổi điều đó, phải sáp nhập rồi tinh giản biên chế là điều phải làm.

Nguyên Khánh