Rác phá tường chắn sóng

Anh Tuấn 23/04/2018 08:00

Phải mất nhiều thập kỷ với sự tài trợ của một số tổ chức quốc tế và sự nỗ lực của chính quyền, nhân dân địa phương mới gây dựng được “bức tường chắn sóng” bằng rừng cây sú vẹt có diện tích lên tới hàng trăm héc ta, trải dọc hơn 5km bờ biển của xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá). Vậy nhưng, chỉ mấy năm gần đây, rác từ đâu đổ về rất nhiều, khiến một phần diện tích khu rừng này bị chết “ngạt”.

Rác phá tường chắn sóng

Khi thuỷ triều dâng cuốn theo rác vào rừng sú vẹt.

Ô nhiễm trầm trọng

Có mặt tại Đa Lộc vào một ngày đầu hè, chúng tôi tận mắt chứng kiến thảm cảnh rác bao phủ, quấn chặt ngang thân cây sú vẹt trên khu rừng. Cơ man là rác với đủ thể loại, từ túi ni lông đến chiếu nhựa, quần áo rách, chăn màn, nệm mút... quấn chặt trên từng thân cây chắn sóng. Từ thực địa cho thấy đã có một phần diện tích rừng sú vẹt với thân cây cao lút đầu người nhưng vẫn chết khô do bị rác bủa vây.

Rác dạt vào bờ kè chắn sóng chất thành từng đống, trong đó có cả xác động vật, khi gặp nắng bốc lên mùi hôi thối nồng nặc. Rác vùi dập những mầm sú vẹt non vừa vươn lên khỏi mặt đất. Rác thải còn làm cho vùng nước biển bị ô nhiễm nghiêm trọng...

Cụ bà Vũ Thị Dục, trú thôn Hưng Bắc, xã Đa Lộc đang cặm cụi đào bắt don. Có chỗ bà đào rộng ra diện tích cả mét nhưng không bắt được con nào. Lớp cát bà đào lên bùn đen kịt và bốc mùi tanh. Bà Dục chia sẻ: “Trước đây, dân Hưng Bắc thường ra khu rừng này bắt con cáy, con ốc; đào con giắt, con don, con ngán đi bán kiếm đồng ra, đồng vào. Nhưng mấy năm gần đây, mỗi ngày càng hiếm dần, giờ ra biển kiếm được mớ don về nấu canh cũng phải mất mấy tiếng đồng hồ”.

Người dân xã Đa Lộc hiểu rõ giá trị của rừng sú vẹt chính là lá phổi xanh mang đến nguồn không khí trong sạch và bảo vệ an toàn cho cuộc sống của mình mỗi khi mùa mưa bão về, khi triều cường dâng cao. Vì vậy, chính quyền địa phương cũng như bà con nơi đây ý thức, không đổ rác ra biển.

Ông Trương Ngọc Cường, trú xã Đa Lộc phản ánh: “Cứ chiều lại, khi thuỷ chiều dâng, rác từ biển gặp gió Nam dạt vào rừng sú vẹt. Khi thuỷ triều rút gặp gió Đông bắc thổi ngược lại, rác quấn vào rừng không thoát ra được, khiến nhiều cây sú vẹt bị chết. Không rõ, rác từ đâu đổ về trong mấy năm gần đây nhiều đến vậy! Dân bức xúc lắm, song không biết “thủ phạm” xả rác ra biển là ai, địa phương nào nên rất khó quy trách nhiệm để phản ánh đến cơ quan chức năng”.

Cần nâng cao ý thức cộng đồng

Ông Vũ Văn Đỉnh - Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết: Người dân địa phương hiểu rõ giá trị của rừng ngập mặn đối với vấn đề bảo vệ môi trường nên không bao giờ mang rác ra biển đổ. Song, rác trôi nổi trên biển, rác từ thượng nguồn của con sông Lèn trực tiếp đổ về đây nhiều vô kể.

“Chúng tôi liên tục huy động sức người thu dọn rác nhằm bảo vệ rừng nhưng dọn xong một hai hôm, đâu lại vào đấy”- ông Đỉnh nói. Cũng theo ông Đỉnh, gần đây đại diện một số tổ chức quốc tế đã về Đa Lộc tìm hiểu nguồn gốc của rác từ đâu đổ về đây và nghiên cứu nhằm đưa ra giải pháp khắc phục nhưng chưa thể tìm ra giải pháp tối ưu.

Đại bộ phận nhân dân cũng như chính quyền xã Đa Lộc cho rằng: Để bảo vệ được rừng sú vẹt phát triển bền vững, cần phải nâng cao ý thức cộng đồng. Các địa phương ven biển cũng như hàng vạn hộ dân sống dọc đôi bờ con sông Mã, sông Lèn không mang rác ra sông, ra biển vứt nữa. Bởi, vùng biển Đa Lộc được xem như một cái vũng tù nên khi thuỷ triều lên hoặc khi có mưa lớn, lũ về, rác từ biển, từ sông đều dồn về đây và biến rừng sú vẹt Đa Lộc thành cái “rốn” chứa rác.

Ông Vũ Văn Đỉnh tỏ ra bất lực: “Chúng tôi kêu gọi cộng đồng hãy chung tay bảo vệ môi trường. Thực sự, chính quyền và người dân Đa Lộc không thể tự chủ động để gìn giữ được rừng sú vẹt nếu tình trạng xả rác bừa bãi từ khắp các ngả vẫn còn diễn ra”.

Rừng sú vẹt ngoài nhiệm vụ quan trọng, bảo vệ an toàn đối với hàng nghìn hộ dân mỗi khi mùa mưa bão về, mỗi lần nước thuỷ triều dâng cao còn tạo nguồn sinh kế giúp bà con ở ven biển thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Song hiện nay, tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng ước lượng có tới hàng chục héc ta cây sú vẹt trưởng thành tại khu rừng ở Đa Lộc đang bị rác quấn ngang thân. Điều này ngoài đe doạ tới cuộc sống của hàng vạn cư dân ven biển còn làm tổn thương niềm tin đối với các tổ chức quốc tế đã chung tay góp công, góp của gieo trồng nên khu rừng trong suốt nhiều năm qua.

Anh Tuấn