Học nghề sớm, tại sao không?
Tại một buổi tư vấn hướng nghiệp và phân luồng sau THCS tại một trường THCS mới đây, nhiều ý kiến cho rằng “hướng rẽ” học trường nghề thay vì học lên cao vẫn có cơ hội: Đó là dễ tìm được việc làm.
Thực tế cho thấy, với học sinh có học lực trung bình vào học THPT rất vất vả, thậm chí bỏ học giữa chừng vì không theo kịp chương trình. Một con số thống kê cho thấy, với 1000 HS thi vào THPT thì có khoảng 600 em được vào trường công, 400 em “rớt” sẽ học trường tư, hoặc rẽ ngang. Lựa chọn học tiếp hay không phụ thuộc vào HS và gia đình, những năm trước “tất cả cùng cố” để vào cho được THPT. Nhưng nay, không ít chỉ dấu cho thấy nhiều em sau khi học xong THCS đã tìm đến các trường nghề, các cơ sở dạy nghề.
Điều đó không chỉ ở khu vực nông thôn, mà cả thành thị cũng đã có nhiều em học nghề sau khi học xong THCS. Đây là sự phân luồng tự nhiên, theo thực tế cuộc sống, và trong không ít trường hợp được coi là sự lựa chọn rất thực tế. Vì rằng, việc học là cả cuộc đời, học trong môi trường học đường có thể ít hơn nhưng nếu cứ cố mãi trong khi lực học có hạn không hẳn đã là điều hay. Trong khi đó, nếu một em cụ thể “rẽ ngang” đi học nghề thì chỉ thời gian ngắn đã có nghề, dễ xin việc làm trong khi thị trường lao động đang bùng nổ.
Thực tế thì nhiều em học nghề vẫn có thể học văn hóa, hệ giáo dục thường xuyên. Đây là cách ngày càng có sự lựa chọn. Nhiều em sau khi hoàn thành chương trình trung học hệ giáo dục thường xuyên thì đồng thời có bằng trung cấp nghề. Đó cũng được coi là một lợi thế. Lúc đó, các em vẫn được quyền nộp hồ sơ và sẽ được thi THPT quốc gia như những học sinh khác. Đây là điều kiện để các em có cơ hội học liên thông lên CĐ, ĐH nếu muốn.
Một vị chuyên gia trong ngành giáo dục đưa ra lời khuyên: Với học lực trung bình, ngay từ bây giờ các em hãy chọn học trung cấp nghề để tiết kiệm chi phí và sớm có việc làm. Ở trường nghề, thời lượng đào tạo 70% thực hành và 30% lý thuyết, cộng với kỹ năng mềm, HS hoàn toàn tự tin gia nhập thị trường lao động. Trong một số trường nghề còn dạy cả ngoại ngữ, nhất là những ngoại ngữ có nhiều khả năng xin việc, trong đó có tiếng Nhật, tiếng Hàn. Những học sinh này còn có thêm cơ hội tham gia xuất khẩu lao động nếu có nhu cầu.
Hiện các nhóm ngành kỹ thuật giao thông vận tải có nhu cầu việc làm rất lớn, nhất là các ngành công nghệ ôtô, xây dựng công trình, công trình giao thông… Các ngành công nghệ kỹ thuật chế biến và bảo quản thủy sản, công nghệ kỹ thuật chế biến và bảo quản thực phẩm, cơ điện lạnh thủy sản, bảo trì và sửa chữa thiết bị nhiệt, khai thác hàng hải thủy sản… là những ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn, nhưng các cơ sở dạy nghề chưa đáp ứng được, điều đó cũng là một hướng mở cho không ít HS sau khi hoàn thành chương trình bậc THCS.
Băn khoăn lớn nhất của phụ huynh khi con mình “rẽ ngang” đi học nghề chính là việc có tìm được việc làm sau khi học nghề xong hay không. Cũng không ai dám nói chắc chắn, nhưng thực tế cho thấy đây dang là một hướng mở, và nhiều em đã tự nuôi được bản thân và tiếp tục học liên thông do có một nghề cụ thể trong tay.