Dệt may... chi đậm
Ngành dệt may đang chiếm 11% tổng nhu cầu năng lượng trong các ngành kinh tế công nghiệp. Trung bình mỗi năm ngành dệt may Việt Nam mất 3 tỷ USD cho chi phí năng lượng sản xuất.
Liên quan vấn đề này, ông Vũ Đức Giang- chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, dệt may của Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh rất lớn trên thị trường thế giới về chi phí giá thành, chất lượng sản phẩm về an toàn cho người tiêu dùng và an toàn cho chính người lao động trong ngành. Đặc biệt, công nghiệp dệt may thế giới bước vào giai đoạn công nghệ 4.0, vì vậy đòi hỏi khả năng phát triển của các ngành công nghiệp trong đó có ngành dệt may. Từ đó tạo ra sự khác biệt trong tiến trình hội nhập, phù hợp với khả năng đòi hỏi về các điều khoản trong các hiệp định thương mại. Giải pháp phát triển trên nền tảng công nghệ, quản trị môi trường và tiết kiệm chi phí năng lượng là yếu tố sống còn để ngành dệt may phát triển bền vững và hiệu quả. Tuy nhiên, ngoài điểm yếu gia công hàng dệt may cho các nước, ngành này còn khó khăn về vấn đề môi trường. Cụ thể, chi phí sử dụng năng lượng cho hoạt động sản xuất này ở mức cao.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, khả năng tiết kiệm năng lượng của dệt may Việt Nam là khá lớn, khoảng 30% thông qua việc áp dụng công nghệ, cách thức sử dụng và tiêu hao năng lượng. Tuy nhiên việc đó cũng đang gặp phải khó khăn. Khó khăn lớn nhất với các DN là tìm kiếm cơ hội, giải pháp tiết kiệm năng lượng, cùng với đó giá năng lượng thấp, trong khi chi phí thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng lại khá cao. Khó khăn về tài chính cũng là một trong những rào cản đối với các DN để triển khai đầu tư các dự án về tiết kiệm năng lượng.
Trước yêu cầu tiết giảm năng lượng trong sản xuất, đồng thời đáp ứng nawg lực cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu của ngành dệt may, Chính phủ cũng đã có những cam kết cụ thể về việc cắt giảm phát thải khí nhà kính với mức từ giảm lượng phát thải hàng năm từ 8% đến 25%. Do vậy, việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất dệt may đang là yêu cầu bức thiết không chỉ đối với sự phát triển bền vững của DN mà còn là trách nhiệm bảo vệ môi trường, xây dựng thương hiệu.
Thanh Giang