Lao động làm việc ở nước ngoài: Chịu phí cao và nhiều rủi ro
Đây là một trong đánh giá đáng chú ý của các đại biểu tại Hội nghị công bố Bộ Quy tắc ứng xử 2018 của Hiệp hội Xuất khẩu lao động (XKLĐ)Việt Nam và công cụ giám sát do Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO) và Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam tổ chức ngày 24/4 tại Hà Nội.
Chuẩn bị đi xuất khẩu lao động.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng và thương hiệu doanh nghiệp (DN), gắn liền với dịch vụ và bảo vệ tốt hơn người lao động (NLĐ) đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài, trong khuôn khổ dự án “ Hành động ba bên nhằm tăng cường dự đóng góp của lao động di cư và tăng trưởng và phát triển trong Asean” Hiệp hội XKLĐ (VAMAS) đã triển khai giám sát, đánh giá việc thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử COC – VN đối với các DN trong lĩnh vực XKLĐ.
Năm 2017 là năm thứ 5 thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử, theo đánh giá của VAMAS tuy số lượng doanh nghiệp được giám sát đánh giá chỉ chiếm 34% tổng số DN được cấp phép, nhưng số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài qua các DN này đã chiếm gần 70% tổng số lao động mà tất cả các DN được cấp phép đã đưa đi nước ngoài.
“Về kết quả thực hiện COC – VN năm 2017, có 106 DN được xếp hạng, trong đó chỉ có 2 DN được xếp hạng 6 sao, 53 DN được xếp hạng 5 sao, 46 DN được xếp hạng 4 sao và 5 DN được xếp hạng 3 sao”- ông Nguyễn Lương Trào - Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ VN cho hay.
Thực tế một nghiên cứu của ILO trong năm 2017 cho thấy, lao động Việt Nam đang phải chịu mức phí cao hơn so với lao động ở các nước khác. Dù phải chịu mức phí cao, song nhiều người lao động khi đi xuất khẩu không tìm được việc làm phù hợp. Trước thực trạng trên, ILO khuyến nghị các DN Việt Nam cần giảm bớt các loại phí, tiến tới không còn phí XKLĐ. Bên cạnh đó, các DN nên thực hiện bộ quy tắc mới và ILO cam kết hỗ trợ DN thực hiện minh bạch trong chi trả các loại phí.
Trước thông tin lao động trong nước đang chi trả mức phí rất cao cho hoạt động XKLĐ, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Lương Trào cho rằng, so sánh mức phí giữa các thị trường cũng cần nhìn nhận ở nhiều phương diện. Thực tế mức phí ở mỗi thị trường là khác nhau và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Trình độ của người lao động, kỹ năng nghề, sức khỏe…trên cơ sở đó Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ VN sẽ đàm phán với đơn vị tiếp nhận để đưa ra mức phí phù hợp.
Bên cạnh đó, để đáp ứng được yêu cầu của đối tác, ông Trào cho rằng phải nâng cao chất lượng của người lao động đi xuất khẩu, các DN cũng cần đào tạo kỹ năng sát thực tiễn cho người lao động. Khi được trang bị đầy đủ người lao động sẽ có thể tìm được một công việc phù hợp hơn. Để giải quyết được vấn đề này, theo ông Trào cần có giải pháp tổng thể trong tuyển chọn DN phái cử lao động, nhất là trong vấn đề tuân thủ luật pháp. Hơn hết, VAMAS cho biết sẽ tiếp tục vận động các DN tham gia bộ quy tắc ứng xử nhằm nâng cao chất lượng và thương hiệu của DN. Từ đó, tiến tới tuyển dụng công bằng, minh bạch hơn, góp phần bảo vệ người lao động tốt nhất trước rủi ro khi di cư.