Lắng nghe dân - độc đáo những cách làm

Vũ Hàn 25/04/2018 12:25

Cùng với xây dựng và nhân rộng mô hình “Hình thức tập trung - nội dung thiết thực” để tuyên truyền, vận động và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân theo Đề án số 01 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, thời gian qua, MTTQ các cấp trong tỉnh Hậu Giang đã xây dựng những mô hình hay, tập hợp được các tầng lớp nhân dân tham gia.

Lắng nghe dân - độc đáo những cách làm

Một buổi “Ngày thứ sáu nghe dân nói” tại ấp Long Lợi, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành.

Từ mô hình “Ngày thứ sáu nghe dân nói”

Gần 4 năm qua, cứ đều đặn vào ngày thứ sáu tuần cuối cùng trong tháng, Tổ đối thoại với công dân “Ngày thứ sáu nghe dân nói” xã Đông Phước A, huyện Châu Thành do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã làm tổ trưởng lần lượt tổ chức đoàn đến từng ấp để đối thoại với người dân.

Có mặt tại một buổi gặp gỡ, đối thoại chúng tôi cảm nhận rõ được sự phấn khởi của người dân nơi đây. 7 giờ sáng ngày thứ sáu, hàng trăm người dân trong xã Đông Phước A, huyện Châu Thành đã có mặt tại điểm tổ chức buổi đối thoại ở ấp Long Lợi. Điểm tiếp xúc cũng được tổ chức tại nhà của một người dân để bà con thuận tiện đi lại. Hầu hết người dân ở đây xem “mô hình ngày thứ sáu nghe dân nói” là hoạt động quen thuộc. Đây là hình thức sinh hoạt dân chủ thực sự, là diễn đàn để người dân trực tiếp nói lên tiếng nói của mình đối với cấp ủy, chính quyền địa phương.

Sau khi chú ý lắng nghe đại diện UBND xã Đông Phước A báo cáo về hoạt động lãnh đạo, điều hành các mặt kinh tế, văn hóa, chính trị trong xã những tháng đầu năm nay, người dân thẳng thắn bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng của mình.

Tại buổi đối thoại, ông Đặng Văn Khải, 65 tuổi, ngụ ấp Phước Tân, xã Đông Phước A bày tỏ sự đồng tình cao với chỉ đạo, điều hành của xã ngày càng hiệu quả được bà con đồng tình. Ông Khải cho rằng chỉ trong quý I/2018 mà xã Đông Phước A đã thực hiện được khối lượng công việc lớn mà hiệu quả công việc cao. Chính người dân xã này được hưởng thụ những kết quả đó. Rõ ràng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong xã đã được nâng lên chỉ sau một thời gian ngắn.

“Vai trò của MTTQ ngày càng được phát huy trong cộng đồng, trong các khu dân cư. Ngày thứ sáu nghe dân nói là cơ hội để xã lắng nghe từ đó có điều chỉnh, điều hành kịp thời, đồng thời từ ý kiến của người dân kiến nghị lên huyện, lên tỉnh. Ý kiến của người dân dù lớn, dù nhỏ đều được lắng nghe, ghi nhận và giải quyết” – ông Khải chia sẻ.

Mô hình “Ngày thứ sáu nghe dân nói” ra đời từ tháng 6/2014, đến nay xã Đông Phước A đã gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với nhân dân được trên 40 buổi, có hơn 1.960 lượt nhân dân tham dự, với gần 200 lượt hộ dân phát biểu, gần 150 ý kiến. Các kiến nghị tập trung vào giải quyết các thủ tục hành chính một cửa, chính sách nhà nước đối với hộ nghèo, cận nghèo, lộ giao thông, thủy lợi nội đồng, hỗ trợ nhà tình nghĩa, tình thương, bảo hiểm y tế, vệ sinh môi trường ở nông thôn.

“Cán bộ được nhân dân đóng góp xây dựng lề lối làm việc phục vụ nhân dân, hiện các hoạt động ngày càng được nhanh gọn, chuyển biến rõ nét không gây phiền hà và thủ tục hành chính giải quyết trước thời gian quy định” - ông Trần Văn Lễ, Chủ tịch UBMTTQ xã Đông Phước A cho biết.

Mỗi địa phương một cách làm hiệu quả

Từ hoạt động thiết thực của mô hình “Ngày thứ 6 nghe dân nói”, nhiều địa phương đã linh hoạt tổ chức các hoạt động để ghi nhận và lắng nghe ý kiến của nhân dân, như UBMTTQ xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp tổ chức hội nghị thông tin tuyên truyền và lắng nghe ý kiến nhân dân, được tổ chức tại nhà của một người dân ở ấp Long Trường 3, xã Long Thạnh. Hội nghị này đã ghi nhận được rất nhiều ý kiến của người dân chủ yếu tập trung vào các chế độ cho người tham gia bảo hiểm y tế, vấn đề đường nông thôn xuống cấp và chưa có nước sạch để sinh hoạt.

Ông Huỳnh Hữu Kế, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hậu Giang cho biết: Từ năm 2014, thực hiện Đề án số 01/ĐA-MTTW-BTT “Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, UBMTTQ tỉnh Hậu Giang dựa trên những khó khăn thực tế tại địa phương từ đó đã tổ chức thí điểm mô hình phối hợp tuyên truyền lấy tên gọi “Hình thức tập trung nội dung thiết thực”. Từ hiệu quả của mô hình này, đã nở rộ thêm nhiều mô hình, những cách làm hay trong việc tập hợp, vận động, tuyên truyền, lắng nghe và kịp thời giải quyết, kiến nghị giải quyết những yêu cầu, bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người dân. Thời gian qua, rất nhiều vụ việc lớn nhỏ đã được giải quyết trực tiếp, những vấn đề không thuộc thẩm quyền cũng ghi nhận để đề xuất lên cấp trên, hạn chế tình trạng khiếu kiện kéo dài.

Vũ Hàn