Giáo dục vì sự phát triển bền vững giúp thay đổi toàn xã hội
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Bộ GD&ĐT) và Văn phòng UNESCO tại Hà Nội vừa phối hợp tổ chức Đối thoại chính sách quốc gia với chủ đề “Giáo dục vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam”.
Các ý kiến đối thoại nhằm xác định vai trò của các bên trong quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách giáo dục vì sự phát triển bền vững, đồng thời thiết lập cơ chế phối hợp giữa các bên nhằm thúc đẩy các hoạt động giáo dục vì sự phát triển bền vững.
Kể từ năm 1992 đến nay, UNESCO luôn nỗ lực thúc đẩy các chương trình giáo dục vì sự phát triển bền vững. Từ năm 2005 đến năm 2014, tổ chức này giữ vai trò chủ đạo trong Thập kỷ giáo dục vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Theo PGS.TS Lê Trọng Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ GD&ĐT), giáo dục vì sự phát triển bền vững có tính toàn diện và đổi mới bao hàm các khía cạnh liên quan nội dung học tập, kết quả học tập, phương pháp sư phạm và môi trường học tập. Với cách tiếp cận này, giáo dục vì sự phát triển vền vững sẽ giúp thay đổi toàn xã hội.