'Việt Nam là hình mẫu của bình thường hóa quan hệ giữa những cựu thù'
Các nhà lãnh đạo Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ đều đang có những động lực mạnh mẽ thúc đẩy họ cùng đàm phán với nhau.
Ông Thomas Byrne. (Ảnh: Hữu Hoàng/Vietnam+).
Đó là nhận định của ông Thomas Byrne, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Korea Soceity có trụ sở tại New York, Mỹ, trong cuộc trao đổi trước thềm hội nghị cấp cao liên Triều diễn ra vào ngày 27/4.
Theo ông Byrne, điểm khác biệt rõ nét nhất giữa cuộc gặp tới đây giữa hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên so với hai cuộc gặp vào các năm 2000 và năm 2007 là Mỹ và Hàn Quốc đang có sự phối hợp chặt chẽ hơn nhiều cho sự kiện sắp diễn ra này.
Seoul đóng vai trò trung gian giữa Washington và Bình Nhưỡng trong khi cả Washington và Bình Nhưỡng đều có những động lực mạnh mẽ để đối thoại với nhau.
Một bên là Tổng thống Donald Trump muốn tìm cách đạt được một thỏa thuận nào đó với Triều Tiên để lôi kéo sự ủng hộ của cử tri trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại nước Mỹ vào tháng 11 tới.
Một bên là Triều Tiên đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong chương trình hạt nhân và tên lửa, do đó có thể tự tin hơn khi ngồi vào bàn đàm phán.
Trong bối cảnh như vậy, ông Byrne dự đoán kết thúc hội nghị, hai bên có thể ra tuyên bố chính thức chấm dứt các hành động thù địch để thay thế cho hiệp định đình chiến năm 1953, song không chắc hai nhà lãnh đạo sẽ đi vào những chi tiết cụ thể như khung thời gian và mức độ phi hạt nhân hóa hoặc con số chính xác của việc giảm các vũ khí thông thường mà hai bên đang triển khai nhằm vào nhau.
Thay vào đó, hai bên có thể sẽ tái xác nhận những mục tiêu cơ bản của các cuộc đàm phán trong tương lai như là phi hạt nhân hóa, hòa bình, các vấn đề nhân đạo và cải thiện quan hệ song phương.
Về hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, dự kiến diễn ra trong tháng Năm, ông Byrne bày tỏ lạc quan hy vọng rằng cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ tạo bầu không khí thuận lợi cho cuộc gặp sắp tới giữa ông Trump và ông Kim Jong-un.
Tuy nhiên, ông Byrne nhấn mạnh rằng việc phía Triều Tiên đưa ra nhượng bộ gì với Seoul sẽ là yếu tố ảnh hưởng đáng kể tới tâm trạng của Tổng thống Trump.
Nếu như kết thúc cuộc gặp liên Triều, hai bên chỉ nhất trí là tiếp tục đàm phán thì đó không phải là điều mà Tổng thống Trump mong muốn.
Ông Byrne dự đoán để làm hài lòng Mỹ, Triều Tiên sẽ đồng ý ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, song đó là trong thời gian trước mắt. Còn về lâu dài nếu muốn đạt được tiến triển và có một môi trường hòa bình thực sự trên Bán đảo Triều Tiên, thì theo ông cần phải nhiều sự nhượng bộ hơn từ cả hai phía Triều Tiên và Mỹ.
Trả lời câu hỏi liệu có thể xem Việt Nam như một hình mẫu cho tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên hay không, ông Byrne, nguyên Phó Chủ tịch Hãng xếp hạng tín dụng Moody's, cho biết trong hơn 20 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, Việt Nam đã có những bước tiến dài cả trong lĩnh vực kinh tế lẫn chính trị. Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đồng thời đang ngày càng củng cố được vị thế và tiếng nói của mình trên trường quốc tế.
Do đó, ông đánh giá Việt Nam là một hình mẫu lý tưởng cho thấy sự thành công của tiến trình biến những cựu thù thành những người bạn.
Kết thúc cuộc trao đổi, ông Thomas Byrne bày tỏ hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh liên Triều và sau đó là hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ đạt được một số kết quả tích cực, đem lại lợi ích cho an ninh của khu vực.
Theo ông, cùng với sự cải thiện trong quan hệ liên Triều, quan hệ Triều - Mỹ, những căng thẳng tại khu vực tuy không thể biến mất một sớm một chiều, song tình trạng bất ổn định sẽ được đưa vào tầm kiểm soát, và giảm bớt được nguy cơ chiến tranh nhấn chìm không chỉ Bán đảo Triều Tiên mà còn cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương.