Gỡ vướng môi trường
Đẩy nhanh tiến độ thanh tra việc sử dụng đất tại các khu công nghiệp.
Năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức thanh tra thực hiện pháp luật đối với hàng trăm doanh nghiệp, khu công nghiệp trên cả nước. Đây là điều cần thiết trong khi các khu công nghiệp, khu chế xuất tăng nhanh, đồng thời ô nhiễm môi trường cũng như việc vi phạm quản lý đất tại khu vực này vẫn tồn tại.
Nhiều doanh nghiệp vẫn “bỏ qua” khâu xử lý môi trường.
Môi trường chưa sạch
Con số của cơ quan chức năng, tính đến đầu năm 2017, cả nước có 325 khu công nghiệp (KCN- bao gồm cả khu chế xuất- gọi chung là KCN) được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên gần 95.000 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 64.000 ha, chiếm khoảng 67% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó, 220 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên gần 61 nghìn ha và 105 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 34.000 ha.
Trước đây 10 năm (năm 2008), cả nước có 194 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên 46.588 ha. Như vậy, con số các KCN tăng khá nhanh, đi cùng đó là nỗi lo về ô nhiễm môi trường cũng như tình trạng sử dụng đất.
Đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước nhưng nhiệm vụ bảo vệ môi trường luôn được Đảng, Nhà nước coi trọng. Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25-6-1998 và tiếp theo là Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước đã đưa ra những định hướng rất quan trọng, trong đó nhấn mạnh các đô thị, các KCN phải thực hiện tốt phương án xử lý chất thải, ưu tiên xử lý chất thải độc hại.
Nghị quyết Đại hội IX một lần nữa khẳng định: “Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ và cải thiện môi trường theo hướng phát triển bền vững”. Báo cáo phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006-2010) được Đại hội Đảng X thông qua đã nhấn mạnh vai trò của bảo vệ môi trường trong phát triển KCN bằng mục tiêu hết sức cụ thể: “Năm 2010, tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải”.
Cho tới năm 2005, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi được ban hành. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trong qua từng thời kỳ. Tuy nhiên, hiểm họa môi trường từ các KCN vẫn còn đó, đòi hỏi phải được xử lý triệt để mới có thể phát triển bền vững.
Bịt kẽ hở
Năm 1991, Khu chế xuất Tân Thuận (Thành phố Hồ Chí Minh) được thành lập, trở thành KCN đầu tiên của cả nước. Sau đó, lần lượt nhiều KCN ra đời. Đó là dấu hiệu tích cực của nền kinh tế, tuy nhiên không phải KCN nào cũng xây dựng và vận hành nhà máy xử lý nước thải. Lý do chính là do doanh nghiệp (DN) cố tìm cách giảm chi phí, vì xây dựng khu xử lý chất thải công nghiệp khá tốn kém. Đồng thời, cũng còn do sự quản lý nhà nước lỏng lẻo của cơ quan chức năng, trong đó có cả việc thiếu trách nhiệm, thiếu hiểu biết của chính quyền địa phương. Thực tế đó dẫn tới nhiều sự cố môi trường từ các KCN, cả miền Bắc, miền Trung, miền Nam.
Theo kế hoạch, năm 2018, Bộ TNMT tổ chức thanh tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hàng trăm DN, KCN trên cả nước. Đồng thời tiến hành thanh tra hành chính và thanh tra việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước và tài nguyên môi trường của các đơn vị thuộc bộ. Đây là động thái tích cực được dư luận xã hội hoan nghênh. Tuy nhiên, mức độ thanh tra thực chất đến đâu, hậu thanh tra - nghĩa là xử lý thế nào lại được quan tâm hơn.
Danh sách đối tượng thanh tra tại khu vực phía Bắc gồm 90 DN, trong đó có Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội, Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Hà Nội, Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng… Tại miền Trung, Tây Nguyên sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vê môi trường tại 14 công ty, trong đó riêng Đà Nẵng có KCN Liên Chiểu, Công ty cổ phần thép Dana Ý, Công ty cổ phần thép Dana Úc…
Khu vực miền Nam, dự kiến thanh tra 106 DN, trong đó có Công ty TNHH Tân Thuận, Công ty cổ phần hải sản Minh Phú Hậu Giang, Công ty Cổ phần VietStar… Đợt này, Tổng cục Môi trường được giao thanh tra đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường trên kênh Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ, sông Châu Giang và sông Duy Tiên.
Quý I/2018 đã qua, dư luận vẫn chờ đợi kết quả thanh tra của Bộ TNMT về lĩnh vực môi trường.
Theo giới chuyên gia, kẽ hở trong quản lý môi trường tại các KCN vẫn rất cần “bịt kín”. Do phần lớn các KCN phát triển sản xuất mang tính đa ngành, đa lĩnh vực, có tính phức tạp về môi trường nên yêu cầu đối với công tác xây dựng, thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường và giám sát môi trường không dễ. Và đây chính là kẽ hở cho DN “trốn môi trường”.
Nguồn thải từ KCN rất lớn, trong khi đó công tác quản lý và xử lý chất thải còn nhiều hạn chế. Công tác giám sát hoạt động của các công trình xử lý nước thải tập trung không cao do việc chưa lắp đặt và vận hành hệ thống quan trắc tự động. Hệ thống xử lý khí thải tại các cơ sở sản xuất trong KCN còn hạn chế, sơ sài, có nơi chỉ mang tính chất đối phó. Có nơi lại đổ lẫn chất thải công nghiệp với rác thải sinh hoạt, khó cho việc kiểm soát..
Tuy nhiên, nói như một chuyên gia môi trường thì “khó mấy nhưng nếu cán bộ có trách nhiệm thì vẫn “lôi” ra được”. Kẽ hở chính là ở chỗ cán bộ trực tiếp thanh tra không làm hết trách nhiệm, chuyên môn yếu, không loại trừ cả việc bắt tay với DN theo kiểu “hai bên cùng có lợi” bỏ mặc môi trường bị hủy hoại.
Không ít dự án chậm tiến độ, hoang hóa đất canh tác.
Quản lý, sử dụng đất cũng có vấn đề
Theo Quyết định 2965/QĐ-BTNMT về kế hoạch thanh tra năm 2018 của Bộ TNMT, năm 2018 Bộ sẽ tập trung thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại các KCN, cụm công nghiệp, khu kinh tế... Đáng chú ý, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại các KCN, cụm công nghiệp, khu kinh tế tại Thái Nguyên, Cần Thơ, Đồng Nai; thanh tra việc quản lý dử dụng đất đai tại các nông, lâm trường ở một số tỉnh Tây Nguyên.
Thực tế thời gian qua nhiều KCN thuê được đất nhưng không đưa vào sử dụng, đất bỏ hoang. Trong đó có cả trường hợp “xẻ” đất ra bán, hoặc sử dụng sai mục đích. Có những DN được giao đất để thực hiện dự án, nhưng vì thiếu năng lực tài chính nên không triển khai các bước thực hiện mà treo dự án hàng chục năm. Để trốn tránh trách nhiệm, những DN này dùng thủ đoạn thay tên, đổi chủ. Tuy nhiên, việc xử lý được cho là chậm và nhẹ, khiến tình hình vẫn diễn biến phức tạp.
Hiện đất KCN, cụm công nghiệp, làng nghề được quy định tại Điều 51 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Về mặt quản lý nhà nước (trực tiếp), quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc kiểm tra, thanh tra và xử lý đối với trường hợp thuê đất, thuê lại đất trong KCN, cụm công nghiệp, làng nghề nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng so với tiến độ sử dụng đất đã giao kết trong hợp đồng thuê đất, thuê lại đất với DN đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng.
Nhưng, việc này lại “vướng” ở chỗ địa phương nào cũng ưu ái trải thảm đỏ mời gọi đầu tư, và thực tế cũng được hưởng lợi trực tiếp từ DN. Lợi ích địa phương, lợi ích cục bộ đã dẫn tới việc không chặt chẽ trong việc giám sát môi trường cũng như việc sử dụng đất của DN.
Và, cũng như vấn đề môi trường, dư luận đang chờ đợi những đợt thanh tra việc sử dụng đất tại các KCN, từ Bộ TNMT cũng như từ chính các địa phương.
Mới đây, tỉnh Bình Dương đã có kế hoạch thanh tra công tác quản lý và sử dụng đất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, xem xét việc sử dụng có đúng quy hoạch, mục đích sử dụng và quy định pháp luật hay không. Trong đó sẽ thanh tra các cụm công nghiệp Uyên Hưng, Thanh An, KCN Đại Đăng, Đất Quốc... Nội dung thanh tra gồm công tác quản lý và sử dụng đất tại các khu, cụm công nghiệp có đúng quy hoạch, mục đích sử dụng và quy định pháp luật. Ngoài ra, trong năm 2018, Thanh tra nhà nước tỉnh Bình Dương cũng sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý đất đai tại một số địa bàn nóng là TP Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An và thị xã Bến Cát. Bình Dương là tỉnh có công nghiệp, đô thị phát triển mạnh. Trước đây có không ít trường hợp chủ đầu tư KCN xẻ đất ra bán. |