Nâng cao chất lượng dịch vụ công, đáp ứng kỳ vọng của người dân
Thừa nhận thực trạng tỷ lệ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trễ hẹn còn phổ biến ở một số bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu, phải đẩy mạnh chính phủ điện tử, ứng dụng các hình thức trực tuyến qua mạng sẽ tránh tiêu cực. "Phải đưa yếu tố phục vụ người dân, doanh nghiệp lên trên hết, chống tiêu cực tham nhũng trong đội ngũ".
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn chủ trì hội nghị.
Ngày 2/5, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, UBTƯ MTTQ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức công bố chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2017 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAX INDEX 2017) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017 (SIPAS 2017).
Giảm đáng kể sự đi lại của người dân
Dự hội nghị có ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; lãnh đạo các bộ, ngành địa phương trong cả nước
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại hội nghị.
Tại Hội nghị, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, để đo lường sự hài của người dân tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam triển khai điều tra xã hội học tại 63 tỉnh thành. Trong 10 tháng của năm 2017, tổng số phiếu SIPAS đã thu về trong cả nước là 30.991 phiếu đạt hơn 91%.
Theo kết quả được công bố, với các nỗ lực của Chính phủ, chính quyền địa phương trong cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tình trạng người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc đã giảm đáng kể.
Có đến 78% số người được hỏi khẳng định, chỉ cần đi lại 1-2 lần trong quá trình giải quyết công việc. Tuy vậy vẫn còn có người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc với 2,4% số người được hỏi đi lại 5-6 lần.
SIPAS năm 2017 cũng cho thấy chỉ số hài lòng về công chức trên bình diện cả nước là hơn 81,8%, trong đó chỉ số hài lòng về công chức của tỉnh cao nhất đạt 96%, tỉnh thấp nhất là 56,1%.
Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính chung cả nước là 80,9%. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của tỉnh cao nhất là 95,7%, tỉnh thấp nhất là 67,7%. Đáng chú ý, 6 tỉnh có chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính chung của tỉnh là trên mức 90%, có 13 tỉnh dưới 75%.
Quang cảnh hội nghị.
Kiểm tra đột xuất đo sự phục vụ của công chức
Về kết quả PAR INDEX năm 2017 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Vụ trưởng Vụ CCHC, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng cho biết, về khối bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt Chỉ số CCHC cao nhất với kết quả 92,36%, trong khi đó Ủy ban Dân tộc "gặt" Chỉ số CCHC thấp nhất với giá trị đạt 72,13%.
Đáng chú ý trong số các đơn vị có sự sụt giảm về điểm số sơ với năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Y tế giảm mạnh nhất lần lượt là 7,98% và 7,29%..
Kết quả PAR INDEX 2017 của các tỉnh, thành phố đã có những thay đổi đáng kể so với năm 2016 khi mà sự quan tâm của lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố dành cho công tác CCHC ngày càng nhiều.
Trong năm 2017, tỉnh Quảng Ninh đã xuất sắc vượt lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC với kết quả điểm đạt được là 89,45/100 cao hơn so với đơn vị đứng ở vị trí thứ hai là Hà Nội tới 3,99 điểm.
Nhóm 5 đơn vị dẫn đầu PAR INDEX 2017 lần lượt ghi danh tỉnh Đồng Nai, thành phố Đà Nẵng và thành phố Hải Phòng.
Trong nhóm 5 địa phương đứng cuối bảng xếp hạng, tỉnh Quảng Ngãi là địa phương có Chỉ số CCHC 2017 thấp nhất với kết quả đạt 59,69 điểm. Đây cũng là tỉnh duy nhất trên bảng xếp hạng có kết quả đạt được dưới 60 điểm.
Chia sẻ lý do Quảng Ninh vươn lên là tỉnh dẫn đầu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết, từ năm 2012, Quảng Ninh đã chọn CCHC là khâu đột phá.
Theo đó, tỉnh đã rà soát toàn bộ TTHC làm sao cắt giảm khoảng 30-40% đồng thời chuẩn hóa bộ thủ tục này để đưa vào phần mềm để thực hiện.
Phần mềm này do chính tỉnh tự bỏ kinh phí ra để kết nối chính quyền điện tử từ cấp tỉnh đến cấp xã với mục tiêu phục vụ người dân DN tốt nhất trên tinh thần công khai minh bạch.
“Nhờ sự đầu tư “có trọng điểm” này, Quảng Ninh đã gỡ được nhiều nút thắt trong điều hành, tạo ra khâu đột phá, góp phần góp phần thu hút nguồn lực đầu tư vào tỉnh và quan trọng nhất là sự đánh giá, sự hài lòng của người dân và DN vào nền hành chính công”, Chủ tịch Quảng Ninh cho biết.
Với điểm nghẽn thái độ phục vụ của cán bộ công chức vẫn bị người dân phàn nàn thời gian qua, ông Nguyễn Đức Long cho biết, vấn đề này đã được cải thiện rất nhiều thông qua các cuộc “hóa trang” kiểm tra đột xuất các cơ quan hành chính trên địa bàn.
Theo đó, những cán bộ vô cảm, có hành vi không đúng mực bị xem xét xử lý nghiêm minh. Chính vì vậy tính tự giác của cán bộ, công chức nhất là người trực tiếp thực hiện TTHC cấp xã, cấp huyện tại Quảng Ninh đã có chuyển biến tích cực.
Phó Thủ tướng Thực trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu kết luận hội nghị.
Tăng cường khảo sát, đo sự hài lòng của người dân
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, chỉ số CCHC, chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về nền hành chính dù đã đạt được kết quả tích cực nhưng vẫn còn tồn tại hạn chế nhất định như, một số bộ ngành chưa quan tâm đúng mức, chưa quyết liệt đến cải cách thủ tục hành chính.
Việc thực thi nhiệm vụ Chính phủ giao chưa nghiêm, còn tình trạng quá hạn, xin lùi thời gian hoàn thành. Tổ chức bộ máy còn nhiều tầng nấc, hiệu quả hoạt động chưa hiệu quả.
Còn tình trạng bộ, ngành địa phương ban hành các quy định TTHC trái thẩm quyền, công bố, công khai TTHC còn chậm, chưa đúng quy định; tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC trễ hẹn còn phổ biến ở một số bộ, ngành, địa phương; việc thực hiện quy định xin lỗi người dân khi giải quyết TTHC trễ hẹn còn chưa nghiêm, chưa đầy đủ.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ UBND các tỉnh cần sửa dụng hiệu quả chỉ số hài lòng về sự sự vụ hành chính trong chỉ đạo, điều hành CCHC tại Bộ, ngành mình, đề ra các giải pháp phù hợp khắc phục các tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức.
Căn cứ vào kết quả chỉ số CCHC năm 2017, các Bộ, ngành, địa phương cần rà soát, xác định rõ điểm mạnh, điểm hạn chế, yếu kém trong công tác CCHC của đơn vị mình - thể hiện thông qua kết quả điểm đạt được của từng tiêu chí, lĩnh vực cải cách.
Từ đó, chỉ đạo tìm rõ nguyên nhân của hạn chế, yếu kém, cũng như trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức trong triển khai từng nhiệm vụ CCHC đồng thời đề ra các biện pháp cụ thể để khắc phục, bảo đảm nhiệm vụ CCHC được triển khai đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp tục hoàn thiện nội dung, phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các tiêu chí đánh giá CCHC, bảo đảm đánh giá chính xác khách quan, công bằng kết quả triển khai CCHC tại các bộ, tỉnh.
Trên cơ sở đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và các cơ quan liên quan trong triển khai đánh giá kết quả CCHC hàng năm và đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Về thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, phải đẩy mạnh chính phủ điện tử, ứng dụng các hình thức trực tuyến qua mạng sẽ tránh tiêu cực.
TTHC càng công khai minh bạch và không có can thiệp chủ quan sẽ có nền hành chính công phục vụ. Đặc biệt phải đưa yếu tố phục vụ người dân, doanh nghiệp lên trên hết, chống tiêu cực tham nhũng trong đội ngũ.