Tiền bạc là phúc hay là họa
Cách đây hơn 60 năm tôi có học lớp Hán văn của cụ giáo Ph ở một trường tư thục. Một lần thầy viết to lên bảng câu sau đây của một triết gia phương Đông: “Tích tiền là tích họa”. Cả lớp ngơ ngác trước một cách đặt vấn đề kỳ lạ cho lớp người mới ở tuổi thanh xuân như chúng tôi.
Cả lớp nhớn nhác, tiếng to, tiếng nhỏ, rì rầm thảo luận. Chợt thầy Ph gõ mạnh thước kẻ lim to đùng lên mặt bàn, nghiêm giọng:
- Cả lớp yên lặng, có trò nào hiểu ý nghĩa câu danh ngôn thầy viết trên bảng không?
Cả lớp im lặng hồi lâu. Chợt có một cánh tay dơ lên và hỏi thầy một câu thông minh:
- Thưa thầy, xin thầy gợi ý bằng một câu danh ngôn tiếng Pháp tương đương để chúng con có thể hiểu được phần nào, chứ câu Hán tự này thấy không rõ nghĩa.
Thầy mỉm cười, khen giỏi và viết câu thành ngữ tiếng Pháp sau đây lên bảng: “Tiền bạc cũng như ma quỷ, chúng không bao giờ có giây phút nghỉ ngơi” (L'argent et le diable n'ont pas de repos). Cả lớp lại xôn xao bàn tán... Thế mà hơn 60 năm đã trôi qua, anh em bạn học lớp chúng tôi ngày đó giờ chỉ còn 4, 5 người, thỉnh thoảng có gặp nhau. Họ đều ở quanh tuổi 80 cả, sức khỏe kém nhiều. Lần gặp gần đây ai cũng lắc đầu, lè lưỡi: “Các ông có xem truyền hình buổi thời sự lúc 7 giờ tối không, khiếp quá, khiếp quá, lời cụ giáo dạy ngày xưa đúng quá các ông nhỉ!” Ai nấy đều thở dài ngao ngán nhớ lại lời dạy của tiền nhân và đều thấy rõ mấy ai đã hiểu rõ, mấy ai đã theo đúng để giữ được thân mình cho an toàn.
Cách đây hơn 2000 năm, nhà triết học vĩ đại nhất của mọi thời đại – Horace (Thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên) đã khái quát một cách tài tình về vai trò, về sức mạnh, về ẩn họa mà tiền bạc có thể gây ra, tạo ra cho con người như sau: “Tiền bạc là một đứa đầy tớ trung thành và là một ông chủ đểu cáng” (L'argent est un bon serviteur et un mauvais maître). Câu của Horace có tầm khái quát rất lớn, nó xác định vị trí của tiền bạc đối với con người, vị trí của con người đối với tiền bạc. Giữa con người và tiền bạc, ai là chủ, ai là nô lệ? Ai điều khiển ai? Bài này trích dẫn những danh ngôn nói về ích lợi của tiền bạc cũng như những tai họa khôn lường mà tiền bạc mang đến cho con người.
1. Lợi ích của tiền bạc nếu ta biết cách làm chủ được chúng:
William Shakespeare vĩ đại (Năm 1564 – 1616) đã xác định vị trí quan trọng của tiền bạc khi ông viết: “Nếu có tiền bạc đi trước, thì tất cả mọi con đường đều rộng mở” (If money go before, all ways do lie open). Đây là quy luật ngàn đời, cũng giống một câu tục ngữ Việt Nam đã viết: “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Làm việc gì, làm kế hoạch gì, làm dự án gì, dù lớn hay nhỏ, trong phần giải trình người viết cũng phải nói rõ vấn đề “đầu tiên” tức là tiền đâu mà làm, chi phí lấy ở đâu, ngân sách dựa vào đâu? Nếu không soi sáng được phần này thì các phần khác đành chịu chết hoặc “chờ tìm nguồn ngân sách”!
Đấy là việc lớn, việc quan trọng, nhưng ngay cả đến việc nhỏ trong gia đình cũng phải nhờ cậy vào đồng lương hoặc nguồn thu nhập nhờ bán nông sản, kinh doanh... mà có để chi tiêu trong gia đình, cho con cái đi học, mua cái này, sắm cái kia. Trong xã hội, phần lớn con cái nhà nghèo thấy rõ nỗi khổ của cha mẹ, vất vả mới kiếm được đồng tiền nên các em luôn tiết kiệm, chi tiêu đúng mức, thậm chí có em ngoài giờ đi học còn phải đi phụ giúp thêm tại các gia đình, các xưởng máy, công trường ... để đỡ đần thêm cho việc chi tiêu trong nhà. Trái lại, tại những gia đình giầu có, cậy quyền cậy thế đã vô tình làm gương xấu cho con cái trong nhà. Các em muốn gì được nấy, tiêu tiền bừa bãi, vô ý thức, không biết thông cảm với người lao động. Có đửa trẻ hư nói giữa đám đông: “Ô, có 1 tỷ thôi à, thế thì quá rẻ, xin bố tớ được ngay!”. Đây chính là mầm mống của tai họa về sau cho đứa trẻ đó.
Cần phải giáo dục con trẻ sớm biết giá trị của đồng tiền chân chính, đồng tiền mồ hôi nước mắt mới có được để chúng học lấy đức tính biết tiết kiệm khi tiêu pha đồng tiền. Nhà triết học Mỹ - Benjamin Franklin đã từng giáo dục cho thế hệ trẻ: “Nếu con muốn biết giá trị của đồng tiền, con hãy thử đi vay ai đó một ít thì sẽ rõ” (If you would know the value of money, go and try to borrow some). Quả nhiên nếu ta thiếu tiền mà đi vay, sẽ rất khó, chẳng ai muốn cho vay cả. Vì sao? vì họ biết chắc rằng lúc đòi rất khó, mà lại đâm ra mất tình mất nghĩa, mất bạn bè, nên cứ từ chối là hơn!
Cứ thế, con người trưởng thành được giáo dục dần dần mới thấy rõ chỉ có lao động để kiếm được đồng tiền chân chính ta mới yên tâm để chi phí trong đời sống hàng ngày.
2. Tích tiền là tích họa:
Nếu từ nhỏ con người được giáo dục kỹ lưỡng để xác định đúng giá trị của đồng tiền và tránh lòng tham lam muốn chiếm đoạt, vơ vét của công, có 1 lại muốn 2, muốn 3, vượt quá khả năng của mình, vượt quá đạo đức cho phép thì ắt là tai họa do đồng tiền mang lại chắc chắn sẽ xẩy ra.
Học giả cổ đại Naevius (Khoảng từ năm 270 đến năm 200 trước Công nguyên) đã khẳng định: “Của phi nghĩa chắc chắn sẽ lụi tàn” (Nguyên văn tiếng La Tinh: Male parta, male dilabuntur). Trải qua hàng ngàn năm, câu của Naevius vẫn đúng hoàn toàn và soi sáng mọi triết lý về tiền bạc.
Vì sao như vậy?
Vì những người thèm khát tiền bạc thường tìm mọi thủ đoạn xấu xa, đê tiện, thậm chí phạm pháp như đầu độc, giết người cốt để chiếm đoạt tiền bạc của người khác chắc chắn sẽ sa lưới pháp luật. Vấn đề chỉ còn là thời gian và ý thức giác ngộ của người dân trong từng xã hội khác nhau. Những người thèm khát tiền bạc là những hạng người nào? Tiền bạc đã làm mờ mắt họ và dạy cho họ những thói xấu gì? Nhà triết học Collette (Năm 1873 – 1954) đã chỉ rõ tội lỗi do đồng tiền mang lại khi ông viết: “Tiền bạc đem lại sự ích kỷ, dối trá, hèn hạ, kiêu căng và tàn nhẫn” (L'argent rend égoiste, menteur, vil, orgueilleux et impitoyant).
Những loại người tôn thờ tiền bạc, làm kẻ nô lệ để cho tiền bạc sai khiến đã làm nhiều điều thất đức, táng tận lương tâm ngay cả đối với cha mẹ chúng là những người mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng chúng, đến nỗi học giả phương Đông là Chu Tử đã phải nguyền rủa chúng: “Những đứa thèm khát tiền bạc mà lạnh nhạt với cả cha mẹ chúng thì thật không phải giống người” (Trọng hóa tài, bạc phụ mẫu, bất thành nhân tử). Thành ra trong 14 điều Phật dạy chúng sinh vẫn được in thành sách, thành các bức tranh bán ở các Trung tâm tôn giáo, điều thứ 6 Phật dạy: “Tội lỗi lớn nhất của đời người là tội bất hiếu”.
Đúng thế, ngay đối với “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” mà bọn tham tiền còn dám chối bỏ thì thử hỏi ai dám dùng chúng để làm việc này, việc khác. Vì chúng đã thực sự là nô lệ của đồng tiền mất rồi. Có một câu chuyện đau xót về tội bất hiếu này: Anh A là một kỹ sư nghèo, được gia đình vợ nâng đỡ và đưa lên địa vị xã hội mà anh ao ước. Khi có con, vợ anh là chủ nô còn anh là nô lệ của gia đình vợ nên họ yêu cầu cấm mẹ anh, một bà nông dân nghèo, không được đến thăm đứa cháu nội vì sợ mất vệ sinh cho một nhân tài trong tương lai. Vì là nô lệ của đồng tiền, anh A đành cấm mẹ đến nhà mỗi khi có vợ, con anh ở nhà. Mọi người biết chuyện đều khinh bỉ A ra mặt, nhưng A chỉ biết cúi đầu chịu nhục để sống kiếp nô lệ cho đồng tiền.
Phân tích kỹ thêm về bản chất của việc ham mê tiền bạc, tác giả Sacha Guitry (Năm 1885 – 1957) đã mổ xẻ: “Sự thèm khát tiền bạc là cội rễ của mọi tội ác” (The love of money is the root of all evil). Thật may mắn cho những ai ngay từ lúc bé đã có lòng thương cha, thương mẹ, lớn lên có lòng thương người, không tham lam, không dám làm điều phi pháp thì sẽ tránh xa được cơn khát, cơn thèm tiền bạc. Và, từ đó tránh xa được mọi tội lỗi để có một cuộc sống thanh bình. Cách đây ít năm, chuyện kỹ sư B ở một cơ quan cấp tỉnh đã làm nhiều người khiếp sợ tác hại của đồng tiền. Ông B là một chuyên gia giỏi, ông đã chỉ đạo nhiều dự án thành công, đóng góp tốt cho cơ quan. Một hôm có một nhà đầu tư nước ngoài tới gặp ông.
- Ông B này, tài của ông phải được trả bằng đô la mới xứng đáng.
Ông B dần dần cũng tự cảm thấy mình là “một nhân tài bị bạc đãi”. Thế là ông từ bỏ cơ quan, nơi đã dày công đào tạo ông nên người. Ông đi theo một dự án quốc tế cho hợp với tài năng của mình. Sống ở nước ngoài được 1 năm, ông B quay về nước ly dị vợ là một cô giáo cấp 1 dịu dàng, chịu khó, với lý do không hợp với người vợ quê mùa, trình độ thấp kém hơn chồng đủ mọi phương diện. Ông B bỏ rơi luôn cả cha mẹ già và đứa con nhỏ ở quê nhà để “thỏa chí tang bồng nơi đất khách quê người”.
Bố ông rồi mẹ ông B lần lượt qua đời vì bệnh tật, vì nghèo khổ, không có tiền bồi dưỡng, thuốc thang lúc tuổi già đau yếu bệnh tật. Vợ ông đành phải đi bước nữa vì hoàn cảnh phải nuôi nấng đứa con nhỏ cần có người đàn ông để nương tựa.
Ngày ông kỹ sư tài năng B ở tù bên nước ngoài được ra trại, bị trục xuất về nước cũng là khi ông bị nhiễm HIV do ăn chơi trác táng nơi xứ người.
Đến đây, cần hiểu một chút về ma lực, về sức mạnh khôn lường của đồng tiền.
Một ngạn ngữ cổ Nhật Bản viết: “Tiền tuy không có tai, nhưng nó nghe rất rõ, Tiền tuy không có chân, nhưng nó chạy rất nhanh” (L'argent n'a pas d'oreilles, mais il entend, il n'y a pas de jambes, mais il court).
Chả thế mà thiên tài Rabelais (Năm 1483 – 1553) đã phải thốt lên: “Tội lỗi của đồng tiền là nó gây ra những nỗi đau đớn không có gì sánh nổi” (Faute d'argent, c'est douleur non pareille).
Trần Hữu Thăng