Điểm sáng Chiềng Xôm

Huy Cần 03/05/2018 08:00

Nhiều năm qua, bản Tông (Chiềng Xôm, TP Sơn La) luôn được coi là nơi dẫn đầu về phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình. Các gia đình anh em dân tộc Thái nơi đây đồng lòng giúp nhau thoát nghèo và làm giàu.

Điểm sáng Chiềng Xôm

Nuôi gà đồi là một trong những hướng phát triển kinh tế hộ gia đình ở Chiềng Xôm.

Sau mấy năm nuôi gà thả đồi, gia đình chị Lò Thị Inh đã khấm khá hơn. Từ một gia đình khó khăn, giờ gia đình chị Inh thuộc diện khá của bản Tông. Đàn gà 200 con của chị Inh được thả trên đồi. Ngày ngày chị chăm sóc và nuôi nấng chúng chu đáo.

“Nuôi gà thả đồi nhàn lại cho thu nhập cao hơn so với nuôi công nghiệp. Giá bán hiện tại là 130-140.000đ/con. Mỗi năm gia đình tôi bán được khoảng 200 con gà. Năm tới, tôi dự định sẽ nâng đàn gà lên 300 con”, chị Inh cho biết.

Cách làm của chị Inh rất đơn giản, làm chuồng trại chắc chắn trên đồi rồi thả gà ra vườn cây. Gà vừa có chỗ kiếm ăn, vừa bắt được sâu bọ cho cây trồng. Chị Inh còn nuôi gà gối vụ - tức là chia đàn gà ra làm nhiều lứa, nên tháng nào chị Inh cũng có gà bán. Gà được các thương lái đến tận vườn thu mua.

Theo chị Inh, giá gà thả vườn luôn ổn định từ 130.000đ/kg. Thức ăn cho gà được tận dụng bằng nguồn ngô, thóc của gia đình sản xuất được. Việc này vừa tiết kiệm được chi phí mua thức ăn, vừa tận dụng được nguồn lương thực là ngô, lúa vốn bán rất rẻ ở địa phương.

Những năm trước đây, các gia đình người Thái ở bản Tông cũng nuôi gà. Tuy nhiên, mỗi nhà chỉ nuôi vài chục con, thả quanh nhà nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Số gà nuôi được chỉ đáp ứng nhu cầu thường ngày của bà con. Từ cách làm của chị Inh, nhiều gia đình cũng dần nhận thấy việc nuôi gà thả vườn theo quy mô lớn là hướng làm ăn được. Đến giờ hơn trăm hội viên của bản, nhà nào cũng nuôi gà thả đồi, trong đó có 12 hội viên nuôi 200 con gà.

Bản Tông có diện tích đất đồi rộng mênh mông, dường như nhà nào cũng có 1-2ha đất. Những năm trước đây, bà con trồng tre, trồng sắn… nên hiệu quả kinh tế mang lại rất thấp. Theo ông Lò Văn Mừng, Trưởng bản Tông, việc chăn thả gà đồi, rất thiết thực, phù hợp với quy mô sản xuất nông hộ của bà con người Thái ở nơi đây. Khi đời sống của bà con được nâng lên, con trẻ nơi đây cũng được tạo điều kiện học hành đến nơi, đến chốn.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hội viên tham gia nuôi gà đồi, Chi hội Phụ nữ bản Tông đứng ra vay vốn cho chị em. Nguồn vốn này được luân chuyển qua các năm. Đến giờ, tổng nguồn vốn của Chi hội có vài chục triệu đồng. Sau mỗi năm, nguồn quỹ này được bổ sung thêm từ nguồn đóng góp tự nguyện của các hội viên.

Từ một Chi hội khó khăn, nhờ sự đoàn kết của các hội viên mà Chi hội bản Tông trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Vui hơn cả là 100% hội viên của bản đã không có tên trong danh sách hộ nghèo.

Huy Cần