Màu xanh trên vùng đất khô cằn
Ninh Thuận là nơi có lượng mưa trung bình hàng năm ít nhất cả nước. Nhiều diện tích đất khô hạn, điều kiện sống khó khăn. Nhưng với nhiều nỗ lực, tới nay nhiều vùng đất đai cằn cỗi đã không bị “hoang mạc hóa”, mà đã trở nên tươi tốt, đàn gia súc phát triển mạnh.
1. Năm 2015 và 2016 được coi là thời đoạn khô hạn dữ dội nhất đối với Ninh Thuận. Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, thiệt hại do hạn hán gây ra từ năm 2015 đến hết tháng 5-2016 lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Theo phòng Khoa học công nghệ (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2015, diện tích cây trồng toàn tỉnh bị thiệt hại trực tiếp và gián tiếp lên đến trên 700 tỷ đồng. Vụ Đông Xuân 2015 - 2016, tổng diện tích phải dừng sản xuất 5.775ha/26.230ha theo kế hoạch (chiếm 22%). Cùng đó, diện tích phải dừng sản xuất do thiếu nước tưới vụ Hè Thu năm 2016 là 9.632ha.
Đàn gia súc (trâu, bò, dê, cừu) toàn tỉnh Ninh Thuận trên dưới 300.000 con, nhưng khu vực chăn nuôi chủ yếu ở vùng núi, vùng cao, đều nằm trong vùng khô hạn. Cuối tháng 6-2016, nhiều khu vực gia súc thiếu thức ăn, nước uống do hạn. Số gia súc chết do hạn hán tăng lên theo từng ngày.
Đàn cừu ngày một nhiều hơn.
Kinh phí Trung ương phân bổ cho Ninh Thuận chống hạn năm 2015 là 172 tỷ đồng. Dẫu rằng rất quý nhưng cũng không đủ để chống hạn. Năm 2016, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục được Trung ương phân bổ 47,4 tỷ đồng chống hạn. Có nghĩa là hạn hán, khô cằn ở Ninh Thuận là rất cam go.
Nhiều người nông dân ở đây cho biết đàn gia súc (đặc biệt là cừu) ốm yếu vì thiếu thức ăn, nước uống. Nếu không có mưa, không có nguồn nước thì không thể phát triển chăn nuôi.
Theo Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, quy hoạch, tổng nhu cầu dùng nước của toàn tỉnh là 1.061 triệu m³/năm, nhưng mới chỉ có 20 hồ chứa, với tổng dung tích là 192,21 triệu m³ nước (thời điểm năm 2015). Thiếu nước, nên phải ưu tiên cho sinh hoạt của con người, vì thế việc trồng cây, chăn nuôi rất khó khăn.
Để ứng phó với hạn hán xảy ra ngày càng gay gắt, tỉnh Ninh Thuận đã chủ động tìm kiếm nguồn nước. Tỉnh thường xuyên làm việc với Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim, duy trì mức xả nước từ nhà máy này theo từng thời kỳ, thời điểm, đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Các cơ quan chức năng của tỉnh cũng thường xuyên rà soát, theo dõi để hỗ trợ tổ chức chuyển đổi cơ cấu sản xuất; Khẩn trương thực hiện đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt để đưa vào khai thác, sử dụng; vận động nhân dân đào ao, khoan giếng để bổ sung nguồn nước sinh hoạt, khuyến cáo nhân dân thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước…
Cung cấp nước sạch sinh hoạt cho bà con.
2. Khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn nước, tỉnh Ninh Thuận đã mạnh mẽ quy hoạch, tổ chức lại sản xuất. Theo đó, chỉ trong một thời gian ngắn đã chuyển đổi trên 8 ngàn ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng nho, măng tây xanh và táo.
Thành công rất lớn của Ninh Thuận là đưa các loại cây đặc sản vào sản xuất. Những loại cây này ngoài giá trị kinh tế cao lại có khả năng chịu hạn. Nho, măng tây xanh, táo cao sản, xoài, mít, bưởi, chôm chôm, mãng cầu gai, măng cụt, thanh long... là các loại cây trồng đáp ứng được yêu cầu. Sự chuyển đổi này càng được đẩy mạnh kể từ sau đỉnh hạn năm 2015.
Tới nay, trên những vùng đất cát khô hạn mênh mông đã mọc lên nhiều trang trại cây đặc sản có khả năng chịu hạn. Màu xanh đang rợp mát những vùng đất khô cằn hoang hóa. Tới thôn Tuấn Tú (xã An Hải, huyện Ninh Phước), người ta không khỏi ngỡ ngàng trước sự thành công của Hợp tác xã Măng tây xanh.
Đáng chú ý hơn, hợp tác xã này lại do một nông dân người Chăm làm chủ nhiệm- ông Hùng Ky- quy mô lên tới gần 40ha, chiếm 80% diện tích trồng măng tây xanh của toàn tỉnh.
Theo ông Hùng Ky, khai thác trên vùng đất cát là cực kỳ khó khăn. Nhiều gia đình phải khoan giếng rất sâu để lấy nước tưới.
Thu hoạch nho.
Chuyển đổi cây trồng, không khuất phục trước cái nóng cái gió và sự cằn cỗi, nhiều gia đình nông dân tỉnh Bình Thuận đã trồng táo cao sản. Táo được trồng thành giàn, trái to, ngọt và sai.
Ở thôn Đại Đồng 2 (xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước), nhiều người rất mến mộ ông Quảng Đại Huynh, người Chăm. Tuy diện tích trồng táo cao sản của ông không nhiều nhưng thành công của nó đã thay đổi hẳn cũng cách làm ăn ở đây.
Được biết, lợi nhuận thu được từ táo cao sản gấp 3 lần trồng chuối. Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có hơn 1.200 ha táo, tập trung ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Nam, Ninh Sơn và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, trong đó riêng huyện Ninh Phước chiếm một nửa diện tích.
Tuy nhiên, khó khăn cũng rất lớn, mà trước hết là nguồn vốn. Chỉ riêng tiền mua giống đầu tư cho 1 ha măng tây xanh đã là trên 240 triệu đồng, 1 ha táo cũng hơn trăm triệu, chưa kể phân bón, nhân công chăm sóc. Tiếp đó là việc thu mua sản phẩm của các doanh nghiệp chưa ổn định, nếu phát triển một cách ồ ạt, nguy cơ sản phẩm cây đặc sản bị rớt giá rất dễ xảy ra.
Nhưng dẫu sao thì màu xanh no ấm cũng đã và đang về với vùng đất khô cằn. Niềm vui đã đến với nhiều hộ nông dân Ninh Thuận, trong đó có nhiều hộ đồng bào Chăm.
Cùng với chuyển đổi cây trồng sang những loại cây có khả năng chịu hạn, Ninh Thuận còn thành công trong tổ chức chăn nuôi quy mô lớn. Đàn dê, cừu, bò ngày một nhiều hơn. Không ít hộ đồng bào người Chăm bên cạnh nghề thủ công truyền thống nay đã có đàn dê, cừu hàng trăm con. |