Dư luận trái chiều quanh việc bảo tồn dinh Thượng Thơ
Là tòa kiến trúc nhà có tuổi đời lâu thứ 2 tại TP HCM, dinh Thượng Thơ được người Pháp xây dựng từ những năm 1860 hiện nay vẫn còn gần như nguyên trạng kiến trúc đặc trưng ban đầu.
Một góc dinh Thượng Thơ hiện nay.
Tuy nhiên, có thể tòa nhà tọa lạc tại số 59-61 đường Lý Tự Trọng (Quận 1) này sẽ bị phá bỏ, sử dụng mặt bằng để thực hiện việc mở rộng trung tâm hành chính tại TP HCM. Xung quanh vấn đề tòa nhà có tuổi đời gần 160 năm không được bảo tồn, gìn giữ đã có nhiều ý kiến trái chiều khác nhau.
Ông Nguyễn Thanh Nhã- Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM cho biết, mặc dù là tòa nhà có lịch sử lâu đời nhưng dinh Thượng Thơ lại không nằm trong danh mục di tích được bảo tồn, gìn giữ của thành phố. Vì vậy, việc phá bỏ tòa nhà này, nhất là đặt trong bối cảnh mở rộng trung tâm hành chính của thành phố là việc nên làm. Tại thành phố hiện nay có rất nhiều công trình trên 100 tuổi và chỉ các công trình nào có giá trị văn hóa, lịch sử và nằm trong danh sách bảo tồn, được công nhận là di tích thì mới được giữ lại.
Do vị trí địa lý, tòa nhà hiện đang là trụ sở của một số sở ban ngành tại thành phố, nằm quay lưng và liền kề với trụ sở UBND thành phố hiện hữu. Ngoài ra, đại diện thành phố cũng cho biết, do trụ sở UBND cùng các sở ngành đều là các tòa nhà có kiến trúc cũ, lâu đời nên hiện nay vào mùa mưa luôn xảy ra tình trạng xuống cấp, nhiều chỗ thấm dột nhìn rất nhếch nhác. Việc thay đổi và xây dựng trung tâm hành chính mới là cần thiết nên dù nhiều tiếc nuối thì vẫn phải phá bỏ tòa nhà này.
Trong khi đó, theo Kiến trúc sư (KTS) Võ Kim Cương - nguyên Phó KTS trưởng TP HCM thì việc phá bỏ công trình cũ để thay thế bằng các công trình mới là chưa thực sự đúng đắn. Không riêng gì dinh Thượng Thơ này mà xung quanh khu vực từ tòa nhà UBND thành phố chiếu ra bán kính khoảng 1.000 m có rất nhiều các công trình kiến trúc cổ như nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, Nhà hát lớn… nên nếu vì sự phát triển mà thay đổi những dấu vết lâu đời của mảnh đất này là điều không nên. Ngoài ra, ông Cương cũng tiết lộ, thực tế thành phố hiện nay chưa có danh sách chính thức các công trình cần bảo tồn. Hầu hết chỉ mới bảo tồn theo các di tích lịch sử, cảnh quan có giá trị được xếp hạng.
Tương tự, trao đổi với chúng tôi, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết, nếu vì mục đích phát triển mà phá bỏ các công trình lâu đời thì những thế hệ sau sẽ không biết ở mảnh đất này từng tồn tại những điều gì, công trình kiến trúc gì. Các công trình đã tồn tại qua 3 thế kỷ bản thân nó đã mang trong mình rất nhiều giá trị, không chỉ riêng giá trị sử dụng. Trong tầm nhìn xuyên suốt và hài hòa, phát triển thành phố phải đi liền với gìn giữ nó.
Là công trình trải qua 3 thế kỷ ở thành phố này, dinh Thượng Thơ được người Pháp xây dựng và đã bảo tồn 1 lần, vào năm 1890 (cách đây 130 năm) có lối kiến trúc thiết kế tinh xảo. Ngay cả cổng sắt và đá lát xanh ở sân tòa nhà hiện nay vẫn còn lưu giữ được. Tòa nhà cũng từng xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn hóa nghệ thuật, được học giả Vương Hồng Sển ghi lại khá chi tiết cách đây gần một thế kỷ. Chính vì đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau của mảnh đất này, việc bảo tồn hay phá bỏ hiện đang thu hút được nhiều ý kiến quan tâm của dư luận.