Để rừng bị phá, Hạt trưởng Kiểm lâm Nam Sông Bung bị cách chức
Trưa ngày 4/5, ông Huỳnh Tấn Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT; tỉnh Quảng Nam cho Đại Đoàn Kết Online biết, Sở vừa cách chức Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm kiêm Giám đốc rừng phòng hộ Nam Sông Bung.
Gỗ lim bị chặt hạ ở rừng phòng hộ Nam Sông Bung.
Đây là vụ việc liên quan đến những phản ánh của Đại Đoàn Kết Online về tình hình phá rừng tại Quảng Nam trong thời gian qua. Trong đó có vụ tàn phá rừng tại xã Tà Pơ và xã Chà Vàl ở lâm phận rừng phòng hộ Nam Sông Bung thuộc huyện Nam Giang.
Cụ thể, ông Huỳnh Tấn Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam đã ký quyết định cách chức ông Trần Lanh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm kiêm Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung.
Ông Trần Lanh bị cách chức là do không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành nhưng không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quá nghiêm trọng trong vụ phá rừng trái phép tại xã Tà Pơ và xã Chà Vàl.
Ngoài ra, lãnh đạo Sở NN&PTNT và Chi cục Kiêm lâm tỉnh đã ký hàng loạt quyết định kỷ luật lãnh đạo, kiểm lâm đã để xảy ra nhiều vụ phá rừng già thời gian gần đây.
Cụ thể, Giám đốc Sở Sở NN&PTNT Quảng Nam cảnh cáo ông Hồ Văn Minh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Sông Kôn đồng thời là giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn. Lý do: Ông Minh vi phạm trách nhiệm bảo vệ của chủ rừng, để xảy ra phá rừng trái phép trong lâm phận rừng phòng hộ Sông Kôn.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cũng ký 6 quyết định kỷ luật 6 kiểm lâm viên.
Trong đó, khiển trách các ông Nguyễn Trường Tiến (Kiểm lâm viên trung cấp, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung), Đặng Thi (Kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sao La), Phan Thanh Minh (Trạm trưởng Trạm Quản lý rừng số 3, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn), A Vô Tô Vích (Trạm trưởng Trạm Quản lý rừng Chà Vàl).
Cảnh cáo các ông Nguyễn Nhị (Kiểm lâm viên thuộc Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung), Trần Kim Hoàng (viên chức, phụ trách Trạm Quản lý bảo vệ rừng Tà Pơ).
Sáu cán bộ trên bị cảnh cáo, khiển trách với lý do không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng, để xảy ra các vụ phá rừng trên địa bàn.
Những phách gỗ lim lâm tặc chưa xẻ tại rừng.
Như Đại Đoàn Kết Online trong thời gian qua đã liên tục phản ánh tình hình phá rừng tại Quảng Nam như các bài viết: “Quảng Nam: Bắt giữ 6 đối tượng chặt phá rừng ở huyện Nam Giang” (số ra ngày 16/3); “Tan nát rừng phòng hộ Sông Kôn” (số ra ngày 29/3); Quảng Nam: Rừng bị tàn phá chẳng khác nào máu mình đã đổ xuống” (số ra ngày 31/3); “Tan nát khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh” (số ra ngày 9/4) và nhiều tin bài khác phản ánh về các vụ tàn phá rừng nói trên.
Trong những vụ phá rừng nói trên, có vụ chặt phá 33 cây rừng già ở rừng phòng hộ Sông Kôn thuộc huyện Đông Giang, số gỗ thiệt hại khoảng 45,6 m3, gỗ từ nhóm III - VII; một số gỗ đã vận chuyển khỏi hiện trường; số gỗ còn tại hiện trường 5 lóng gỗ tròn và 1 cây gỗ chưa cưa xẻ, khối lượng 10,852 m3; 8 phách gỗ xẻ, khối lượng 2,299 m3.
Đặc biệt nghiêm trọng là vụ phá rừng lim hàng trăm năm tuổi quý hiếm ở rừng phòng hộ Nam Sông Bung, huyện Nam Giang. Đã có 34 cây gỗ rừng tự nhiên bị chặt hạ (33 cây lim xanh và 1 cây xoan đào). Ước tính tổng khổi lượng gỗ thiệt hại 235,111 m3; trong đó gỗ lim xanh 223,121 m3 và gỗ xoan đào 11,990 m3; khối lượng còn tại hiện trường 125,909 m3 gỗ tròn và 3,949 m3 gỗ xẻ.