Diện tích trồng ca cao tại Đắk Lắk giảm mạnh
Theo ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, diện tích cây ca cao của tỉnh Đắk Lắk hiện nay giảm xuống chỉ còn 1.474ha, giảm 429ha so với năm 2016.
Ảnh minh họa.
Các vùng trọng điểm trồng ca cao của tỉnh như Ea Kar, Krông Ana, Krông Pắk, Ea H’leo đều giảm mạnh cả về diện tích lẫn năng suất, sản lượng. Cụ thể, năng suất ca cao chỉ đạt 11,59 tạ/ha, sản lượng 1.250 tấn, giảm gần 850 tấn so với năm 2016.
Diện tích giảm là do người dân chưa quen với kỹ thuật canh tác, chăm sóc, lên men… cây ca cao.
Đặc biệt, cây ca cao cũng là cây công nghiệp dài ngày, có vốn đầu tư khá lớn, thời gian kiến thiết cơ bản cũng giống các loại cây công nghiệp dài ngày khác nhưng những năm gần đây, giá tiêu hạt, càphê nhân cũng như sản phẩm các loại cây ăn quả như sầu riêng, bơ sáp có giá cao hơn nên người dân đổ xô vào chặt bỏ cây ca cao chuyển đất sang trồng các loại cây này.
Mặt khác, một số diện tích ca cao già cỗi hết chu kỳ kinh doanh sau khi thanh lý, nhổ bỏ người dân không trồng tái canh lại mà chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả dài ngày có giá trị kinh tế cao hơn.
Gia đình anh Y Lý Niê, ở xã vùng sâu Ea H’leo (huyện Ea H’leo) chia sẻ, trước đây, gia đình có 2 ha trồng thuần ca cao, mỗi năm đầu tư chăm sóc khá vất vả, nhất là chưa quen với khâu lên men sau thu hoạch nên chất lượng nhân ca cao không cao, giá bán thấp.
Do vậy, gia đình quyết định phá bỏ toàn bộ diện tích chuyển sang trồng cây hồ tiêu và bơ sáp mang lại hiệu quả cao hơn gấp nhiều lần so với trồng cây ca cao.
Còn chị H’Luyên ở xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar) cho biết, trồng cây bơ, cây sầu riêng vốn đầu tư, kỹ thuật cũng như công chăm sóc ít hơn, đơn giản hơn nhưng cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với trồng ca cao. Do vậy, người dân không “mê” cây ca cao.
Theo quy hoạch đến năm 2020, Đắk Lắk đưa diện tích cây ca cao tăng lên 6.000 ha nhưng thực tế quy hoạch này hiện nay không khả thi.