Luận về cánh cửa
Ngày cuối tuần, không đi đâu, chỉ muốn ở nhà đọc và viết. Cửa chính thì đã đóng rồi để tự khóa chân mình, nhưng còn cửa sổ thì không thể không mở ra. Chợt nghĩ, có những sự vật như cánh cửa kia, ngày nào mình cũng trông thấy nó, chạm vào nó mà sao chưa nghĩ nhiều về nó. Một vật tưởng như quá đỗi bình thường nhưng ngôi nhà nào cũng cần, gia đình nào cũng không thể thiếu.
Không chỉ thế, cửa dường như còn quan trọng hơn chúng ta tưởng khi nó được dùng để gọi tên cho vô vàn các sự vật hiện tượng khác trong cuộc sống hàng ngày, từ những thứ gần gũi cho tới những thứ thật vĩ mô. Vậy là tôi quyết định cần phải luận về cánh cửa.
1. Từ điển tiếng Việt định nghĩa về cửa: “Khoảng trống được chừa làm lối thông với bên ngoài của một nơi đã được ngăn kín các mặt, thường có bộ phận lắp vào để đóng, mở”. Định nghĩa này phù hợp với tất cả các loại cửa có trong một ngôi nhà, từ cửa chính (cửa ra vào) cho tới cửa sổ, cửa kính, cửa cuốn, cửa chớp, cửa mái… Từ nghĩa gốc nói trên, từ “cửa” phái sinh thêm hai nghĩa khác.
Thứ nhất là chỉ “chỗ ra vào, thông với tự nhiên bên ngoài”, từ đây hình thành nên một loạt các đơn vị như: cửa hang, cửa sông, cửa biển, cửa rừng, cửa ải, cửa ô, cửa khẩu, cửa van, cửa ngõ…
Thứ hai, cửa dùng để chỉ “nơi có quan hệ với bên ngoài, trong quan hệ với người có việc cần phải đến”, từ đây hình thành nên các đơn vị, các cách nói như: cửa quan, cửa quyền, cửa Phật, đi làm dâu cửa khác, chạy chọt cửa nọ cửa kia… ”Cửa” từ các ý nghĩa kể trên đã tiến tới việc có thể làm đại diện cho toàn bộ những không gian rộng lớn gắn với các mục đích riêng như học tập, thi cử, buôn bán, cư trú …, chẳng hạn: cửa hàng, cửa hiệu, cửa Khổng sân Trình, cửa thiền…
Mức độ thân thiết của cửa trong đời sống người Việt còn dẫn tới việc người Việt dùng cửa để gọi tên cho nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể người: cửa miệng (chỉ mồm miệng nói chúng), cửa sổ tâm hồn (chỉ đôi mắt), cửa mình (phần ngoài của bộ phận sinh dục nữ), âm hộ (tương tự cửa mình), hậu môn (lỗ đít).
Nhân nhắc đến các từ ngữ Hán Việt là âm hộ và hậu môn, phải nói rằng “cửa” trong tiếng Việt còn có ba tên gọi đồng nghĩa mang gốc Hán, đó là hộ, môn và quan. Chữ “hộ” ngoài tham gia cấu tạo từ “âm hộ” thì nó cũng chính là chữ “hộ” trong từ Bộ Hộ thời xưa, dùng để chỉ một cơ quan hành chính thời phong kiến, có chức năng tương đương với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp ngày nay.
Chữ “môn” ngoài tham gia vào cấu tạo từ “hậu môn” thì còn tham gia xây dựng một số đơn vị từ ngữ khác như: thủ môn (chỉ người trấn giữ khung thành trong môn thể thao bóng đá), cự môn (tên một chòm sao trong khoa Tử vi). Chữ “quan” với ý nghĩa là cửa có trong một loạt các đơn vị như: quan san, quan hà, quan tái, quan ải…
Những chữ này gặp khá nhiều trong văn chương cổ điển và cả thời kỳ Thơ Mới: Người lên ngựa kẻ chia bào/Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san (Truyện Kiều – Nguyễn Du), Quan hà hiểm trở trởi kia dựng/Hào kiệt công danh đất ấy từng (Cửa biển Bạch Đằng – Nguyễn Trãi), Tôi uống cả em và uống cả/Một trời quan tái mấy cho say (Một trời quan tái – Nguyễn Bính).
2. Cửa đi vào nhiều câu thành ngữ tục ngữ, nhiều cách diễn đạt ví von trong đời sống hàng ngày của người Việt. Câu thành ngữ quen thuộc “nhà cao cửa rộng”, ngụ ý chỉ những gia đình giàu có, sống phong lưu, có tài sản hơn người. Trong chuyện hôn nhân, dựng vợ gả chồng, người Việt có câu “môn đăng hộ đối”, chỉ việc hai bên gia đình thông gia phải có sự tương xứng về đẳng cấp, trình độ, vị trí xã hội đối với nhau.
Khi chuyện dựng vợ gả chồng tiến hành xong xuôi, đến lúc người phụ nữ có bầu thì người Việt lại có cách ví von: chửa cửa mả, ý nói việc mang bầu và sinh nở là vô cùng vất vả, mệt nhọc và nguy hiểm đối với người phụ nữ, nếu sơ sảy hoặc kém may mắn có thể dẫn tới mất mạng. Khi gặp phải những khó khăn, áp lực trong đời sống và rồi vượt qua được bằng một xác suất rất thấp, người Việt lại có cách diễn đạt: “lách qua khe cửa hẹp”. Việc các thí sinh, sĩ tử thành công trong những kỳ thi quan trọng, người Việt dùng hình ảnh “vượt vũ môn”…
”Cửa” cũng đi vào những danh ngôn thế giới nổi tiếng, chẳng hạn: “Đừng phá cửa! Hãy mở nó, nhẹ nhàng, bằng chìa khóa!”.
“Cửa” cùng các biến thể đã đi vào nhiều câu đối nổi tiếng trong lịch sử văn học Việt Nam. Bắt đầu từ những đối đáp trong kho tàng dân gian, chúng ta có giai thoại cô dâu trong đêm động phòng dùng điển tích Lưu thần nhập Thiên Thai để “làm khó” cho chú rể. Vế ra của nàng như sau: Hang Thiên Thai then khóa động đào, đóng chặt lại để chàng Lưu quên lối cũ. Chú rể không phải tay vừa lập tức đối lại: Cửa Hàm Cốc lỏng khuôn tạo hóa, mở toang ra cho ông Bái dẫn quân vào.
Đến thời Trần, Mạc Đĩnh Chi (1280 - 1346) khi sang xứ Tàu đã bị quan trấn ải Pha Lũy ra một vế đối hiểm hóc với bốn chữ “quan” (cửa): Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan (Qua cửa muộn, cửa quan đóng, mời khách qua cửa quan). Những tưởng sứ thần nước Nam chịu thua bởi vế ra lắt léo này, nhưng không, Mạc Đĩnh Chi đã dùng chính tình thế khó khăn ấy và ứng biến bằng một vế đối cực kỳ thông minh: Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối (Ra vế đối thì dễ, đối lại mới khó, mời tiên sinh đối trước).
Sau Mạc Đĩnh Chi nhiều thế kỷ, Nguyễn Khuyến (1835 - 1909) có câu đối cực kỳ hài hước, trào lộng trong bối cảnh tống cựu nghinh tân, tiễn năm cũ mừng năm mới: Đêm Ba Mươi co cẳng đạp thằng Bần ra cửa/ Sáng Mùng Một giơ tay bồng ông Phúc vào nhà. Sang thời kỳ hiện đại, chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có một vế thách đối thú vị liên quan đến “cửa”, trong hoàn cảnh đang trồng cây khoai môn trước nhà để tăng gia sản xuất. Khi đoàn cán bộ đến thăm, Bác đọc vế thách đối: Trồng môn trước cửa (môn cũng là cửa). Một đồng chí đối lại: Bắt ốc sau nhà (ốc cũng là nhà).
3. Trong thi ca, không chỉ chữ “cửa” mà rất nhiều bộ phận của cửa như bậu cửa, bậc cửa, ngưỡng cửa… cũng như sự cụ thể hóa các loại cửa đều được những người nghệ sĩ ngôn từ sử dụng một cách sống động, đầy gợi cảm, thể hiện được những ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc. Nhưng tựu trung lại có hai trường nghĩa lớn nhất khi miêu tả cánh cửa gắn với thế giới tâm trạng con người.
Thứ nhất là sự đợi chờ, mong ngóng, trông đợi một bóng hình. Đó có thể là hình ảnh người mẹ chờ con như trong Chinh phụ ngâm: Lòng mẫu thân buồn khi tựa cửa/Miệng hài nhi tới bữa mớm cơm. Đó có thể là chàng trai đang mong ngóng người con gái mà mình yêu thương như trong thơ Lưu Quang Vũ: Kẻ lẻ loi còn được phút bình yên/Anh như đứng trên than đi trên lửa/Không còn đủ sức sướng vui hay buồn khổ/Chỉ còn là bậc cửa đợi chờ em (Em vắng). Và đó còn là người con gái lẻ loi đang khao khát luyến ái, khao khát yêu đương, đợi chờ tình yêu trong một niềm vô vọng: Em đứng bên bậu cửa thay đồ lót/Chôn vùi da thịt vào gối chăn (Đêm mưa -Trương Xuân Thiên). Ý nghĩa thứ hai gắn với cánh cửa là sự đoạn tuyệt, chia ly, ngăn cách, giã từ.
Trịnh Công Sơn đã từng viết những lời thế này trong ca khúc nổi tiếng Đêm thấy ta là thác đổ: Lòng tôi có đôi lần khép cửa/Rồi bên vết thương tôi quỳ/Vì em đã mang lời khấn nhỏ/ Bỏ tôi đứng bên đời kia. Còn Xuân Quỳnh trong một thi phẩm có lẽ là cuối cùng của sự nghiệp sáng tác – Thời gian trắng (6/1988) – cũng qua hình ảnh cánh cửa mà gửi gắm bao buồn thương xót xa, bao lưu luyến của một dự cảm chia lìa: Anh thuộc về những người ngoài cánh cửa/Của con đường, trang viết, câu thơ (…) Dù cùng một thời gian, cùng một không gian/Ngoài cánh cửa với em là quá khứ/Còn hiện tại của em là nỗi nhớ/Thời gian ơi sao không đổi sắc màu.
Cảm giác cách ngăn gợi ra từ cánh cửa còn đươc miêu tả trần trụi hơn trong những câu thơ của Ngục trung nhật ký: Anh đứng trong cửa sắt/Em đứng ngoài cửa sắt/Gần nhau trong tấc gang/Mà biển trời cách mặt (Vợ người bạn tù đến thăm chồng – Hồ Chí Minh). Cả hai trường nghĩa trên gắn với cửa đều có điểm chung là sự trống vắng, hao khuyết, dở dang, ngược lại với cảm giác đoàn tụ sum họp. Vì thế, cảm giác chung của những câu thơ vừa dẫn đều gợi buồn.
Thế nên, cũng phải dẫn thêm ít câu khi cửa gắn với niềm vui, với sự đón nhận và ấm áp: Trải qua bao trắc trở long đong/Em không thể tin trong tro còn có lửa/Thế mà chiều nay, khi anh dịu dàng mỉm cười nơi ngưỡng cửa/Em nghe trong lòng thanh thản bão giông qua (Giá có thể -Tiểu Hàn). Hành động “gõ cửa” cũng có thể xem là một biểu tượng tích cực, gắn với sự giúp đỡ hoặc những khát khao giao cảm, khát khao đồng điệu: Gõ cửa nhà ai xin ngủ trọ/Giật mình tôi thấy giọng Nhi thưa (Hoa và rượu – Nguyễn Bính), Gõ cửa tình yêu anh nhé. Phố quen theo chân em về. Thầm vờ duyên cớ khiến xui anh gặp em. Con tim ngập ngừng muốn nói (Gõ cửa tình yêu – Nhạc và lời: Nguyễn Đức Trung).
Sẽ là không thể nói hết những câu thơ, lời ca đẹp nhất của người Việt về cánh cửa bởi khuôn khổ bé nhỏ của một bài viết. Nhưng tôi tin rằng có những cánh cửa sẽ còn neo đọng lại mãi trong tâm hồn những người yêu thơ Việt, nhạc Việt. Ở đó, có những bâng khuâng e ấp như trong câu thơ của Phan Thị Thanh Nhàn: Khung cửa sổ hai nhà cuối phố/ Chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ. Và có những luyến lưu của một thời xa vắng như trong những câu thơ của thi sĩ chân quê: Hôm nay xuống bến xuôi đò/Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau/Ai đi đó ai về đâu/Cánh buồm nâu… cánh buồm nâu… cánh buồm… (Nguyễn Bính).